BỆNH RẶN ĐẺ QUÁ SỚM (ĐỘNG THAI) VÀ RẶN ĐẺ QUÁ YẾU

Một phần của tài liệu Bài giảng bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 60 - 61)

II. MỘT SỐ BỆNH SẢN KHOA GIA SÚC

2. BỆNH RẶN ĐẺ QUÁ SỚM (ĐỘNG THAI) VÀ RẶN ĐẺ QUÁ YẾU

2.1. Bệnh rặn đẻ quá sớm

2.1.1. Đặc điểm

Rặn đẻ quá sớm là bệnh xảy ra trong thời gian gia súc cái mang thai với đặc điểm con mẹ xuât hiện những cơn rặn, những cơn co bóp của tử cung trước thời gian sinh đẻ một số tuần hay một số ngày.

2.1.2. Nguyên nhân

- Do tác động cơ giới như gia súc bị đánh, húc vào bụng, ngã đột ngột... - Do bị đầy hơi, táo bón, ỉa chảy làm gia súc phải rặn nhiều

- Rối loạn mối quan hệ cân bằng giữa các hormon điều khiển quá trình sinh sản

Những nguyên nhân trên kích thích làm tử cung xuất hiện những cơn co bóp gây ra những cơn rặn trước thời gian sinh đẻ bình thường.

2.1.3 Triệu chứng

Con mẹ xuất hiện những cơn rặn, những cơn co bóp của tử cung trước thời gian sinh đẻ bình thường.Lúc này cơ thể mẹ chưa xuất hiện những triệu chứng điển hình của quá trình sinh đẻ bình thường: âm hộ chưa sưng to, chưa phù thũng và nhão ra, chưa có hiện tượng sụt mông, bầu vú chưa căng và chưa có sữa đầu.

Con vật đứng nằm không yên, hai chân cào đất, kêu rống, cong lưng cong đuôi rặn, tần số hô hấp và mạch đập tăng.

2.1.4 Điều trị

Để cho con vật thật yên tĩnh đầu thấp đuôi cao, giữ ấm vùng bụng và ức chế hiện tượng rặn bằng các phương pháp sau:

Tiêm Atropin 3 - 5ml

Gây tê lõm khum đuôi bằng Novocain

Với bò cho uống rượu trắng 500 - 650ml. Ngựa cho uống Chloralhydrate 25 - 30g hay tiêm Morphin 0,4g

Có thể dùng rễ cây gai để sắc lên cho con vật uống

2.2. Bệnh rặn đẻ quá yếu

2.2.1 Đặc điểm

Bệnh thường xảy ra trong thời gian gia súc sinh đẻ với đặc điểm là những cơn co bóp của tử cung, cơn rặn của con mẹ quá yếu không đủ để đẩy bào thai ra ngoài.

Khi con vật đã xuất hiện các triệu chứng sắp đẻ và hình thành các cơn rặn đẻ, nhưng quá thời gian đẻ, con vật vật không đẻ được và cơn rặn đẻ cứ thưa và yếu dần.

2.2.2 Nguyên nhân

Bào thai quá to, dịch thai quá nhiều hay có nhiều thai, làm tử cung bị dãn quá độ dẫn đến mất đàn tính, không co bóp được.

Do chế độ chăm sóc nuôi dưỡng gia súc trong thời gian mang thai kém làm cho con mẹ suy dinh dưỡng, sức yếu, không đủ sức rặn.

Do lượng Oxytocin của cơ thể mẹ tiết ra quá ít, làm cho tử cung co bóp không đủ cường độ đẩy thai ra ngoài.

Do chiều hướng, tư thế của thai không bình thường.

Có thể ngay từ đầu và suốt trong quá trình sinh đẻ, con mẹ đều rặn yếu, các cơn rặn thưa thớt, khoảng cách giữa hai lần rặn dài, thời gian sổ thai kéo dài, bào thai không được đẩy ra khỏi cơ thể mẹ.

Với trường hợp rặn đẻ quá yếu do tư thế, chiều hướng thai không bình thường thì lúc đầu các cơn rặn của con mẹ diễn ra một cách bình thường, đúng quy luật nhưng sau đó sức rặn của con mẹ yếu dần.

Cần lưu ý sự khác biệt giữa rặn đẻ quá yếu và rặn đẻ quá sớm ở chỗ các triệu chứng điển hình của cơ thể mẹ lúc gần đẻ đã xuất hiện đầy đủ ở bệnh rặn đẻ quá yếu và chưa xuất hiện ở bệnh rặn đẻ quá sớm.

2.2.4 Tiên lượng

Bệnh kéo dài, cơn rặn đẻ ngừng hẳn, thai chết ngạt trong tử cung, sau đó nếu không lấy thai ra được, thai sẽ thối rữa, gây nhiễm độc cơ thể mẹ, nguy hiểm.

2.2.5 Điều trị

Xoa bóp từ thành bụng xuống xoang chậu, buộc nước ấm vào thành bụng hoặc thụt nước ấm 600C vào âm đạo.

Dùng thuốc kích thích tử cung co bóp bằng cách tiêm Oxytocin 4 - 6ml cho con mẹ

Chú ý: Chỉ dùng thuốc khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn, tư thế vào chiều hướng của thai bình thường.

Một phần của tài liệu Bài giảng bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)