Tri thức của Hệ chuyên gia y tế chẩn đoán ban đầu một số bệnh về phổi được biểu diễn bằng các luật sản xuất có dạng:
IF a THEN b
với a là điều kiện còn b là hành động. Các hệ thống dựa trên luật đơn giản, dễ hiểu và gẫn gũi với tư duy con người để biểu diễn tri thức. Kích thước của hệ thống dựa trên luật phụ thuộc vào số luật mà nó sử dụng. Với việc tách biệt hai phần “điều kiện” và “hành động”, kỹ sư tri thức có thể tạo ra vô số luật khác nhau. Trong phạm vi của Hệ chuyên gia y tế chẩn đoán ban đầu một số bệnh về phổi, cấu trúc lệnh IF-THEN có sử dụng các biến thể trong phần điều kiện:
- Cấu trúc AND trong điều kiện: khi bắt buộc tồn tại nhiều điều kiện đồng thời để có thể đưa ra một hành động thì cấu trúc lệnh IF-THEN có dạng:
IF (điều kiện 1) AND (điều kiện 2) THEN (hành động).
Ví dụ trong chẩn đoán nguy cơ mắc phổi kẽ lan tỏa: IF (khó thở tăng dần) AND (ho khan) THEN nguy cơ mắc bệnh là cao.
- Cấu trúc OR trong điều kiện: khi chỉ cần một trong số các điều kiện có vai trò tương đương nhau để đưa ra một hành động thì cấu trúc lệnh IF-THEN có thể sử dụng dạng:
IF (điều kiện 1) OR (điều kiện 2) THEN (hành động).
Ví dụ trong chẩn đoán nguy cơ mắc phổi kẽ lan tỏa: IF tím tái mặt mày OR ngón tay dùi trống OR suy tim phải THEN nguy cơ mắc bệnh là cao.
- Cấu trúc AND-in-OR-out trong điều kiện: khi chỉ cần một trong số các tổ hợp điều kiện tương đương nhau để đưa ra cùng một hành động, cấu trúc lệnh IF-THEN như sau:
IF [(điều kiện 1) AND (điều kiện 2)] OR (điều kiện 3) THEN (hành động). Trong cấu trúc này, “điều kiện 3” có vai trò đưa ra hành động tương đương với tổ hợp gồm hai điều kiện là “điều kiện 1” và “điều kiện 2”. Ví dụ trong chẩn đoán lao phổi: IF [sút cân AND ra mồi hôi đêm] OR sốt THEN nguy cơ mắc bệnh là thấp. Trong ví dụ này, triệu chứng “sốt” có vai trò đưa ra cùng một hành động là “nguy cơ mắc bệnh là thấp” với tổ hợp cả hai triệu chứng “sút cân” và “ra mồ hôi đêm”.