Các DN khi được hỏi về mức độ đồng ý với các quan điểm về CTTC mà luận án sử dụng cho thấy 100% đồng ý với quan điểm đó.
Các DN có tỷ lệ nợ thấp phần lớn là các DN có HQKD thấp, đang trong tình trạng khó khăn, tài sản cố định lạc hậu, thị phần nhỏ và có khả năng cạnh tranh yếu. Các DN này sử dụng tỷ lệ thấp để hạn chế tiêu cực của đòn cân nợ và giảm áp lực về thanh toán các khoản nợ vay. Tuy nhiên, khi NCS khảo sát nhóm sử dụng nợ thấp, có những DN có tổng tài sản lớn mà không vay nợ, các DN này giải thích để “giải quyết bài toán thiếu vốn doanh nghiệp thường lựa chọn giải pháp tăng vốn cổ phần chứ không mặn mà với việc sử dụng tài trợ bằng nợ”. Như vậy, các DN dường như đã quên đi lợi ích từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Ngoài ra, các DN thuộc nhóm sử dụng nợ thấp cũng lý giải nguyên nhân do đặc thù trong hoạt động kinh doanh của họ như các công trình thi công dài, vốn đầu tư mang tính chất dàn trải, thu hồi vốn chậm.
Các DN có tỷ lệ nợ cao, phần lớn là những DN có HQKD cao, khả năng cạnh tranh mạnh và thị phần lớn. Trong số các DN sử dụng nợ nhiều, phần lớn là nợ vay ngắn hạn và mục đích vay nhằm tài trợ cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất và chi trả bồi thường cho bên thứ ba trong việc hoàn thiện pháp lý các dự án lớn. Mặt khác, các DN trong nhóm sử dụng tỷ lệ nợ cao cũng cho biết, ngành XD có đặc thù vay nợ nhiều cho các công trình dự án, nợ phải trả nhà cung cấp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ nhưng về bản chất lại là hình thức vay vốn mà DN không phải trả lãi, việc trả nợ gốc được hoàn thành khi dự án kết thúc, bởi vậy mặc dù tỷ lệ nợ cao nhưng các DN không chịu quá nhiều áp lực về lãi vay. Nhóm các DN sử dụng nợ cao hoàn toàn là những DN lớn và mở rộng hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây. Các DN tích tụ một lượng lớn đất đai và đang đầu tư phát triển các dự án.
Hơn nữa, về cấu trúc tài sản đa số các DN được hỏi đều phàn nàn“quá trình nghiệm thu thanh toán hiện nay thủ tục còn quá rườm rà phức tạp, phải qua nhiều bộ phận ký duyệt, thời gian thanh toán kéo dài”. Cũng chính vì lý do trên mà chi phí sản phẩm dở dang của các DN thường rất lớn, đặc biệt thời gian nghiệm thu thường dồn vào cuối năm làm cho DN bị ứ đọng vốn khá lớn. Công tác thu hồi công nợ gặp rất nhiều khó khăn, do các công trình chủ yếu là vốn của Ngân sách Nhà nước, quá trình thanh toán vốn còn phụ thuộc nhiều vào kế hoạch vốn của ngân sách Nhà nước cấp vì thế các DN không chủ động được vốn để thi công các công trình.
