Các giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc tài chính đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam. (Trang 53 - 54)

Luận án này sẽ đưa ra 7 giả thuyết nghiên cứu với mục tiêu làm rõ sự tác động của biến giải thích là CTTC đến HQKD của các DNXD tại Việt Nam

- Tác động của cấu trúc nguồn vốn

Các nghiên cứu thực nghiệm về lý thuyết cấu trúc vốn (như lý thuyết cổ điển về cấu trúc vốn của Durand (1952) cho rằng: Chi phí vốn của nợ thường “rẻ” hơn so với chi phí vốn của chủ sở hữu, nên DN thường sử dụng nợ nhiều hơn để làm tăng hiệu quả của DN. Ngoài ra, mệnh đề II của lý thuyết M&M (1958) cũng cho thấy: Tỷ lệ nợ có mối quan hệ tích cực đến HQKD của DN. Thêm vào đó, các nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả như: Nieh và cộng sự (2008); Đỗ Văn Thắng và Trịnh Quang Thiều (2010); Antwi và cộng sự (2012); Hoque và cộng sự (2014); Farooq và Masood (2016), cho kết quả: Cấu trúc nguồn vốn với biến đại diện là tỷ số nợ trên tổng tài sản tác động tích cực tới hiệu quả kinh doanh của DN. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác như: Lê Thị Phương Vy và Phùng Đức Nam (2013); Nguyễn Hữu Huân và Lê NguyễnQuỳnh Hương (2014) lại cho kết quả ngược lại, còn đối với nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả: Carpentier (2006); Asiri và Hameed (2014), cho thấy: Chưa tìm thấy mối quan hệ giữa cấu trúc nguồn vốn với hiệu quả kinh doanh của DN. Với các nghiên cứu thực nghiệm, nhìn chung đa phần đều cho kết quả: Tỷ số nợ có tác động tích cực đến HQKD của DN. Vậy theo lý thuyết cổ điển Durand và lý thuyết M&M kết hợp với các nghiên cứu thực nghiệm trước đây của các tác giả, luận án đưa ra giả thuyết 1:

Giả thuyết 1: Cấu trúc nguồn vốn với biến đại diện là tỷ số nợ (tổng nợ/tổng tài sản) sẽ tác động tích cực (+) đến hiệu quả kinh doanh của DNXD

-Tác động của cấu trúc tài sản

Tài sản cố định trong DN rất quan trọng là bộ phận không thể thiếu được trong quá trình tạo ra sản phẩm. Trong DNXD, tài sản cố định chủ yếu là nhà văn phòng, máy móc thiết bị thi công, phương tiện vận tải… Các tài sản này có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tạo nên thực thể sản phẩm xây dựng. Khi DN đầu tư đủ các loại máy móc sẽ tạo điều kiện cho DN chủ động trong quá trình thi công, kịp và vượt tiến độ đề ra. Ngoài ra, tài sản cố định cũng là tài sản thế chấp khi DN muốn vay tiền ngân hàng trong lúc thiếu vốn kinh doanh. Theo Akintoye (2008), khi DN có lượng tài sản cố định lớn khi vay ngân hàng sẽ được ưu đãi hơn về lãi suất, từ đó làm tăng HQKD. Hơn nữa, theo lý thuyết cấu trúc tài sản tối ưu khi tỷ trọng tài sản cố định tăng dần trong giới hạn thì ROA tăng theo, vì vậy giả thuyết đặt ra là:

Giả thuyết 2: Cấu trúc tài sản được đo bằng tỷ trọng tài sản cố định trên tổng tài sản sẽ tác động tích cực (+) đến hiệu quả kinh doanh của DNXD

-Tác động của tỷ trọng các khoản phải thu

Các khoản phải thu trong các DNXD chủ yếu là thu của các chủ đầu tư về số tiền DN đã thi công và đã nghiêm thu, lên hồ sơ thanh toán. Nếu các khoản phải thu của DN cao dẫn đến tỷ trọng các khoản phải thu trong tổng tài sản lớn làm cho DN bị ứ đọng vốn, đồng thời rủi ro tài chính tăng. Do đó, luận án đặt ra giả thuyết:

Giả thuyết 3: Tỷ trọng các khoản phải thu trong tổng tài sản sẽ tác động tiêu cực (-) đến hiệu quả kinh doanh của DNXD

-Tác động của tỷ trọng hàng tồn kho

Trong xây dựng cơ bản, hàng tồn kho chủ yếu là nguyên vật liệu và giá trị sản phẩm dở dang. Đặc thù của ngành xây dựng là giá trị sản phẩm dở dang rất lớn do khối lượng công việc được nghiệm thu theo điểm dừng kỹ thuật. Khi giá trị hàng tồnkho nhiều, dẫn đến giá trị sản phẩm dở dang lớn, lượng vốn bị ứ đọng cao thì hiệu quả sử dụng vốn càng thấp.

Giả thuyết 4: Tỷ trọng hàng tồn kho trong tổng tài sản tác động tiêu cực (-) đến hiệu quả kinh doanh của DNXD

-Tác động của quy mô doanh nghiệp

Theo Shepherd (1971), quy mô của DN có tác động lớn đến thị phần, uy tín của DN từ đó tác động tới HQKD của DN. Ngoài ra, quy mô DN càng lớn thì khả năng nguồn lực càng cao, cơ hội hợp tác với các DN khác và đa dạng hóa ngành nghề cũng dễ dàng hơn (Frank và Goyal, 2003). Theo lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn, DN có quy mô lớn được ưu đãi nhiều hơn trong khi vay nợ, đồng thời khi vay nợ nhiều sẽ được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp do chi phí lãi vay được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các DNXD để đấu thầu và trúng thầu các công trình lớn thì một trong các tiêu chí quan trọng là quy mô doanh nghiệp phải đủ lớn thể hiện qua chỉ tiêu tổng tài sản.

Giả thuyết 5: Quy mô của doanh nghiệp tác động tích cực (+) đến hiệu quả kinh doanh của DNXD

-Tác động của tuổi của doanh nghiệp

Thời gian hoạt động của DN được tính khi doanh nghiệp bắt đầu thành lập đến thời điểm nghiên cứu. Stinchcombe (1965) cho rằng các DN có thời gian hoạt động lâu thì có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, do đó sẽ tránh được các rủi ro trong hoạt động, hơn nữa sẽ nhận được nhiều ưu đãi trong quá trình vay nợ. Vì vậy, các DN có thâm niên có ảnh hưởng tích cực đến HQKD của DN.

Giả thuyết 6: Tuổi của doanh nghiệp tác động tích cực (+) đến hiệu quả kinh doanh của DNXD

-Tác động của tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp

Tốc độ tăng trưởng được tính bằng tốc độ tăng trưởng liên hoàn của doanh thu thuần. Khi doanh thu thuần tăng, dẫn đến tốc độ tăng và lợi nhuận tăng (Zeitun và Gang Tian, 2007). Tốc độ tăng trưởng là một trong những chỉ tiêu phản ánh sự phát triển của doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp xây dựng, một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đấu thầu đó là doanh thu thuần trong các năm gần nhất. Nếu tốc độ tăng trưởng doanh thu giảm nghĩa là DN đang gặp khó khăn, HQKD giảm và uy tín của DN cũng giảm.

Giả thuyết 7: Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tác động tích cực (+) đến hiệu quả kinh doanh của DNXD

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc tài chính đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam. (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(156 trang)
w