3.1.1. Vấn đề chính trị 3.1.2. Vấn đề kinh tế 3.1.3. Vấn đề xã hội 3.1.4. Các yếu tố văn hóa
Cụ thể ảnh hưởng các nội dung trên như sau:
Gia đình là phạm trù xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người; là một thiết chế xã hội quan
trọng, liên quan đến hoạt động của toàn xã hội và mỗi cá nhân. Theo quan điểm hệ thống, mỗi thiết chế
ấy biến đổi sẽ dẫn đến cả hệ thống biến đổi và ngược lại, những thiết chếxung quanh gia đình trong hệ
thống xã hội nói chung (như kinh tế, pháp luật, văn hóa…) biến đổi cũng khiến cho gia đình biến đổi
theo. Gia đình Việt Nam không nằm ngoài quy luật này. Vậy khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện nay đã
có những biến đổi gì trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập? Nhân Ngày Gia đình
Việt Nam (28.6), Tạp chí xin giới thiệu một số phân tích, lý giải về vấn đề này.
Biến đổi gia đình Việt Nam từsau đổi mới và những kiến giải khoa học
Trên bình diện quản lý xã hội, qua sự thay đổi trong các nội dung điều, khoản của Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2000 so với nội dung trước khi sửa đổi có thể thấy được những biến đổi trong thiết chế xã hội đặc biệt này trước và sau đổi mới. Căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình mới, người ta nhận thấy đã có những biến đổi sau: Thứ nhất, quan niệm về gia đình, vấn đề sở hữu, các mối quan hệ trong gia đình có nhiều biến đổi. Thứ hai, gia đình biến đổi theo hướng có nhiều yếu tố cá nhân hơn. Thứ ba, các vấn đề trong gia đình ngày càng đa dạng và trở nên phức tạp1. Đây là một thực tế không thể phủ nhận được trong bối cảnh đất nước
có nhiều thay đổi trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội…
Từ cách tiếp cận xã hội học, xét về bản chất, gia đình có 4 chức năng cơ bản (sinh sản, giáo dục, kinh tế và tâm lý – tình cảm). Cả 4 chức năng này đã và đang xuất hiện những yếu tố mới. Điều này đã được nhiều nghiên
cứu chuyên sâu về gia đình chỉ ra. Tuy nhiên, song hành cùng sự biến đổi về kinh tế, xã hội ở nước ta, chức
năng nào biến đổi nhiều nhất, tạo được dấu ấn rõ nét cho khuôn mẫu mới của gia đình trong xã hội hiện đại vẫn đang là vấn đề có nhiều bàn cãi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: “Nếu có gì gọi là mới trong gia đình Việt Nam hiện đại thì có lẽ là sự tăng cường yếu tố dân chủ trong cái tổ chức rất đáng yêu, cần phải yêu này. Xã hội mới tạo điều kiện cho mỗi người có giá trị tự thân. Thêm một nhân tố nữa để bảo đảm sự bình đẳng trong các tương quan và chức năng của mỗi thành viên trong gia đình. Không có áp bức, thống trị ở đây – xét
về mặt khái quát”2.
Nhiều học giả khác lại cho rằng, vấn đề giáo dục gia đình đang có xu hướng thay đổi trong xã hội hiện đại bởi những vấn đề mà giới trẻ hiện nay đang gặp phải như các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, sự tôn kính đối với ông bà cha mẹ có xu hướng giảm sút… hay sự chuyển giao, phó mặc chức năng này của gia đình cho các thiết chế xã hội khác như trường học, dịch vụ xã hội (dịch vụ chăm sóc trẻ, giúp việc tại nhà)… Sự biến đổi về quy mô, kiểu loại gia đình, những biến đổi trong đời sống hôn nhân, tâm lý – tình cảm và sự lựa chọn trong kết hôn cũng được quan tâm đáng kể trong những nghiên cứu về gia đình trong thời gian qua.
Rõ ràng, rất nhiều khía cạnh khác nhau của gia đình đều đang có những biến đổi trong điều kiện xã hội biến đổi, điều đó đã tạo nên sự biến đổi khuôn mẫu gia đình nói chung. Vì thế, việc xác định rõ ràng, chuẩn xác đặc trưng của gia đình Việt Nam hiện nay là một vấn đề không dễ dàng.
