4.3.1. Kết quả trong mổ
Trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, sự phát triển không ngừng của kỹ thuật mổ nội soi để phẫu thuật cho các bệnh nhân bị ung thư dạ dày với số lượng ngày càng nhiều và những ưu điểm không thể phủ nhận của phương thức phẫu thuật này [103]. Ở Việt Nam, đến năm 2004 phẫu thuật nội soi mới được áp dụng để điều trị cho những bệnh nhân UTDD. Tuy nhiên, lúc mới triển khai áp dụng PTNS trong ung thư dạ dày, các tác giả vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại là loại hình phẫu thuật này khó đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của một phẫu thuật ung thư dạ dày, đặc biệt là khả năng nạo vét hạch rộng rãi và cắt bỏ khối u nguyên vẹn. Bên cạnh đó, thời gian mổ bằng nội soi thường kéo dài hơn so với mổ mở; và đòi hỏi phải có những thiết bị chuyên dụng; người phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm mổ nội soi mới có thể thực hiện tốt phương thức phẫu thuật này [17],[28],[118]. Trong những năm gần đây, PTNS điều trị ung thư dạ dày đã được khẳng định về tính an toàn, khả thi về mặt ung thư học nên ngày càng được ứng dụng rộng rãi, mở rộng chỉ định cho cả ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển tại chỗ. Tại bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật cắt dạ dày nội soi điều trị UTDD được triển khai từ những năm 2007 cho đến nay ngày càng ứng dụng rộng rãi và thường qui nhờ vào đội ngũ phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật ung thư dạ dày, đặc biệt là việc được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng [17],[28],[118].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 32 bệnh nhân mổ mở (59,3%) và 22 bệnh nhân mổ nội soi (40,7%). Thời gian mổ mở trung bình là 165,3 ± 47,0 phút, thời gian mổ mở ngắn nhất: 60 phút, dài nhất: 240 phút. Thời gian mổ nội soi trung bình là 153,6 ± 38,5 phút, thời gian mổ nội soi ngắn nhất: 90 phút, dài nhất: 210 phút. Sự khác biệt về thời gian mổ giữa mổ mở và mổ nội soi không có ý nghĩa thống kê (p = 0,29 > 0,05).
Kết quả ghi nhận qua quan sát của phẫu thuật viên cho thấy phần lớn (90,7%) u chưa xâm lấn ra thanh mạc, chỉ có 4 trường hợp xâm lấn thanh mạc (7,4%) và 1 trường hợp dính vào tụy. Trường hợp này khi phẫu thuật viên thám sát qua nội soi thấy u dính đầu tụy, gỡ dính khó khăn nên quyết định mổ mở để gỡ dính. Kết quả phẫu thuật tốt, giải phẫu bệnh sau mổ u chưa xâm lấn tụy, chỉ phá vỡ lớp thanh mạc. Tỷ lệ chuyển mổ nội soi sang mổ mở: 1/22 = 4,5%.
Tỷ lệ vét hạch D1 là 29,6% và vét hạch D2 là 70,4%. Tỷ lệ vét hạch D2 cao hơn vét hạch D1 ở cả 2 phương pháp phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi (p = 0,006).
Có 46 bệnh nhân (85,2%) được mổ tái lập lưu thông tiêu hóa theo kiểu Polya và 8 bệnh nhân (14,8%) theo kiểu Roux - en -Y.
Tất cả 54 bệnh nhân trong nghiên cứu này đều được ghi nhận không có tai biến trong mổ.
4.3.2. Kết quả sau phẫu thuật
4.3.2.1. Biến chứng sau phẫu thuật
Trong nghiên cứu này không có bệnh nhân nào có biến chứng sau phẫu thuật. Kết quả này có thể giải thích được vì những bệnh nhân có biến chứng sau phẫu thuật thường là nặng, thời gian nằm viện dài, bệnh nhân suy giảm sức khỏe nhiều sau mổ nên thường từ chối điều trị xạ - hóa bổ trợ sau phẫu thuật.
