2.2.5.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam các nhà khoa học đã nghiên cứu tổng kết về bệnh sinh sản trên đàn lợn nái và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng của lợn nái trong quá trình mang thai. Bệnh sinh sản trên lợn nái có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sinh sản, không chỉ khiến lợn nái giảm khả năng sinh sản mà có thể làm mất khả năng sinh sản, chậm làm giảm khả năng sống sót của lợn con.
Theo Nguyễn Xuân Bình (2000) [1]: khi lợn nái có triệu chứng sảy thai tiêm Progestero l50mg trong một ngày, tiêm bắp liên tục 3 - 5 ngày, thuốc ở dạng ống Lutogyl 1cc có chứa 25mg.
Vương Nam Trung và cs (2017) [9]: điều chỉnh khẩu phần ăn cho lợn nái mang thai dựa vào độ dày mỡ lưng đã giúp cải thiện đáng kể năng suất sinh sản của lợn nái thuần Đan Mạch, làm tăng 3,6% số con đẻ ra/ổ; 1,6% số con sống/ổ và 2,5% số con cai sữa/ổ, giúp rút ngắn thời gian động dục trở lại sau cai sữa 1 ngày.
Theo Phạm Sỹ Lăng và cs (2011) [6] cho biết: dụng cụ thụ tinh nhân tạo quá cứng sẽ gây xây sát và tạo ra các ổ viêm trong âm đạo, tử cung. Tinh dịch bị nhiễm khuẩn, lợn đực giống bị viêm niệu quản và dương vật nên khi nhảy trực tiếp hoặc khai thác tinh nhân tạo sẽ truyền lây mầm bệnh cho lợn nái. Rối loạn sinh sản do nhiều nguyên nhân gây ra.
Nguyễn Đức Lưu và Nguyễn Hữu Vũ (2004) [7] cho biết: do trong quá trình mang thai lợn ăn nhiều chất dinh dưỡng, ít vận động, hoặc bị một số bệnh truyền nhiễm như: sảy thai truyền nhiễm (Brucellosis), xoắn khuẩn (Leptospirosis) và một số bệnh truyền nhiễm khác làm cho cơ thể lợn nái yếu dẫn đến việc sảy thai, đẻ non, thai chết lưu từ đó dẫn đến viêm tử cung.
Theo Phạm Hữu Doanh và Lưu Kỷ (2003) [2] cho rằng: không nên cho phối giống ở lần động dục đầu tiên vì lợn nái động dục lần đầu cơ thể chưa phát triển chưa đầy đủ, chưa tích tụ chất dinh dưỡng nuôi thai, trứng chưa chín một cách hoàn chỉnh. Để đạt được hiệu quả sinh sản tốt và duy trì con cái lâu bền
cần bỏ qua 1 - 2 chu kỳ rồi mới cho phối giống. Thường cho động dục thứ 2 - 3 trở đi.
Theo Bùi Kim Dung và Bùi Huy Như Phúc (2008) [3]: Việc bổ sung các nguyên liệu giàu xơ cám lúa mỳ, vỏ đậu nành và lá khoai mì vào khẩu phần lợn nái mang thai không ảnh hưởng xấu đến năng suất sinh sản của lợn nái, đặc biệt nó có thể làm giảm tỉ lệ lợn nái mắc bệnh viêm tử cung từ 44,4% xuống còn 11,1%; làm tăng sức sống của lợn con sơ sinh, tăng tỉ lệ lợn con nuôi đến rẽ bầy và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lô đối chứng.
Theo Lã Như Kính và cs (2019) [5]: khi tăng tỷ lệ xơ trong khẩu phần lợn nái mang thai từ 8% lên 10 - 12% đã giúp tăng khối lượng lợn nái lúc mang thai lên 24 - 35%, tăng khả năng ăn vào của lợn nái nuôi con từ 12 - 17%, tăng khối lượng lợn con sơ sinh/ổ từ 2 - 8% và tăng khối lượng lợn con cai sữa/ổ từ 6 - 10%. Tỷ lệ xơ trong khẩu phần lợn nái mang thai tối ưu là 10 - 12%. Không nên phối hợp khẩu phần có tỷ lệ xơ trong khẩu phần vượt quá 12%.
2.2.5.2. Tình hình nghiên cứu nước ngoài
Ngành chăn nuôi trên thế giới đang rất phát triển đặc biệt là chăn nuôi lợn. Các quốc gia không ngừng đầu tư cải tạo chất lượng đàn giống và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn với mục đích nâng cao năng suất chăn nuôi. Tuy nhiên vấn đề hạn chế các bệnh trong quá trình sinh trưởng của đàn lợn nhất là đối với đàn lợn nái sinh sản vẫn là vấn đề tất yếu cần phải giải quyết để đưa ra kết luận giúp người chăn nuôi hạn chế được bệnh tật trên đàn lợn nái sinh sản, đem lại chất lượng chăn nuôi tốt nhất.
