Nhằm đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực thi đúng mục đích, hiệu quả, kiểm soát quyền lực nhà nước bao hàm các nội dung sau:
Thứ nhất, kiểm soát phạm vi hoạt động của quyền lực nhà nước. Vì
quyền lực nhà nước là quyền lực ủy thác nên trước hết chủ thể quyền lực có quyền kiểm soát đối với quyền lực nhà nước về phạm vi tác động của quyền
lực. Nhân dân chỉ ủy quyền cho nhà nước trong một phạm vi xác định, vì thế quyền lực nhà nước chỉ được sử dụng cho những phạm vi đã được ủy quyền này. Nội dung kiểm soát này giữ cho quyền lực nhà nước hoạt động trong đúng phạm vi quy định. Chẳng hạn, quyền lực nhà nước không được xâm phạm các quyền cơ bản của con người (Đạo luật về các quyền), can thiệp vào đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, về tự do và bí mật thư tín, về tín ngưỡng tôn giáo.
Thứ hai, kiểm soát quá trình thông qua và sửa đổi hiến pháp: bao gồm
cách thức, quy trình hình thành hiến pháp, điều chỉnh, sửa đổi hiến pháp. Vì hiến pháp được coi là bản khế ước giao kèo của nhân dân với nhà nước khi nhân dân ủy quyền cho nhà nước thực thi quyền lực của mình nên nhân dân có quyền kiểm soát bản khế ước này để: 1) đảm bảo việc thông qua hiến pháp, sửa đổi hiến pháp theo đúng quy trình dân chủ; 2) đảm bảo hiến pháp phản ánh được ý nguyện, lợi ích của nhân dân; không có điều khoản nào đi ngược lại, xâm phạm đến ích của cá nhân, nhân dân trong xã hội.
Thứ ba, kiểm soát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trên các
phương diện sau:
- Kiểm soát cách thức tổ chức bộ máy nhà nước nhằm đảm bảo sự tuân thủ đúng các quy định của Hiến pháp và khả năng vận hành hiệu quả trên thực tế.
- Kiểm soát hoạt động hoạch định chính sách của nhà nước đảm bảo quá trình ra chính sách của nhà nước tuân thủ những quy trình, thủ tục quy định trong Hiến pháp và các đạo luật; đảm bảo hiệu quả của hoạt động ra chính sách.
- Kiểm soát các chính sách, quy định của nhà nước nhằm ngăn chặn, loại bỏ chính sách, quy định trái với Hiến pháp và các đạo luật, vi phạm đến quyền và lợi ích của công dân; các chính sách không phù hợp với thực tiễn,
không có tính khả thi hoặc hiệu quả kém cũng phải được điều chỉnh, sửa đổi hoặc loại bỏ.
- Kiểm soát hoạt động thực thi chính sách của nhà nước nhằm đảm bảo hoạt động đó tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành chính để hoạt động của các cơ quan này tuân thủ đúng thủ thục hành chính; tòa án phải xét xử theo đúng thủ tục tố tụng… Đó còn là sự kiểm soát của các cơ quan chức năng của nhà nước để ngăn chặn, loại bỏ những hoạt động, hành vi sai trái hoặc kém hiệu quả của nhà nước.
Thứ tư, kiểm soát những người thực thi quyền lực nhà nước dưới hai
khía cạnh:
- Kiểm soát quy trình lựa chọn những người đảm nhiệm các công việc của nhà nước. Chẳng hạn, kiểm soát quy trình bầu cử và bổ nhiệm cán bộ nhà nước nhằm đảm bảo quy trình đó tuân thủ theo quy định của hiến pháp, các đạo luật, quy định; đồng thời đáp ứng yêu cầu lựa chọn những người có đủ khả năng, phẩm chất để thực thi hiệu quả công việc của nhà nước.
- Kiểm soát hoạt động của các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước theo quy định của hiến pháp, các đạo luật, những cam kết chính trị, đạo đức khi ở cương vị là người thực thi quyền lực nhà nước.