Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất cây trồng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm vi khuẩn có ích Bacillus trong sản xuất lạc ở Quảng Nam (Trang 36 - 37)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.2.3. Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất cây trồng

Phòng trừ sinh học bệnh cây bằng cách sử dụng vi sinh vật có lợi, quan trọng trong đó là các vi khuẩn vùng rễ, đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường sinh thái, triển vọng trong thay thế cho biện pháp hóa học (Gnanamanickam, 2009) [77]. Ở nước ta, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, đã chỉ rõ chiến lược bảo vệ thực vật theo hướng sinh học và phòng trừ sinh học là hướng chủ đạo trong công tác bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó “trồng cây khỏe” là bước đầu tiên trong công tác BVTV. Để cây trồng được khỏe, cần quan tâm đến sức khỏe của bộ rễ. Từ sau công bố của Hiltner, nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt cơ sở và thực tiễn đã được công bố, theo đó khẳng định vai trò quan trọng của các vi sinh vật có lợi ở vùng rễ trong bảo vệ sức khỏe cho cây trồng thân thiện với sinh thái và thuật ngữ PGPR (plant growth promontory rhizobacteria) được dùng để chỉ là vi khuẩn vùng rễ kích thích tăng trưởng thực vật (Kloepper và cs, 1980) [90].

Hiệu quả của vi sinh vật trong việc làm tăng khả năng sinh trưởng phát triển cây trồng, hạn chế sử dụng phân bón hoá học cũng như tăng năng suất, chất lượng nông sản đã được khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới. Gần đây, hướng khai thác PGPR nhằm thay thế cho hóa chất nông nghiệp được quan tâm hơn, nhằm giúp giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc BVTV, giảm chi phí đầu tư nên cho lợi ích về kinh tế và môi trường (Akhtar và Siddiqui, 2010; Gupta và cs, 2015) [54], [80], giúp cây trồng chống chịu tốt hơn với điều kiện môi trường khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu (Babalola, 2010) [56] là công cụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững (Gupta và cs, 2015) [80]. Ví dụ: Chế phẩm Nitragin, Azotobacterin chứa các vi sinh vật có khả năng cố định đạm (Hamdi, 1982) [82]. Chế phẩm Photphobacterin chứa các vi sinh vật có khả năng phân giải lân khó tan trong đất hoặc các chế phẩm nấm rễ, chế phẩm tảo lam.

Hiện nay, việc ứng dụng các vi sinh vật để bảo vệ cây trồng đang được quan tâm vì nó ít gây độc hại và đảm bảo cân bằng sinh thái; Có thể kể đến một số các chế phẩm sau: Virus gây bệnh cho côn trùng, vi khuẩn gây bệnh cho côn trùng và chuột, vi sinh vật đối kháng. Người ta đã sản xuất được chế phẩm để trừ sâu xanh, sâu róm thông bằng cách làm cho sâu ngừng ăn, ít hoạt động, trương phù; Một số chế phẩm từ vi khuẩn gây bệnh cho côn trùng và chuột như chế phẩm Bt để trừ sâu tơ, sâu xanh

bướm trắng hại rau hoặc chế phẩm Biorat, chế phẩm Miroca để gây bệnh đường ruột cho chuột. Ngoài việc ứng dụng các vi sinh vật gây bệnh cho côn trùng và dịch hại như trên, người ta đã nghiên cứu tìm ra các loài nấm, các loài vi khuẩn, các loài virus đối kháng với các vi sinh vật gây bệnh hoặc cỏ dại tức là khi có mặt những loài vi sinh vật này thì các vi sinh vật gây bệnh mà đối kháng với chúng sẽ không phát sinh, phát triển được. Ví dụ: Sử dụng nấm Penicillium (các loài Penicillium oxalicum, Penicillium frequentans, Penicillium vermiculatum, Penicillium nigricans, Penicillium chrysogetum) để đối kháng với các nấm Pythium spp. Rhizoctonia solani, Sclerotium cepivorum, Vertcillium alboatrum; Sử dụng vi khuẩn Steptomyces griseoviridy để đối kháng với bệnh nấm Fusarium.

Tuy nhiên, biện pháp sinh học cũng có một số nhược điểm như phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu khi áp dụng, các chế phẩm sinh học thường có thời gian bảo quản không dài, giá thành sản xuất cao. Bên cạnh đó, biện pháp này có thể cần thời gian mới phát huy hiệu quả trong quản lý bệnh (Lê Như Cương và cs, 2018) [13]. Vì vậy nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất cây trồng là cần thiết.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm vi khuẩn có ích Bacillus trong sản xuất lạc ở Quảng Nam (Trang 36 - 37)