Bệnh viêm tử cung thường sảy ra trong lúc sinh do vi khuẩn E.coli gây dung huyết và do các vi khuẩn nhóm gram dương. Vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung có nguồn gốc từ nước tiểu của lợn nái sinh sản, các tác giả đã phân lập vi khuẩn từ mẫu nước tiểu cuả lợn nái sắp sinh thường có chứa vi khuẩn E.coli,
Staphylococcus aureus, Streptococcus spp. Tuy nhiên các nghiên cứu của các
tác giả khác lại cho rằng các vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung là các vi khuẩn cơ hội thuộc nhóm vi khuẩn hiếu khí có mặt ở nền chuồng, lúc lợn nái sinh cổ
tử cung mở vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Việc tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh cơ thể lợn nái là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa nhiễm trùng sau sinh. Winson khi mổ khám lợn nái bị vô sinh đã xác định rằng nguyên nhân do cơ quan sinh sản là 52,5%, lợn nái đẻ lứa đầu là 32,1%, lợn nái cơ bản có những biến đổi bệnh lý: viêm vòi tử cung có mủ.
Khi lợn bị viêm âm đạo, âm hộ, N.Mikhailov đã dùng rửa không sâu (qua ống thông) trong âm đạo bằng dung dịch nước etacridin 1/1.000 và 1/5.000, furazolidon 1/1.000.
Theo Smith và cs (1995) [11], chữa bệnh viêm tử cung bằng cách: sử dụng phương pháp tiêm kháng sinh vào màng treo cổ tử cung của lợn nái, điều trị viêm tử cung đạt hiệu quả cao. Streptomycin 0,25g, penicillin 500.000 UI, dung dịch KMnO4 1% 40 ml + vitamin C.
Theo Urban và cs (2011) [12] môi trường là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến các thông số sản xuất của lợn. Chúng tôi nhận thấy rằng tùy thuộc vào mùa, lợn nái và lợn nái có thể có sự khác biệt về số lượng lợn được sinh ra và chết non. Lợn nái đầu tiên đẻ một số lượng lợn rất nhỏ trong mùa thu so với lợn nái lứa đẻ khác (0,26 con lợn nhỏ hơn lợn nái thứ hai). Sự sinh sôi nảy nở tương tự trong mùa xuân và mùa thu (11,24 ± 0,74 con lợn/nái). Mùa mà sự sinh sôi nảy nở có giá trị thấp nhất là mùa đông (11,14 ± 1,85 lợn/lợn nái). Có một mối tương quan tích cực giữa sự sinh sôi nảy nở và số lượng lợn chết; vào mùa đông, cả sự tăng trưởng và sự chết non đều giảm - có cùng một đường xu hướng là sự sinh sôi nảy nở.
Theo Shrestha (2012) [15] hội chứng MMA gây chết khoảng 2% lợn nái nhưng tỷ lệ chết ở lợn con lên tới 80% do đói, ỉa chảy... Nguyên nhân: (a) do dinh dưỡng: cho nái ăn quá nhiều trong thời gian mang thai, nái quá béo; thay đổi thức ăn đột ngột, hàm lượng vitamin E và Ca trong khẩu phần ăn thấp, thiếu xơ và nước uống; (b) do quản lý chăm sóc: nái ít được vận động, lợn nái không được vệ sinh, vô trùng trước khi đẻ, không được quan tâm khi đẻ, thời gian đẻ kéo dài; (c) do chuồng trại: chật chội, nền chuồng không bằng phẳng, nhiệt độ
môi trường cao, bầu vú lợn quá nóng do đặt đèn sưởi không thích hợp; (d) do bản thân lợn nái: đẻ nhiều con, dạ con lớn và nhão. Chẩn đoán lâm sàng: lợn sốt (40 - 410C), bỏ ăn, táo bón, bầu vú sưng cục bộ, nóng, đau.
Theo Martineau (2011) [16] có nhiều bệnh nguyên học và sinh lý bệnh có thể được đề cập trong hội chứng rối loạn tiết sữa và viêm vú ở lợn nái sau đẻ do dùng những tên khác nhau: phức hợp viêm vú - viêm tử cung - mất sữa (MMA), hội chứng mất sữa, hội chứng rối loạn tiết sữa, phù thũng vú, hội chứng giảm tiết sữa, ngộ độc máu mất sữa và viêm vú sau đẻ.
Theo Kemper và cs. (2013) [13] tại 6 đàn nái hạt nhân ở Đức (2008 - 2010), 99,1% các mẫu sữa phân lập được vi khuẩn chủ yếu thuộc họ Enterobacteriaceae,
Staphylococcaceae, Streptococcaceae và Enterococcaceae.