Các DN thể hiện sự tán thành cao với quan điểm cho rằng cần thiết lập một CTTC hợp lý cho các DNXD. Tuy nhiên, khi hỏi về vai trò của CTTC đối với HQKD thì các DN có ý kiến khác nhau. Nhóm sử dụng tỷ lệ nợ cao thì mức độ nhất trí cao (71, 43%) rằng CTTC có ảnh hưởng tích cực đến HQKD của họ, ngược lại nhóm có tỷ lệ nợ thấp thì quan điểm rất khác nhau. Một số cho rằng“khi tỷ lệ nợ phải trả cao, rủi ro càng tăng, khi chi phí sử dụng vốn tăng, vượt quá khả năng sinh lời của DN sẽ làm cho HQKD giảm”. Có DN lại cho rằng ảnh hưởng của CTTC đến HQKD còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế chung của nền kinh tế. Trong thời kỳ suy thoái, khó khăn của DN hay nền kinh tế thì doanh thu sẽ giảm. Khi đó, nếu tỷ lệ nợ càng cao thì lãi phải trả càng lớn dẫn đến lợi nhuận giảm, HQKD giảm. Ngược lại trong thời kỳ tăng trưởng của DN hay của nền kinh tế, thì doanh thu tăng, nếu tỷ lệ cao tức là đòn bẩy tài chính cao dẫn đến lợi nhuận tăng, HQKD tăng. Hay, tỷ lệ nợ cao, áp lực DN lớn, năng suất tăng do đó HQKD tăng.
Như vậy, kết quả nghiên cứu định tính từ phỏng vấn sâu các chuyên gia là các nhà quản trị tài chính và kế toán trưởng của một số DNXD một lần nữa đã khẳng định tính tin cậy của kết quả nghiên cứu định lượng.
Kết luận chương 4
Trong chương này tác giả đưa ra ba phần:
-Thứ nhất, tác giả nêu được tổng quan các DNXD trong giai đoạn 2012-2017 về số lượng và cơ cấu theo quy mô DN, loại hình DN, vùng miền, mã ngành chi tiết. Đồng thời tác giả cũng phân tích tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của loại hình DN trong giai đoạn nghiên cứu.
- Tiếp đó, tác giả phân tích thực trạng CTTC của các DNXD bao gồm cấu trúc nguồn vốn và cấu trúc tài sản để chỉ ra rằng, hệ số nợ của các DNXD thường rất cao, tuy nhiên việc tiếp cận nợ đối với các DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ rất khó khăn thể hiện ở CTNV của loại hình DN này thường thấp. Hơn nữa, loại hình DNNN bao giờ cũng có CTNV cao nhất do tận dụng lợi thế bởi phần vốn góp của Nhà nước. Trong CTTS thì tài sản dài hạn thường chiếm tỷ trọng không đáng kể, chứng tỏ có thể thấy tài sản cố định của các DNXD trong giai đoạn này chủ yếu là đi thuê. Cơ cấu các khoản phải thu và cơ cấu tồn kho chiếm phần lớn trong tài sản ngắn hạn của DNXD
-Thứ ba, tác giả phân tích thực trạng hiệu quả kinh doanh của các DNXD trong giai đoạn 2012-2017 qua các chỉ tiêu phản ánh kết quả kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận và chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh đo bằng ROA và ROE
-Cuối cùng, tác giả đã tiến hành chạy hồi quy các mô hình tác động của các biến nghiên cứu và có kết quả như sau: (i) Chưa tìm thấy mối liên hệ giữa tốc độ tăng trưởng doanh thu và HQKD của DNXD; (ii) Doanh nghiệp càng vay nợ thì HQKD càng tăng; (iii) Tỷ trọng tài sản cố định càng lớn thì DN càng kinh doanh hiệu quả; (iv) Cơ cấu tồn kho càng cao thì HQKD càng thấp đối với cả 2 biến ROA và ROE; (v) tìm thấy mối liên hệ âm giữa cơ cấu phải thu với HQKD của DN; (vi) Các DN có thâm niên kinh doanh sẽ hoạt động hiệu quả hơn các DN mới thành lập. Bên cạnh đó, tác giả phân tích kết quả hồi quy phân vị và tìm thấy sự tác động của các biến CTTC đến HQKD có khác nhau ở các phân vị khác nhau của ROA và ROE. Hơn nữa, ở các phân vị thấp các yếu tố ảnh hưởng tới HQKD có mặt tích cực hơn. Sau khi phân tích định lượng tác giả phân tích kết quả phỏng vấn sâu để củng cố thêm kết luận của nghiên cứu định lượng.
CHƯƠNG 5: GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH