Nghẽn mạch phổi (NMP) là hậu quả của việc cục huyết khối hoặc cục nghẽn mạch khác từ một nơi nào đó của cơ thể vào trong tuần hoàn phổi, còn gọi là bệnh huyết khối tắc mạch phổi. Trên 90% trường hợp các cục NMP xuất phát từ hệ thống tĩnh mạch sâu ở các chi dưới. 8% đến 10% bệnh nhân bị NMP tử vong trong giờ đầu tiên.
Chẩn đoán lâm sàng: Khó thở nhanh. Đau ngực. Nếu nghẽn mạch phổi lớn, bệnh nhân có thể bị ngất. Xuất hiện sốt ra nhiều mồ hôi, tâm lí bất ổn hốt hoảng lo sợ. Ho, đôi khi ho ra máu. Khám tim thấy nhịp tim nhanh. Nghe phổi có ran, cọ sát màng phổi.
Chẩn đoán cận lâm sàng: Qua chẩn đoán hình ảnh X quang, phổi có thể bình thường hoặc có hình ảnh nghi ngờ như vòm hoành cao, tràn dịch màng phổi, giãn động mạch phổi, thâm nhiễm hoặc đông đặc phổi, hình mạch máu bị cắt cụt, hoặc xẹp phổi. Đôi khi thấy hình ảnh của nhồi máu phổi.
Hình 2.5. Huyết khối gây nghẽn mạch phổi
Nguyên nhân: Do cục huyết khối, mỡ, hoặc các dị vật đi vào trong tuần hoàn phổi. Ngoài ra có các nguyên do dẫn tới nguy cơ bị NMP như: nằm bất động lâu, bị chấn thương chi dưới; thai nghén và sản phụ mới sinh; ung thư (phổi, tụy, tiết niệu sinh dục); người cao tuổi, người bị béo phì, người bị đái tháo đường. Hình 2.5 mô tả nghẽn mạch phổi gây ra bởi huyết khối đi vào trong mạch phổi.
Điều trị: Mục đích của việc điều trị NMP là thông nghẽn và phòng ngừa tái phát:
- Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch liên tục herafin ít nhất trong 5 ngày để ngăn
chặn ngưng tụ tiểu cầu, hạn chế các chất co mạch.
- Sử dụng thuốc làm tan huyết khối để làm tan nhanh các cục đông, hay
dùng cho những bệnh nhân bị nghẽn động mạch phổi nặng.
- Nhiều trường hợp sẽ phải đặt xuyên qua tĩnh mạch một cái lọc tĩnh mạch
Greenfield khi không có chỉ định dùng thuốc tan huyết khối hoặc thuốc chống đông.
- Với bệnh nhân bị NMP nặng và hạ huyết áp khó chữa thì làm phẫu thuật
cắt bỏ cục nghẽn mạch.