Nhân vật được xây dựng phù hợp với cách kể tuyến tính kinh điển

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghệ thuật xây dựng nhân vật phim truyện hoạt hình walt disney (Trang 79 - 83)

9. Ý nghĩa khoa học và đóng góp thực tiễn của đề

2.1.2.Nhân vật được xây dựng phù hợp với cách kể tuyến tính kinh điển

Như đã trình bày ở phần lý thuyết, có nhiều cách kể chuyện, nhưng cách kể tuyến tính là một cách kể kinh điển. Theo đó, câu chuyện được bắt đầu từ mục tiêu mà nhân vật đặt ra và tiếp nối bởi một nút thắt kịch tính, một trở ngại được tạo ra từ cốt truyện và các hành động của nhân vật phản diện. Nhân vật chính sẽ phải vượt qua bước ngoặt nào đó, mở ra trong hồi một câu chuyện. Tại hồi hai, sự phân chia hai chiến tuyến trở nên rõ rệt. Những hành

động. mà mỗi bên được nhận dạng mang đến sức nặng cho phần hai để rồi kết thúc vào nút thắt kịch tính, tạo cao trào bắt buộc nhân vật chính đưa ra lựa chọn. Cuối cùng nhân vật bước vào hồi ba gần với kết cục (mở nút thắt) nơi những cố gắng của nhân vật chuyển sang một mức độ mới. Lúc này cái kết hay nút thắt của cả cốt truyện chính và cốt chuyện phụ đều được tháo gỡ. Kết quả là nhân vật chính hoặc là đạt được mục đích đặt ra hoặc là thất bại. [64, tr. 67]. Đây là cách kể chuyện thường thấy ở các câu chuyện cổ tích nguyên mẫu và khi chuyển thể sang kịch bản phim, cách kể tuyến tính này luôn được Disney duy trì. Nhà lý luận phê bình điện ảnh Michael Hauge nhận xét:

Bởi vì kịch bản và phim được xác định trong ranh giới khá hạn chế so với bất kỳ dạng tác phẩm hư cấu nào khác, nên bất cứ ai muốn chuyển thể một câu chuyện hiện có thành kịch bản phim thì đều phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về nhân vật, mong muốn và xung đột [73, tr. 1].

Ông còn cho rằng,

Việc giữ nguyên cách kể chuyện kinh điển tạo nên sự mạch lạc và dễ hiểu của câu chuyện kể giúp cho việc “ấn định khái niệm của câu chuyện hay trình tự của chuyện phim” đối với người xem. [73, tr. 1] Ta có thể nhận thấy, cách kể chuyện của Disney trong phim Cô bé Lọ Lem cũng như Công chúa tóc mây đều theo một trục tuyến tính và có các trọng tâm (điểm nhấn).

Ngay phần đầu phim Cô bé Lọ Lem, Disney đã đưa người xem đi thẳng vào nội dung chính của câu chuyện bằng cách giới thiệu hoàn cảnh của Lọ Lem cùng các nhân vật chính diện, phản diện khác. Một Lọ Lem xinh đẹp, đáng yêu, tốt bụng, nhưng bố mất, bị mẹ kế cùng hai người con của bà ta giày vò, biến thành người hầu trong chính gia đình của mình. Xung quanh cô là những người bạn nhỏ như chú chuột Raz, Gus, các chú chim, chó Bruno... Bên nhân vật phản diện, ngoài người mẹ kế và hai người con của bà ta, còn có

con mèo độc ác Lucifer. Trong phim, Lọ Lem luôn có một mơ ước về hạnh phúc, và đó cũng là mục đích vươn tới của cô, như lời bài hát bộc bạch tâm sự ngay đầu phim “Nếu bạn giữ niềm tin, thì giấc mơ mà bạn mong ước sẽ thành sự thật”.

Thế rồi mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện khi Quốc vương tổ chức buổi vũ hội để tìm vợ cho hoàng tử. Lọ Lem cũng muốn đi, và người mẹ kế cùng hai người con đã liên tục gây khó dễ cho cô. Từ việc bắt cô làm đủ việc nhà để không có thời gian chuẩn bị váy áo, đến cao trào là xé toạc bộ váy được những người bạn nhỏ của Lọ Lem may giúp. Sau đó, cũng chính mụ là người đã tìm cách ngăn cản không cho cô thử giày khi bắt nhốt cô trên tầng áp mái, và sau đó ngáng đường viên quan khiến chiếc giày thuỷ tinh bị vỡ. Nhưng cuối cùng, ước mơ của Lọ Lem cũng trở thành hiện thực khi cô đưa ra chiếc giày còn lại, trở thành vợ của hoàng tử.