Trong đó, E. coli chiếm nhiều hơn cả và những loài này cũng được tìm thấy trong sữa lợn khỏe, còn Staphylococcus spp, Lactococcus lactis được tìm thấy trong sữa lợn mắc hội chứng MMA.
Theo Maes và cs. (2010) [14] thuật ngữ Metritis, Mastitis, Agalactia (MMA) được dùng rất thường xuyên trong các bài báo khoa học trước đây, ngày nay được xem như một loại PDS (hội chứng rối loạn tiết sữa sau đẻ lợn nái), MMA có tỷ lệ lưu hành 6,9% trong tổng số 16.450 lợn nái đẻ trong hơn 01 năm tại 31 đàn ở Illinois; trong 27.656 lợn nái đẻ của một nghiên cứu được tiến hành tại bang Missouri có tới 13% nái bị mắc hội chứng MMA; tỷ lệ mắc hội chứng MMA theo đàn ở Thụy Điển biến động từ 5,5% ở đàn quy mô nhỏ và tới 10,3% ở đàn quy mô lớn. Ông cũng cho biết, một nghiên cứu mới đây ở 110 đàn lợn tại Bỉ cho thấy 34% số đàn có liên quan đến hội chứng MMA.
Phần 3
ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH 3.1. Đối tượng và phạm vi tiến hành
- Đối tượng nghiên cứu: Đàn lợn nái sinh sản tại trang trại liên kết của công ty CP Dược Phẩm Thái Việt Pharma.
- Phạm vi nghiên cứu: Quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh.
3.2. Địa điểm và thời gian tiến hành
- Địa điểm nghiên cứu: Thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. - Thời gian nghiên cứu: 24/07/2020 đến 03/01/2021.
3.3. Nội dung tiến hành
- Khảo sát tình hình chăn nuôi tại trang trại liên kết của công ty CP Dược Phẩm Thái Việt Pharma.
- Thực hiện quy trình chăm sóc nuôi dưỡng cho đàn lợn tại trại. - Thực hiện quy trình phòng bệnh cho lợn của trại.
- Điều trị bệnh cho lợn nái sinh sản.
3.4. Các chỉ tiêu theo dõi và phương pháp tiến hành
3.4.1. Các chỉ tiêu theo dõi
-Tình hình chăn nuôi lợn nái tại trại. -Chăm sóc lợn nái của trại.
-Vệ sinh phòng bệnh cho lợn tại trại.
-Tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn nái hậu bị, lợn nái mang thai tại trại. -Tình hình mắc bệnh trên đàn lợn nái mang thai của trại và các phác đồ điều trị hiệu quả.
3.4.2. Phương pháp thực hiện
* Khảo sát tình hình chăn nuôi của trại thông qua sổ sách, báo cáo tổng kết hàng năm và trực tiếp kiểm đếm lợn trong thời gian thực tập.
* Nghiên cứu kỹ và thực hiện theo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái của trại.
* Nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng lịch vệ sinh và tiêm phòng của trại. * Quan sát lợn hàng ngày, phát hiện lợn ốm cùng các càn bộ kỹ thuật của trại chẩn đoán bệnh.
* Điều trị bệnh theo phác đồ của trại.
3.4.3. Phương pháp tính toán các chỉ tiêu
- Tỷ lệ mắc bệnh (%) = Σ Số nái mắc bệnh (con)
x 100 Σ Số nái theo dõi (con)
- Tỷ lệ mắc bệnh theo tháng (%) =
Số nái mắc bệnh theo từng tháng (con)
x 100 Σ Số nái theo dõi (con)
- Tỷ lệ khỏi (%) = Σ Số nái khỏi bệnh (con) x 100 Σ Số nái điều trị (con)
Phần 4
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 4.1. Tình hình chăn nuôi lợn của trại
Trang trại Tiếp Sen chuyên sản xuất lợn con. Hiện ở trại có 25 lợn đực giống, các lợn đực giống được đặt nuôi ở đầu chuồng gần giàn mát, nhằm mục đích tiện cho phối giống, kích thích động dục cho lợn nái và khai thác tinh để thụ tinh nhân tạo. Tinh lợn được khai thác đều có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Trại sản xuất lợn giống theo hình thức phối gom 5 tuần phối 1 lần và 4 tuần đẻ 1 lần. Mỗi nái được phối 2 - 3 liều tinh (nái hậu bị và nái kiểm định phối 3 liều tinh, nái cơ bản phối 2 liều tinh).
Trung bình, số con sơ sinh là 14,0 con/đàn, số con cai sữa là 12,0 con/đàn. Lợn con theo mẹ được nuôi 17 - 21 ngày tuổi, chậm nhất là 26 ngày thì tiến hành cai sữa và chuyển sang chuồng cai sữa. Lợn con nuôi trong chuồng cai sữa từ 07 - 15 ngày thì xuất bán.
