Ông Dương Xuân Giao, Giám đốc NetViet, Thành phố Hồ Chí Minh - là một trong những công ty đầu tiên ở Việt Nam tham gia cung ứng lao động chất lượng cao. Ông nhận định rằng: “Nhìn chung, nhu cầu săn lùng lao động chất lượng cao tập trung chủ yếu ở các công ty nước ngoài, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã phát triển mạnh trong việc săn lùng chất xám, nhất là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang dần thay đội ngũ cán bộ quản lý thành người bản địa”. Khi thị trường phát triển và đòi hỏi cao hơn về chuyên môn và chất lượng của sản phẩm thì “thị trường chất xám” lại càng trở nên có giá và là yếu tố đầu tiên quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp hay tổ chức. Để tuyển chọn được đội ngũ nhân viên chất lượng, các công ty sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn cho các công ty cung ứng nguồn nhân lực.
Trong cuộc đua về chuyên môn hóa, nhiều công ty cung ứng nguồn nhân lực ra đời và phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một chuyên viên tư vấn nhân lực của một công ty cung ứng lao động nước ngoài có bề dày kinh nghiệm bật mí: “Để chuẩn bị nguồn nhân lực, các công ty cung ứng nhân lực đều có cách săn lùng và nạp vào ngân hàng dữ liệu danh sách của tất cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhất là các chức danh quản lý của các công ty như trưởng phòng nhân sự, trưởng phòng kinh doanh, kế toán trưởng, chuyên viên cao cấp thuộc các lĩnh vực,... và khi có công ty nào đặt yêu cầu cần tuyển gấp các chức danh công việc như trên thì họ có thể cung ứng ngay ứng viên sáng giá nhất cho các nhà tuyển dụng”.
Trong thuyết của Taylor, ông nhấn mạnh rằng “phải tìm những người thợ giỏi nhất theo hướng chuyên sâu, dựa vào năng suất lao động cá biệt đó để xây dựng mức lao động”. Đối với với thị trường lao động tại Việt Nam, một hiện tượng dễ thấy trong thời đại ngày nay là các doanh nghiệp lớn xuất hiện nhiều hình thức chiêu mộ các nhân tài trẻ và “nhắm” họ từ rất sớm ngay khi còn là sinh viên của các trường đại học. Họ đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao này bằng cách trao phát các học bổng hay thậm chí là mời về công ty thử việc ngay sau khi tốt nghiệp. Hiện nay các công ty lớn tại Việt Nam như Nestle, BP, Samsung, Vina, Unilever... đang sử dụng cách thức này. (Phạm Thanh Nga)