Quản lý tốt chính sách giá

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu đến nền kinh tế việt nam (Trang 45 - 47)

Nền kinh tế giá ổn định và có xu hướng thấp là nền kinh tế lành mạnh trong kinh doanh, doanh nghiệp thông qua giá cả thực hiện mục tiêu lợi nhuận. Giá hợp lý là thước đo đánh giá khách quan để đánh giá hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường.

Tháng 5/2007, Nhà nước ban hành quy chế mới về kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 187 nhằm thực hiện giá bán xăng theo cơ chế thị trường trong khi đó, Nhà nước vẫn kiểm soát bằng những biện pháp thích hợp nhằm ổn định giá cả trong nước. Theo nghị định mới, Nhà nước rời bỏ quyền

định giá, chuyển giao quyền này cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Giá xăng dầu theo đó sẽ vận hành theo quy luật cung - cầu và trực tiếp chịu ảnh hưởng của giá thế giới. Do giá điều chỉnh theo tín hiệu thị trường nên sẽ linh hoạt hơn giá định hướng (thực tế là giá bán lẻ cứng). Trong khi đó, doanh nghiệp được quyền căn cứ vào giá nhập khẩu trên thị trường thế giới, tính đủ giá vốn nhập khẩu, các loại thuế, phí theo luật định, chi phí kinh doanh và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư phát triển mà quy định mức giá bán. Hơn nữa, doanh nghiệp được quyền chủ động trong kinh doanh như: tự lựa chọn bạn hàng, thời điểm nhập khẩu, thị trường có lợi nhất, chủ động lựa chọn áp dụng các phương thức kinh doanh hiện đại, phòng chống rủi ro; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh làm đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo luật định. Sau đó, Nhà nước ban hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2009 thay cho Nghị định số 55/2007/NĐ-CP. So với Nghị định 55 CP và những văn bản pháp quy đã được ban hành trước đây về hoạt động kinh doanh xăng dầu, Nghị định 84/2009/NĐ-CP có một bước chuyển biến rất tích cực trong việc cụ thể hóa quan điểm điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép công bố giá dựa trên cơ sở giá theo quy định. Tuy nhiên, trong nghị định này cũng còn có một số nội dung quy định chưa phù hợp với thực tiễn đó là: quy định cho tất cả các đầu mối chi phí kinh doanh định mức tối đa 600đ/lít là không hợp lý, nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ Bình ổn giá; không thực hiện thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp; không ổn định thuế suất thuế nhập khẩu với từng chủng loại xăng dầu; việc tính giá cơ sở bình quân 30 ngày tạo ra độ trễ khá lớn so với biến động của giá Thế giới. Từ những bất cập trên, sau nhiều lần xin ý kiến của các cấp, các ngành, ngày 03/09/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP và có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2014. Như vậy, thị trường xăng dầu chuyển sang một giai đoạn mới, phù hợp với cơ chế thị trường mở cửa hiện nay.

Sau khi Nghị định mới được ban hành, có nhiều lo ngại rằng các doanh nghiệp có khả năng sẽ tăng giá tùy ý trong khi người tiêu dùng không nắm được giá trên thị trường thế giới. Trên thực tế, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu xăng chủ yếu từ một số nguồn cung cấp chính như từ Singapore, Trung Quốc, Đài Loan…nên Nhà nước sẽ dễ dàng trong việc xác định giá gốc.

Ngoài ra, Bộ tài chính cũng đã và đang hoàn chỉnh công thức tính giá xăng để người dân tiện theo dõi những biến động trên thị trường để xem giá mình mua có hợp lý không. Những thông số cơ bản để tính giá bán lẻ cho người tiêu dùng gồm giá nhập khẩu cộng thêm các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, tỷ giá USD/VND, lệ phí giao thông, chi phí quản lý, bán hàng, khấu hao.

Đi liền với chính sách giá như trên, cần phải tổ chức thiết kế và thực thi có hiệu quả ngay các biện pháp để hạn chế những tác động bất lợi khi giá xăng dầu tăng đột biến đối với nền kinh tế trong nước như: phải dự đoán, dự báo sự vận động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới một cách thường xuyên và sát thực; trên cơ sở đó để có phản ứng chính sách thích hợp, để điều hành việc nhập khẩu vào thời gian có lợi nhất cả về số lượng và giá cả, không được để xảy ra đứt đoạn nguồn cung. Việc xây dựng được chính sách quản lý giá hợp lý, phù hợp là điều cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu đến nền kinh tế việt nam (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)