Theo biểu đồ 2.8 ta thấy, tổng thu ngân sách Việt Nam giai đoạn 2012-2014 có xu hướng tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2012, tổng thu ngân sách đạt 765.590 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2011, bằng 88,9% dự toán năm. Trong đó, thu từ dầu thô 113 nghìn tỷ đồng, bằng 129,9% dự toán năm. Năm 2013, tổng thu ngân sách tăng 3,29% so với năm 2012, đạt mức 790.800 tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm, trong đó thu từ dầu thô 115 nghìn tỷ đồng, bằng 116,2%. Đến năm 2014, tổng thu ngân sách tăng nhẹ so với năm trước đó, chỉ đạt 814.100 tỷ đồng, , bằng 104% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, bằng 115,2%.
Biểu đồ 2.9. Tình hình tổng thu ngân sách Việt Nam giai đoạn 2012-2014
(Nguồn: Bộ Tài chính)
Biểu đồ 2.10. Cơ cấu nguồn thu ngân sách Việt Nam giai đoạn 2012-2014
(Nguồn: Bộ Tài chính)
Nguồn thu ngân sách nhà nước phân theo lĩnh vực gồm có thu nội địa, thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu viện trợ không hoàn lại. Trong đó, thu nội địa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn thu và có xu hướng tăng đều qua các năm, từ 61,05% trong năm 2012 tăng lên 67,02% trong năm 2013, năm
2014 chiếm 67,73%. Ngược lại, thu từ viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nguồn thu ngân sách, lần lượt cho các năm 2012, 2013, 2014 là 3,95%, 0,63%, 0,53%. Nếu như tỷ trọng thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu có xu hướng tăng qua các năm thì tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách Việt Nam lại có xu hướng giảm dần. Thu từ dầu thô trong năm 2012 chiếm tới 18,3% thì năm 2013 giảm xuống chỉ còn chiếm 14,54%. Năm 2014 tiếp tục giảm còn 12,05% tổng thu ngân sách (biểu đồ 2.10).
Có thể thấy, vai trò của khai thác và xuất khẩu dầu thô đối với nền kinh tế giảm xuống, kéo theo tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô cũng có xu hướng giảm rõ rệt với tốc độ giảm có chậm hơn, song khai thác và xuất khẩu dầu thô nói chung, thu NSNN từ dầu thô nói riêng, vẫn đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là cứu cánh trong một số giai đoạn phát triển của đất nước. Chính vì vậy, khi giá dầu thô biến động sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách nhà nước.
Nhìn vào biểu đồ 2.11 ta thấy tỷ trọng đóng góp nguồn thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách của Việt Nam có xu hướng giảm trong giai đoạn 2012-2014. Cụ thể, trong năm 2012, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 765.590 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2011. Trong đó thu từ dầu thô đạt 140.107 tỷ đồng, chiếm 18,3% tổng thu ngân sách Việt Nam, tăng 2,17% so với năm 2011. Trong năm 2012, giá dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng không nhiều, giá dầu tăng trong những tháng đầu năm, giảm trong khoảng giữa năm và có dấu hiệu phục hồi vào cuối năm. Vì vậy, mặc dù tổng thu ngân sách chỉ đạt 89,9% dự toán năm, nhưng nguồn thu từ dầu thô lại vượt dự toán, bằng 129,9%. Sang năm 2013, thu từ dầu thô giảm 17,92% so với năm 2012, chỉ đạt 115.000 tỷ đồng. Mức thu từ dầu thô này chỉ đóng góp 14,54% vào tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2013. Thu từ dầu thô giảm trong năm 2013 ảnh hưởng đến tốc độ tăng tổng thu ngân sách nhà nước, do đó tổng thu ngân sách trong năm chỉ tăng 3,29%, đạt mức 790.800 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong năm 2013, nền kinh tế thế giới vẫn còn trong tình trạng suy thoái khiến, đồng thời nguồn cung dầu tăng, đặc biệt dầu đá phiến của Mỹ đã làm giá dầu thế giới giảm, từ đó ảnh hưởng đến thu ngân sách Việt Nam.
Đến năm 2014, mức thu từ dầu thô tiếp tục giảm còn 98.100 tỷ đồng, giảm 14,7% so với năm trước. Điểm nổi bật trong những tháng cuối năm là giá dầu mỏ trên thị trường thế giới giảm sâu và vẫn đang tiếp tục giảm. Đối với các quốc gia nhập khẩu dầu, giá dầu giảm giúp thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tư nhân cũng như cải thiện cán cân thanh toán. Tuy nhiên, đối với các nước sản xuất dầu, thực trạng thị trường giá dầu mỏ giảm sẽ tác động mạnh đến kinh tế theo chiều hướng thuận lợi và khó khăn đan xen. Tổng thu ngân sách trong năm này có xu hướng tăng nhẹ, đạt mức 814.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu từ dầu thô giảm làm tỷ trọng đóng góp nguồn thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2014 giảm còn 12,05%.
Biểu đồ 2.11. Tỷ trọng nguồn thu từ dầu thô trong tổng thu NSNN giai đoạn 2012-2014
(Nguồn: Bộ Tài chính)
Nhìn chung, thu từ dầu thô giảm đã tác động làm tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2012-2014 không tăng nhiều so với những năm trước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giá dầu thế giới giảm. Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nên khi giá dầu giảm làm giảm lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam, từ đó thu nhập từ xuất khẩu dầu thô cũng giảm. Vấn đề dầu thô giảm liên tục là hệ quả của cuộc chiến giữa Mỹ và OPEC, nhưng thực ra đây là “cuộc chiến không
tiếng súng” giữa dầu thô khai thác truyền thống với dầu khí đá phiến. Câu chuyện tưởng ở tận bên kia bán cầu, nhưng nó lại đang tác động trực tiếp tới Việt Nam. Sở dĩ Việt Nam bị ảnh hưởng, do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nên khi giá dầu giảm làm giảm lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam, từ đó thu nhập từ xuất khẩu dầu thô cũng giảm nên rủi ro về giảm giá dầu tác động đến giảm thu ngân sách khá lớn.