4.3.2.2. Thời gian có trung tiện
Thời gian phục hồi lưu thông ruột đánh giá chức năng hồi phục nhu động ruột và được tính từ lúc mổ đến lúc bệnh nhân bắt đầu trung tiện được. Đây là
yếu tố đánh giá hiệu quả của phẫu thuật. Thời gian này càng ngắn thì bệnh nhân sau mổ hồi phục càng nhanh và giảm biến chứng cũng như thời gian nằm viện.
Nhiều nghiên cứu so sánh cho thấy thời gian trung tiện sau mổ ở nhóm PTNS ngắn hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm mổ mở. Lý do là trong PTNS chúng ta ít tiếp xúc trực tiếp với ruột, diện tiếp xúc bằng dụng cụ ít hơn so với mổ mở, đó cũng là lý do thời gian hồi phục chức năng ruột sớm hơn. Trái lại, một số tác giả cho thấy thời gian trung tiện sau mổ không khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm [13],[17],[27],[28],[118].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian bệnh nhân có trung tiện sau mổ trung bình là 3,8 ± 1,7 ngày, sớm nhất 1 ngày, muộn nhất 7 ngày. Khi so sánh thời gian có trung tiện giữa 2 phương pháp mổ, kết quả nghiên cứu này cho thấy sự khác biệt về thời gian có trung tiện giữa 2 phương pháp mổ mở và mổ nội soi không có ý nghĩa thống kê (p = 0,411).
4.3.2.3. Thời gian nằm viện
Thời gian nằm viện đánh giá hiệu quả của phương pháp phẫu thuật. Tùy thuộc toàn trạng bệnh nhân, giai đoạn bệnh, kỹ thuật mổ, trình độ và kinh nghiệm của phẫu thuật viên, trang thiết bị dụng cụ của cơ sở y tế, hệ thống hồi sức sau mổ cũng như công tác chăm sóc sau mổ sẽ ảnh hưởng đến thời gian nằm viện sau mổ.
Đối với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển tại chỗ, phẫu thuật mở cắt dạ dày rộng rãi kèm vét hạch triệt căn là phẫu thuật kinh điển đã được các tác giả đồng thuận trên thế giới. Với sự tiến bộ vượt bậc trong phẫu thuật, nhất là trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, ngày nay PTNS trong ung thư dạ dày ngày càng được mở rộng chỉ định, áp dụng thường qui cho cả giai đoạn tiến triển tại chỗ mà vẫn đảm bảo kết quả về mặt ung thư học [13],[17],[18]. Với đặc điểm là phẫu thuật ít xâm lấn, phục hồi lưu thông ruột sớm, PTNS cắt dạ dày hy vọng giúp giảm thời gian nằm viện [27].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận thời gian nằm viện sau mổ trung bình ở nhóm bệnh nhân được mổ mở (10,9 ± 2,5 ngày) dài hơn ở nhóm bệnh nhân mổ nội soi (9,7 ± 2,1 ngày), tuy nhiên sự khác biệt này rất nhỏ và không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Trong các nghiên cứu so sánh khác, kết quả cho thấy thời gian nằm viện của nhóm PTNS ngắn hơn so với nhóm mổ mở [17],[27].
Thời gian nằm viện sau mổ trung bình: 10,4 ± 2,4 ngày, nhanh nhất 5 ngày, chậm nhất 16 ngày. So sánh thời gian nằm viện của chúng tôi với các tác giả khác như bảng 4.1 dưới đây.
Bảng 4.1: So sánh thời gian nằm viện
Như vậy, thời gian nằm viện có khác nhau giữa các tác giả trên thế giới. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa, tập quán của mỗi quốc gia, chế độ chăm sóc sau mổ, loại phẫu thuật, thể trạng chung của bệnh nhân cũng như giai đoạn bệnh và các bệnh lý kèm theo.