Một nội dung quan trọng trong Thuyết quản lý khoa học của Taylor là tiêu chuẩn hóa công việc, sử dụng phương thức quản lý theo vị trí việc làm trên cơ sở tiêu chuẩn và bản mô tả công việc để từ đó làm cơ sở tuyển dụng công chức, đánh giá công chức, đào tạo công chức. Điều này đã được nhà nước Việt Nam áp dụng trong việc tuyển dụng công chức. Cụ thể hơn là trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã luật hóa và đổi mới hoạt động quản lý công chức theo h¬ướng kết hợp giữa hệ thống chức danh tiêu chuẩn với hệ thống vị trí việc làm. Tiếp tục đổi mới chế độ công vụ phù hợp với thể chế chính trị ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP là những văn bản có tính quy định chung về nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện tối đa trong 2 tuần, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm. Quyết định số 1374/2011/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 cũng đã nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng công chức theo vị trí việc làm. (Trần Thị Hải Yến, 2021)
Mục 5 Chương IV (từ Điều 50 đến Điều 54) Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về việc mô tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức để xác định số lượng biên chế, làm cơ sở tuyển dụng, thi nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.