Bảng 4.1. Cơ cấu đàn lợn nuôi tại trại trong 3 năm 2018 - 2020
STT Loại lợn Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020
1 Lợn đực giống 25 23 28
2 Lợn nái hậu bị 120 125 120
3 Lợn nái sinh sản 1080 1085 1090
Tổng đàn 1225 1233 1238
(Nguồn: Phòng kỹ thuật trại
Số liệu bảng cơ cấu trên cho thể thấy, số lượng nuôi các loại lợn có sự khác nhau và chênh lệch rõ rệt, tổng đàn trong 3 năm chênh lệch nhau cũng không đáng kể. Tổng đàn tăng lên vì do trại ngày càng đi vào hoạt động ổn định hơn, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng cũng như việc quản lý ngày một nâng cao. Cùng với đó là việc phòng và điều trị bệnh được công ty và trại thực hiện nghiêm túc đem lại hiệu quả cao.
Từng lợn nái được theo dõi tỉ mỉ, các số liệu liên quan của từng nái như số tai, ngày phối giống, ngày đẻ dự kiến,… được ghi trên thẻ gắn tại chuồng nuôi.
4.2. Kết quả thực hiện quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng tại cơ sở
Trải qua sáu tháng thực tập với sự hỗ trợ của thầy cô và công nhân viên tại trại lợn nái Tiếp Sen, em đã hoàn thành được mục tiêu đề ra và thu được những kiến thức quý báu giúp ích cho bản thân sau này như:
Nắm được quy trình chăn nuôi các loại lợn: lợn nái chửa, nái hậu bị, lợn đực.
Tham gia điều tra sổ sách của trại và sổ sách theo dõi từng cá thể, ghi chép và tiến hành ghép đôi giao phối phù hợp.
Trong thời gian thực tập em được chăm sóc trực tiếp đàn lợn nái mang thai theo đúng quy trình kỹ thuật của trại, đảm bảo các quy định trong chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh đầy đủ đối với lợn nái mang thai.
4.2.1. Công tác chăn nuôi
4.2.1.1. Công tác chọn giống
Chọn giống là một trong những khâu quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn
đến hiệu quả chăn nuôi. Vì vậy, em đã tiến hành tìm hiểu công tác chọn giống hiệu quả nhằm nâng cao tay nghề của chính bản thân mình.
Giống là yếu tố quyết định đến sức sản xuất của lợn nái, giống và đặc tính của nó gắn liền với năng suất sinh sản. Các giống lợn khác nhau cho năng suất sinh sản khác nhau.
Trong thời gian thực tập tại trại, em đã tham gia vào công tác chọn giống như: tham gia chọn lọc lợn giống để giữ lại sản xuất cũng như xuất bán, theo dõi lợn lên giống, phối giống lợn (chủ yếu là thụ tinh nhân tạo), ghi chép sổ sách làm lý lịch lợn giống,… Cách chọn lọc giống như sau:
- Lợn đực: Dựa theo đặc tính của từng giống mà chọn lọc một số tính trạng về sinh trưởng và tỉ lệ nạc.
- Lợn nái: Căn cứ vào khả năng sinh trưởng, phát triển và đặc biệt là tính trạng sinh sản. Tính trạng về sinh sản cần chú ý là tuổi động dục, số lượng vú, số con đẻ ra, khả năng tiết sữa.
- Chọn giống, dòng: phù hợp với điều kiện chăn nuôi, dựa theo khả năng thích nghi của từng giống. Kiểm tra kĩ lí lịch của lợn bố mẹ và lứa con này là lứa con thứ mấy của nó. Không nên chọn lợn con làm giống từ lợn mẹ quá non (đẻ lứa đầu) hoặc lợn mẹ quá già (đã đẻ chín mười lứa) mà chọn lợn con từ lứa thứ ba, thứ tư làm giống là tốt nhất vì ở vào giai đoạn này lợn mẹ rất sung sức, mọi cơ quan, bộ phận trong cơ thể nó đã phát triển toàn diện.
- Chọn vóc dáng: Nên chọn những con lợn có vóc dáng cao to, lợn đầu đàn, có những nét đặc trưng của dòng giống.
- Chọn tính nết: Nên chọn những con lợn có tính hiền, không hung dữ với đồng loại, nết ăn phải tốt, ăn không vung vãi, nuôi con khéo, chịu được kham khổ, khả năng chống chịu stress cao.
4.2.1.2. Thức ăn
Thức ăn là yếu tố quyết định đến năng suất chăn nuôi lợn nái. Thức ăn tốt, đảm bảo chất lượng, cân bằng dinh dưỡng sẽ làm lợn phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng nên lợn nái trong thời gian mang thai có sức khỏe tốt,