22. Nhóm Viễn cảnh Á-Âu ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nhóm Viễn cảnh Á-Âu được thành lập theo quyết định của các nguyên thủ các nước ASEM tại Hội nghị Cấp cao ASEM 2 (London, Anh tháng 4/1998)với nhiệm vụ vạch ra phương hướng chiến lược cho hợp tác ASEM. Thành viên của nhóm gồm 26 chuyên gia, học giả nổi tiếng từ các nước thành viên (mỗi nước có một đại diện) và Uỷ ban Châu Âu. Chủ tịch Nhóm là Giáo sư Sa Kong, Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, cựu Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc. Thành viên của Việt Nam tham gia Nhóm là Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển.
23. Nhóm Viễn cảnh Á-Âu đã đưa ra những khuyến nghị gì ?
Nhóm Viễn cảnh đã đưa ra 9 nhóm khuyến nghị chính sau:
(i) Về giáo dục: Tăng cường hợp tác giáo dục để đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa hai Châu lục Á-Âu;
(ii) Chương trình học bổng ASEM: Trao đổi giữa hai khu vực các học bổng sau đại học cho các sinh viên giỏi và có triển vọng nhất;
(iii) Thống nhất các nguyên tắc về Quản lý nhà nước lành mạnh;
(iv) Thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ vào năm 2025;
(v) Phối hợp chặt chẽ hơn các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách hệ thống tài chính quốc tế; (vi) Thành lập trung tâm môi trường ASEM;
(vii) Thành lập Hội đồng Cố vấn Thương mại Á-Âu (BACs) để tạo thuận lợi cho đối thoại cấp cao giữa những nhà lãnh đạo chính phủ các quốc gia và giám đốc điều hành các doanh nghiệp tư nhân;
(viii) Xây dựng khung khổ cho việc cải thiện hạ tầng của ASEM nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ và đi lại của các cá nhân trong lĩnh vực phát triển hạ tầng; (ix) Thành lập hội đồng Công nghệ Thông tin ASEM để thúc đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ
tầng thông tin.
Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 3 (ASEM 3) tổ chức tại Hàn Quốc tháng 10/2003 đã hoan nghênh báo cáo của Nhóm Viễn cảnh và các khuyến nghị của Nhóm trong việc xây dựng một tương lai hợp tác Á-Âu. Tuy nhiên, do các khuyến nghị của Nhóm Viễn cảnh bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác, đòi hỏi phải có lượng vốn đầu tư lớn, trong khi trình độ phát triển của các thành viên ASEM còn nhiều khác biệt, ASEM vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai các khuyến nghị này. Mặc dù vậy, để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu, Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 4 (ASEM 4) đã quyết định thành lập Nhóm Đặc trách ASEM về Quan hệ Đối tác Mật thiết hơn để nghiên cứu đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường hợp tác ASEM trong 3 lĩnh vực tài chính, thương mại và đầu tư. Báo cáo cuối cùng của Nhóm Đặc trách sẽ được đệ trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội vào cuối năm 2004.
25. Vậy Viễn cảnh hợp tác kinh tế ASEM trong thời gian tới là gì?
Xây dựng một mục tiêu dài hạn, hay một viễn cảnh cho hợp tác kinh tế ASEM đã và đang là điều trăn trở của các nhà hoạch định chính sách ASEM. Như đã đề cập, Hội nghị cấp cao ASEM 4 đã thành lập nhóm Đặc trách ASEM về Quan hệ Đối tác Mật thiết hơn trong 3 lĩnh vực tài chính, thương mại và đầu tư. Đồng thời các điều phối viên kinh tế ASEM cũng đã và đang tích cực rà soát các hoạt động của ASEM để đề xuất những bước cải tiến, vừa góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình, vừa góp phần định hình dần một mục tiêu dài hạn của ASEM. Tất cả những công việc này mới chỉ bắt đầu, chúng ta còn một năm trước mắt để có thể dự đoán điều gì sẽ được quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội. Tuy nhiên, có hai biến số quan trọng có tác động chi phối nhiều đến tương lai hợp tác kinh tế ASEM, đó là diễn biến Vòng Đàm phán Đoha hiện nay và việc triển khai chiến lược mới của EU đối với Đông Nam Á, đặc biệt là sáng kiến thương mại TREATI. Hiện nay cũng còn quá sớm để dự báo về kết quả của hai sự kiện và mức độ ảnh hưởng của chúng đối với tiến trình ASEM.