Tràn khí màng phổi là hiện tượng khí lọt vào trong khoang màng phổi như được mô tả ở hình 2.8. Đây là một trường hợp cấp cứu nội khoa cần được theo dõi chặt chẽ để đề phòng biến chứng có thể xảy ra.
Hình 2.8. Tràn khí màng phổi
Có ba loại tràn khí màng phổi:
- Tràn khí kín: xuất hiện lỗ rò giữa phổi với màng phổi và có thể tự hàn kín
lại sau khi thủng.
- Tràn khí hở: thông thương giữa phổi và khoang màng phổi vì lỗ rò không
được hàn kín lại sau khi thủng.
- Tràn khí có su-páp: có thông thương giữa phổi và khoang màng phổi
nhưng
chỉ khi nào người bệnh hít vào làm cho lượng khí ở khoang màng phổi ngày càng tăng, ép phổi rất mạnh thì mới gây ngạt thở.
Chẩn đoán lâm sàng:
- Bệnh khởi phát đột ngột bằng một điểm đau ngực dữ dội kèm theo khó
thở, tái tím khi gắng sức.
- Khi khám phổi, gõ một bên ngực thấy vang, khi sờ thấy mất rung thanh,
khi nghe thấy mất rì rào phế nang.
Chẩn đoán cận lâm sàng: Chụp X quang phổi sẽ thấy hiện tượng nửa ngực tăng sáng, phổi bị ép về phía rốn phổi. Nếu tràn khí màng phổi rộng, trung thất bị đẩy về bên đối diện với tổn thương. Nếu nhẹ, thì phải chụp phổi lúc bệnh nhân
thở ra mới phát hiện được. Đo khí trong máu thấy giảm oxy máu và tăng CO2
máu. Có thể sử dụng phương pháp đo áp lực màng phổi bằng máy hoặc bằng nghiệm pháp bơm tiêm nếu tại cơ sở y tế tuyến dưới có trang bị.
- Đối với máy hút: tràn khí kín khi áp lực âm tính; tràn khí hở khi áp lực
bằng
không; tràn khí có su-páp khi áp lực dương tính.
- Đối với nghiệm pháp bơm tiêm: tràn khí kín khi pít-tông bơm tiêm bị hút
vào; tràn khí hở khi pít-tông bơm tiêm đứng im; tràn khí có su-páp khi pít-tông bơm tiêm bị đẩy ra.
Nguyên nhân: Do nghẽn mạch phổi, lao phổi; do dùng thuốc; do chấn thương thứ phát sau gãy xương sườn; do khi đang làm thông khí nhân tạo với áp lực dương.
Điều trị: Điều trị triệu chứng bằng cách cho bệnh nhân nằm bất động, tư thế Fowler; thở oxy; dùng thuốc giảm đau, giảm ho; trợ tim và chống trụy tim (nếu có). Hút khí. Mở lồng ngực, khâu kín lỗ rò phổi nếu cần thiết.