Vềxu hướng biến đổi khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện nay
Với khái niệm “Tam giác gia đình”3 của tác giả Hồ Ngọc Đại: “Gia đình là một khái niệm mới được hình thành từ ba thành phần, gồm những “đại lượng khác tên” là bố, mẹ và con cái hình thành nên một tam giác gia đình” đặt trong bối cảnh gắn với tam giác đời sống xã hội mà ba đỉnh là cá nhân – gia đình – xã hội thì đây là một mối liên hệ khó có thể bóc tách được. Điều này cho thấy sự biến đổi của gia đình luôn gắn với sự biến đổi của các cá nhân và xã hội. Hiển nhiên, gia đình là hệ quả của mối tương tác giữa các cá nhân và xã hội đang sống. Gia đình với chức năng của nó sẽ cố gắng điều hoà các mối quan hệ này phù hợp với hoàn cảnh xã hội.
Dưới đây xin đề cập hai chiều tác động (cá nhân và xã hội) đến gia đình dẫn đến việc biến đổi khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện đại.
Tác động cá nhân đến gia đình
Mặc dù chưa có khái niệm chuẩn và thống nhất về gia đình nhưng dường như có sự đồng thuận rộng rãi ở một điểm: Gia đình là tập hợp các cá nhân có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng… trong đó nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa các thành viên (hay cá nhân). Có thể quy giản quan hệ này thành 3 mối quan hệ chủ yếu: Vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh chị – em (con cái với nhau). 3 mối quan hệ cơ bản này có ảnh hưởng lớn đến thiết chế gia đình. ở từng thời điểm lịch sử khác nhau thì các mối quan hệ này có những đặc trưng khác nhau. Ví dụ, trong xã hội truyền thống thì quan hệ vợ – chồng, cha – con, anh – em theo một tôn ti, trật tự chặt chẽ nhưng cho đến nay, sức nặng của tôn ti, trật tự đó không còn bao nhiêu nữa mà thay vào đó là sự bình đẳng hơn theo kiểu “trên kính dưới nhường”. Mỗi cá nhân trong gia đình đều xác lập một vị thế và không gian riêng cần các thành viên khác tôn trọng. Điều này có nghĩa là tự do cá nhân được đề cao. Vả chăng, trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới (điện thoại di động, Internet…) càng làm cho xu hướng cá nhân hoá mạnh mẽ hơn… Phải chăng, những thực tiễn đó đã dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo hơn, và đó cũng là nguyên nhân của sự rạn nứt trong gia đình ngày nay như nhiều nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi? Khó có thể khẳng định đó là mối quan hệ nhân – quả nhưng rõ ràng, khi mỗi cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng của mình như học vấn, địa vị, kinh tế… thì các mối quan hệ trong gia đình bị “nhạt” đi. Và cái tôn ti, trật tự kia hầu như không còn sức mạnh để níu kéo các thành viên trong gia đình lại với nhau. Mô phỏng trong tam giác gia đình của Hồ Ngọc Đại thì diện tích của tam giác sẽ lớn hơn, do vậy các cạnh (thể hiện mối quan hệ) đó sẽ bị kéo dài ra. Theo quy luật của cơ học thì sức đàn hồi, hay “độ cứng” của vật thể tỷ lệ nghịch với chiều dài của vật thể đó. Vận dụng mô hình toán học và cơ học này vào trong quan hệ gia đình có thể thấy rằng các mối quan hệ đó “dễ” bị đứt gãy hơn so với khi các quan hệ đó còn “khép kín”. Sự lỏng lẻo trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ dẫn đến những hệ quả tích cực và tiêu cực nhất định
Về mặt tích cực, tính cơ động, hướng ngoại trong các thành viên trong gia đình càng lớn thì thiết chế đó càng phát triển trên bình diện kinh tế, giáo dục, vị thế xã hội… do các cá nhân đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết hơn để giành các lợi ích đó cho riêng mình. Điều này ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung. Không chỉ vậy, nó còn là một chỉ báo cho bình quyền của các thành viên, đặc biệt là phụ nữ trong gia đình được giải phóng trong quá trình dân chủ hoá xã hội trở nên mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục hơn, các thành viên có điều kiện phát huy hết năng lực của cá nhân mà không bị ràng buộc theo kiểu “cha mẹ
đặt đâu con ngồi đấy” hoặc “trên bảo dưới nghe”…
Tuy nhiên, những hệ lụy tiêu cực của mối quan hệ lỏng lẻo này là cái giá phải trả. Đó là sự rạn nứt trong gia đình, là nguồn gốc của những biểu hiện tiêu cực trong xã hội như tệ nạn xã hội, văn hoá ứng xử xuống cấp, đạo đức bị coi nhẹ hay tình trạng ly hôn, ly thân, sống độc thân gia tăng… mà xã hội đang cố gắng có những giải pháp kiềm chế.