Biểu đồ 2.12. Tình hình xuất khẩu dầu thô Việt Nam giai đoạn 2012-2014
(Nguồn: Tổng Cục Hải quan)
Việt Nam có nguồn dầu mỏ với trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ trên thế giới và là nước đứng thứ nhì ở khu vực Đông Á về trữ lượng dầu, chỉ sau Trung Quốc. Dầu Việt Nam là loại dầu ngọt, nhẹ, nhiều paraphin, là loại dầu có giá cao nhất trong khu vực. Các mỏ dầu có sản lượng cung cấp lớn tại Việt Nam có thể kể tới là mỏ Bạch Hổ (trên 100.000 thùng/ngày); mỏ Sư Tử Đen (70.000 thùng/ngày); mỏ Tê Giác Trắng (45.000 thùng/ngày)... Từ năm 1986, dòng dầu thô đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ. Đến tháng 4 năm 1987, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu dầu thô. Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 4 trong khối Đông Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ. Việt Nam có thể sẽ duy trì sản lượng khai thác ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày trong một vài năm tới.
Sản lượng xuất khẩu dầu thô hàng năm của Việt Nam phụ thuộc vào sản lượng khai thác. Biểu đồ 2.12 cho thấy cả sản lượng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu và giá bình quân dầu thô giai đoạn 2012-2014 đều có xu hướng giảm. Trong năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 9.251 nghìn tấn dầu thô, thu về 8.212 triệu USD, tăng 12,27% về sản lượng xuất khẩu và tăng 13,4% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Đơn giá bình quân trong năm đạt 126,81 USD/thùng. Sang đến năm 2013, sản lượng xuất khẩu dầu thô giảm 9,14% so với năm 2013, chỉ đạt 8.406 nghìn tấn. Cùng với đó là giá trị xuất khẩu giảm 11,88%, chỉ đạt 7.236 triệu USD và giá bình quân trong năm giảm còn 122,98 USD/thùng. Năm 2014, sản lượng xuất khẩu dầu thô tăng mạnh, đạt mức 9.306 nghìn tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu dầu thô lại không tăng mà có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đạt 7.224 triệu USD. Đồng thời, giá dầu bình quân trong năm cũng giảm còn 110,9 USD/thùng. Xu hướng giá dầu thô xuất khẩu bình quân giảm trong giai đoạn 2012-2014 cũng cùng xu hướng giảm của giá dầu thế giới.
Giá dầu giảm tác động trực tiếp làm giảm thu NSNN từ xuất khẩu dầu thô. Thu từ dầu khí chiếm 12% ngân sách, dự tính sẽ giảm đáng kể từ nguồn thu này vào năm 2015. Bộ Tài Chính cho rằng, giá dầu giảm 20% thì ngân sách thất thu khoảng 4% và với giá dầu giảm 1 USD/thùng thì ngân sách nhà nước (NSNN) hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, hàng năm chúng ta cũng phải nhập về một lượng không nhỏ xăng dầu thành phẩm và chỉ riêng mặt hàng xăng hiện chịu thuế suất nhập khẩu 20% thì số thuế thu được cũng là không nhỏ. Vì vậy, việc giảm giá xăng dầu một lần nữa lại làm giảm thu cho ngân sách ở khâu nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm, lợi nhuận của hoạt động khai thác, chế biến dầu khí bị giảm cũng sẽ khiến ngân sách bị giảm thu đáng kể. Điều này có tác động đáng kể tới kế hoạch chi ngân sách, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi hỗ trợ cho những đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, khi giá dầu giảm, chúng ta cũng được lợi khi nhập khẩu dầu thô về giá rẻ. Giá dầu tăng giảm xưa nay ảnh hưởng rất lớn đến giá của các mặt hàng khác. Ngoài lĩnh vực vận tải được hưởng lợi rõ nhất từ việc giảm giá xăng dầu thì hàng loạt những lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, luyện kim,
đánh bắt thủy sản… cũng được lợi khi xăng dầu hiện chiếm từ 20% đến 30% chi phí đầu vào. Ngoài ra, giá xăng dầu giảm cũng sẽ giúp các hộ gia đình bớt được một khoản chi tiêu không nhỏ cho việc đi lại hàng ngày, qua đó sẽ kích thích tiêu dùng nhờ có khoản tiền dôi ra tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn, người dân và DN được hưởng lợi. Từ đó, tiêu dùng và kinh doanh cải thiện sẽ gia tăng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, theo đó số thu từ thuế thu nhập cũng tăng lên và đầu vào của nền kinh tế giảm, lợi nhuận tăng kéo tăng được số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên khoản tăng thu này có bù đắp nổi khoản hụt thu do xăng dầu giảm hay không, bởi hoạt động xuất khẩu dầu thô chiếm tới hơn 12,5% tổng số thu ngân sách nhà nước.
Do đó, có thể thấy giá dầu giảm hiện nay cũng chưa hẳn là làm thất thu ngân sách của Nhà nước. Cần phải tính toán cụ thể xem những tác động gián tiếp của việc giảm giá dầu mang lại cho ngân sách nguồn thu là bao nhiêu, mới xác định được việc giảm giá dầu thô tác động làm tăng hay giảm thu ngân sách của nước ta.