Với bộ phim Công chúa tóc mây, các mục tiêu, nút thắt và bước ngoặt của bộ phim xoay quanh nhân vật chính là công chúa Rapunzel cùng hai nhân vật khác là tên trộm Flynn Rider (tên thật là Eugene) và mẹ Gothel (nhân vật phản diện). Mục tiêu xấu xa của Gothel là muốn độc chiếm bông hoa thần kỳ, và sau đó là mái tóc của Rapunzel, để bà ta có thể “cải lão hoàn đồng”, đã dẫn đến mong muốn (mục tiêu) của nàng công chúa bị giam cầm. Đó là ước mơ tận mắt nhìn thất những chiếc đèn trời xuất hiện vào sinh nhật của nàng, và bắt đầu một cuộc sống tự do đúng nghĩa. Từ mục tiêu này, ta có một chuỗi các tình tiết và những xung đột như Rapunzel quyết tâm trốn khỏi toà tháp cùng Flynn, mụ Gothel đi tìm cô, khi không đưa được cô về, mụ đã lập mưu chia rẽ Rapunzel và Flynn, sau đó lộ bộ mặt độc ác, giam cầm Rapunzel và đâm Flynn trọng thương. Kết cục là Rapunzel chấp nhận đi theo Gothel để đổi lấy việc cứu Flynn, nhưng tên trộm lại từ bỏ cả mạng sống để giải thoát cho công chúa tóc vàng khỏi Gothel độc ác. Cuối cùng chàng trai được cứu sống từ giọt

nước mắt mang phép thuật của Rapunzel, còn nàng công chúa tìm lại được cha mẹ của mình và tất cả mọi người đều sống hạnh phúc mãi mãi.

Trong cách kể chuyện tuyến tính trên, nhân vật chính của các bộ phim được xây dựng để trở thành người dẫn dắt tình huống, luôn đi theo một “sơ đồ” với liên tiếp các nút thắt để dẫn đến cao trào và kết thúc với việc đạt được mục tiêu đề ra. Với Cô bé Lọ Lem, nhân vật được xây dựng đi theo “sơ đồ” mà các “nút thắt” xuất hiện bất ngờ như các sự kiện, hoàng cung tổ chức buổi vũ hội, bà mẹ kế xé nát váy áo của Lọ Lem, bà tiên đỡ đầu xuất hiện mang đến phép màu, cho đến việc cô bị nhốt, đôi giày bị vỡ… Và cách tháo gỡ những nút thắt của câu chuyện, đều nhờ phép màu, hoặc những người bạn của nhân vật chính ra tay giúp đỡ. Còn với Công chúa tóc mây, nhân vật Rapunzel lại là người chủ động chuyển dịch hướng tới các nút thắt, vượt qua muôn vàn khó khăn, từ sự ngăn cấm của Gothel, từ nỗi sợ hãi và nghi ngờ thế giới bên ngoài, những cuộc chạy trốn cùng với Flynn và cả sự quyết liệt chống đối Gothel, khi cô phát hiện ra, mình chính là nàng công chúa mất tích. Mặc dù hai nút thắt cao trào cuối cùng do Flynn và phép thuật hoá giải, nhưng Rapunzel cũng đã đi tới đích và đạt được điều mình mong ước.

Cách các nút thắt xuất hiện và được tháo gỡ đã thu hút người xem vào câu chuyện, khêu gợi ở họ sự tò mò, những phỏng đoán nhiều chiều và tạo ra tiền đề để gây sự ngạc nhiên, đi từ sự hồi hộp này đến sự hồi hộp khác. Ví dụ, trong bộ phim Cô bé Lọ Lem có 3 chi tiết khiến người xem thực sự lo lắng cho nhân vật chính. Thứ nhất, khi cô em con mẹ kế phát hiện ra có chuột trong bữa sáng và Lọ Lem bị gọi vào phòng Thứ hai, khi Lọ Lem diện bộ váy dạ hội xuống gặp mẹ kế để xin được đi vũ hội. Và thứ ba, khi cô lên phòng vừa hát, mẹ kế ngờ theo sau. Cả ba chi tiết này đều khiến người xem thót tim, hồi hộp không biết điều tồi tệ gì sắp xảy ra với nhân vật chính. Cô sẽ nhận

hình phạt nào? Bà mẹ kế sẽ làm gì để ngăn cản Lọ Lem?, là những câu hỏi xuất hiện đến trường đoạn này.

Còn với Công chúa tóc mây, đoạn cao trào cuối phim mang đến đủ cung bậc cảm xúc cho người xem. Từ sự hả hê vì cuối cùng, Rapunzel cũng đã phát hiện ra sự thật và phản kháng, đến cảm giác giận giữ khi Flynn bị Gothel đâm trọng thương, cũng như rất nhiều thương cảm trước trường đoạn Rapunzel chấp nhận đi theo Gothel để cứu Flynn. Tuy nhiên, giây phút Flynn cắt tóc Rapunzel là một trong những bất ngờ lớn và là cao trào của bộ phim, mang đến cùng lúc nhiều cảm xúc trái chiều từ ngạc nhiên đến xót xa thương cảm cho đôi trẻ đồng thời cũng rất thoả mãn khi thấy mụ Gothel phải trả giá. Và cuối cùng là cảm giác vui mừng khi Flynn sống lại. Việc tạo ra những “chuyến du hành” của cảm xúc như thế, chính là cách mà Disney sử dụng để luôn có thể níu giữ người xem ở mọi thế hệ, mọi lứa tuổi.

Cách kể câu chuyện kinh điển thường hay được dùng để khám phá những khả năng của nhân vật. Ngay cả khi đề cập đến sự hy sinh bản thân, thì đó cũng là kết quả của sự lựa chọn mà nhân vật tự ra quyết định.[87, tr. 69]

Sự liên kết chặt chẽ giữa các mảng nhân vật với nhau thông qua các hành động của họ, cách họ đặt ra mục tiêu và cách họ vượt qua mọi trở ngại để đi đến mục tiêu gợi trí tò mò, sự ngạc nhiên và sự đồng cảm của người xem.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghệ thuật xây dựng nhân vật phim truyện hoạt hình walt disney (Trang 79 - 83)