Tác động xã hội đến gia đình
Sự biến đổi kinh tế, xã hội của nhân loại dẫn đến sự thay thế lẫn nhau của các hình thái gia đình. Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đã và đang gặt hái nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự biến đổi khuôn mẫu của gia đình. Đây là một quy luật tất yếu, khôn cưỡng. Đánh giá một cách công bằng, những đổi thay về kinh tế, xã hội, tăng cường giao lưu văn hoá đã mang lại cho gia đình những luồng sinh khí mới như nâng cao thu nhập, mức sống, mức hưởng thụ, trình độ tiêu dùng, đời sống vật chất và tinh thần, thông tin của các thành viên. Chưa bao giờ trong lịch sử có những biến chuyển lớn đến như vậy diễn ra trong khung cảnh của gia đình. Những tiến bộ trong quan niệm về bình đẳng, bình quyền, loại bỏ những tập tục, chuẩn mực lạc hậu trong xã hội cũ cũng đã tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nữ giới được phát triển và nâng cao vị thế xã hội.
Tuy nhiên, mặt trái của những biến đổi xã hội và giao lưu văn hoá, thông tin cũng ảnh hưởng rất lớn đến khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện nay, dẫn tới những hệ lụy nhất định. Ví dụ như, sự cám dỗ của vật chất hay sức ép của vấn đề nghèo đói, thu nhập, vị thế xã hội đã khiến cho gia đình biến đổi một số đặc trưng về chức năng và quy mô. ở không ít gia đình, do quá chú trọng vào việc kiếm tiền, tăng thu nhập, giành vị thế xã hội…, mà cha mẹ giảm đi sự quan tâm tới con cái, giữa các thành viên ít giao tiếp với nhau hơn. Có nhà nghiên cứu cho rằng, thậm chí trong một bộ phận gia đình, sự tồn tại của các thành viên bên cạnh nhau giống như sự gá lắp rời rạc, thưa vắng dần sự quan tâm, lo lắng, chăm chút cho nhau và các thành viên trong gia đình thì dường như “gặp nhau lần nào cũng vội”4. Khi đó, hầu như trường học và các thiết chế xã hội khác đã phải “làm thay” nhiều chức năng của gia đình. Có thể thấy sự biến đổi rất rõ ở các gia đình trong thời gian qua khi mà quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá với tốc độ nhanh chóng, quy mô lớn đã, đang và sẽ làm cho quá trình mất đất nông nghiệp diễn ra ngày càng nhiều, tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh
khiến cho nhiều gia đình nông thôn trở thành gia đình thành thị “cưỡng bức” trong điều kiện mất đất song
chuyển đổi nghề nghiệp chậm, thiếu việc làm, gây ra tình trạng bất ổn định trong gia đình. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, bệnh tật… lại có nguy cơ phát triển, làm tha hoá một bộ phận dân cư, nhất là giới
trẻ. Những yếu tố ngoại cảnh này đã ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình, làm thay đổi cả quy mô, cơ cấu, quan hệ và chất lượng gia đình5. Quan niệm về hôn nhân, gia đình hiện nay cũng đang dần dần thay đổi do hoàn cảnh xã hội tác động. Những hiện tượng như quan hệ tình dục trước hôn nhân, đồng tính luyến ái, sống thử, kết hôn muộn, sống độc thân, ly thân, ly hôn không ngừng tăng lên và có tính đột biến6. Đây là những biểu hiện vốn chưa xuất hiện trong gia đình Việt Nam truyền thống mà nó chính là sản phẩm của xã hội phương Tây du nhập vào nước ta trong quá trình mở cửa, hội nhập. Văn hoá phương Tây tràn vào một cách ồ ạt phần nào vượt qua sự kiểm soát của gia đình, nhà trường và xã hội, ảnh hưởng đến tính bền vững của gia đình và làm cho cấu trúc của gia đình dễ “vỡ” hơn. Với sự nâng cao tính cơ động kinh tế, xã hội thì gia đình tỏ ra là một thiết chế xã hội nhạy cảm và năng động đối với những thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội. Điều đó dẫn đến những biến đổi về lượng cũng như về chất của gia đình theo bối cảnh xã hội.