Hóa học xanh ngày nay được thừa nhận là xu thế tất yếu của ngành tổng hợp hữu cơ nói riêng cũng như ngành công nghệ hóa học nói chung. Và một trong những hướng đi thiết thực để tiến đến mục tiêu” xanh hóa” là thay thế dần những xúc tác đồng thể truyền thống bằng những xúc tác dị thể đảm bảo được các yêu cầu cơ bản về mặt hoạt tính cho phản ứng. Công việc này không chỉ góp phần làm giảm đáng kể lượng phát thải do xúc tác đồng thể truyền thống gây ra, mà còn có ý nghĩa hết sức thiết thực đến độ tinh khiết của sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu MOF làm xúc tác cho các phản ứng đã và đang được quan tâm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hướng nghiên cứu này vẫn còn mới. Do đó, đề tài này nói riêng và các đề tài khác về việc nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng vật liệu MOF làm xúc tác rắn cho các phản ứng tổng hợp hữu cơ xứng đáng được quan tâm và khuyến khích thực hiện. Đặc biệt là khảo sát khả năng thay thế những xúc tác đồng thể truyền thống bằng bằng những xúc tác dị thể nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về hoạt tính xúc tác cho phản ứng. Vì vậy, tổng hợp vật liệu Cu-MOF làm xúc tác dị thể cho 2 phản ứng bao gồm phản ứng Friedlander cải tiến và phản ứng ghép đôi O-aryl hóa được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu trong đề tài này. Mục tiêu cụ thể của đề tài là:
Tổng hợp 2 vật liệu Cu-MOF là Cu(BDC), Cu2(BDC)2(DABCO) có cấu trúc tâm mở, và kiểm tra các đặc tính hóa lý của 2 loại vật liệu này.
Khảo sát hoạt tính xúc tác của 2 vật liệu trên thông qua 2 phản ứng Friedlander cải tiến và phản ứng ghép đôi O-aryl, với sự thay đổi của các tác nhân ảnh hưởng đến độ chuyển hóa sản phẩm của 2 phản ứng như: nhiệt độ, tỷ lệ tác chất, hàm lượng xúc tác sử dụng, ảnh hưởng của dung môi, và base sử dụng…
16