Phần 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.4. Nghiên cứu trong nước và ngoài nước
2.4.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Theo Luthgen (1981) bệnh Newcastle là bệnh truyền nhiễm của loài cầm. Vì thế loài chim hoang dã cũng có thể cảm nhiễm và là nguồn lây lan dịch bệnh. Các thể bệnh ở chim hoang dã không khác gì các thể bệnh ở gà. Theo tác giả, trong số 117 loài chim hoang dã mà ông đã nghiên cứu thì có 17 loài bị nhiễm virus Newcastle và khẳng định phần lớn trong số chúng đã tiếp xúc với gà đã nhiễm bệnh.
Tại Mehico, Estudillo (1972) [25] đã mô tả một ổ dịch Newcastle ở gà mà gà lôi, gà Nhật, công, vẹt và chim yến cũng bị lây bệnh và có triệu chứng thần kinh Mousa và cs (1988) [31], tại vùng Assout, đã chứng minh chim hoang dã có vai trò truyền lây virus Newcastle cho gà. Kiểm tra kháng thể Newcastle trong huyết thanh của 180 chim bồ câu, 6 chim đầu rìu, 5 chim cú và 12 chim chìa vôi bẫy được thấy có 46 con có kháng thể và phân lập được 6 chủng Newcastle, trong đó 4 chủng gây bệnh nhẹ cho gà, 1 chủng gây bệnh trung bình và 1 chủng gây bệnh nặng, gây chết gà.
Tại Baghda, kết quả phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu gà của Jumaily và cs (1989) cho thấy trong số 341 mẫu huyết thanh của 5 loài chim hoang dã được kiểm tra, một tỷ lệ nhất định có hiệu giá kháng thể dao động từ 1/2 đến 1/128. Năm 1990, tại Su đăng, Kalafalla đã gây nhiễm chủng virus Newcastle hướng nội tạng cho 5 loài chim trời. Kết quả: tỷ lệ chết của loài chim Durra và chim Rosyfire là 100%, của chim sẻ là 62,5 %, chim Weaver là 12,5%. Bệnh tích đặc trưng ở những loài chim này là xuất huyết dạ dày tuyến.
Theo Vindevolgel (1997) [38], khảo sát 236 loài chim hoang dã nhiễm bệnh Newcastle tự nhiên hay gây bệnh thí nghiệm, thấy rằng bệnh biểu hiện nghiêm trọng ở đường tiêu hóa, có hoặc không có triệu chứng thần kinh. đồng thời tác giả cũng đã chứng minh được chim di cư bị bệnh tự nhiên, trong quá trình sinh sản cũng đã truyền kháng thể cho đời con của chúng qua lòng đỏ trứng.
Năm 1987, ở Canada, Ide P.R lần đầu tiên phân lập được virus Newcastle từ 6 đàn bồ câu vùng Ontario, Alberta và British Colombia. Ông đem chủng này tiêm truyền liên tục 4 lần cho gà 4-6 tuần tuổi nhưng không thể hiện triệu chứng của bệnh và xác định chủng này thuộc nhóm Lentogen.
Cũng vào năm 1987, Pearson J.E và cs đã sử dụng kháng thể đơn dòng để xác định chủng virus phân lập từ bồ câu bị liệt, vẹo cổ, mất thăng bằng trong lúc vận động và bị chết. Ông dùng chủng virus này tiêm vào não gà con và xác định được chỉ số ICPI của chủng virus này nằm trong nhóm Velogen. Trong số 6 chủng phân lập đựơc có 4 chủng tác động gây bệnh cho gà 6 tuần tuổi theo hướng thần kinh. Kết quả nghiên cứu bệnh Newcastle ở chim bồ câu của Alexander và cs (1986) [17], Estudillo (1972) [25]: Tỷ lệ mắc bệnh 30- 70% nhưng tỷ lệ chết không cao, tối đa 10%. Thời gian nung bệnh ngắn, thường từ vài ngày đến vài tuần. Các triệu chứng thần kinh (run rẩy, ngẹo cổ, vận động mất thăng bằng) là rõ nhất. Nhiều trường hợp bồ câu bị ỉa chảy, một số trường hợp thể hiện triệu chứng hô hấp, viêm mũi, viêm kết mạc mắt.
Theo Duchatel (1985) [24], Vindevolgel (1988) [37], có thể dùng vacxin chủng Lasota, B1 nhỏ mắt, nhỏ mũi hoặc phun sương để phòng bệnh cho bồ câu nhưng độ dài miễn dịch không quá 2 tháng.
So với gà, chim cút ít mẫn cảm với virus Newcastle hơn. Nếu bị nhiễm chủng virus có độc lực cao thì chim cút thể hiện rõ triệu chứng thở khó, liệt chân, liệt cánh, sưng mí mắt, ỉa chảy phân xanh, đôi khi lẫn máu. Tỷ lệ chết
rất cao: chim cút hậu bị có thể tới 90%, chim cút trưởng thành 50% (Sharaway, 1994).
Flanagan M. (1990) [26], gây nhiễm chủng virus Newcastle thể nội tạng cho gà không có kháng thể trong huyết thanh và đã phân lập lại được virus từ các cơ quan tổ chức. Nhưng vẫn chủng virus này, nếu gây nhiễm cho gà có kháng thể trong huyết thanh thì thường chỉ phân lập lại được virus từ dạ dầy tuyến, nang lympho manh tràng, túi fabricius và não.
Theo Arzey G (1990) [21], người chăn nuôi, người buôn bán gà sống, thịt gà, trứng gà và rất nhiều động vật: chim hoang dã, bồ câu, chim cảnh, côn trùng, ngoại ký sinh trùng, loài gặm nhấm đóng vai trò là nhân tố trung gian truyền bệnh Newcastle.
Khảo sát kháng thể Newcastle ở người, Suarez- Hernander M. (1987) [36] cho biết: 26,3% số người trực tiếp và 47,8% số người gián tiếp chăn nuôi có kết quả dương tính. Người thường bị viêm kết mạc mắt, viêm các hạch lympho ngoại biên, trường hợp nặng có thể gây khó thở. Trẻ em có thể bị viêm não và màng não. Bệnh Newcastle có thể lây từ gà sang người, virus lúc đầu xâm nhập vào mắt sau đó lan sang các cơ quan khác (Paparella V. và cs 1987).
Tại Bangladesh, Saifuddin M.D và cs (1990) [34] đã dùng phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu kiểm tra đáp ứng miễn dịch của gà được phòng bệnh Newcastle bằng các loại vacxin. Kết quả: Gà con 1 ngày tuổi cho uống vacxin B1, sau 1 tuần đã có kháng thể trong huyết thanh, lượng kháng thể tăng dần đến 3 tuần tuổi, sau đó giảm dần và không còn khi gà 9 tuần tuổi. Nếu phòng cho gà lần 2 khi gà được 5, 7 hay 8 tuần tuổi bằng vacxin chủng Kamarov thì sau 3 tuần hiệu giá kháng thể đạt rất cao (80-640) và gà được bảo hộ khi công cường độc.
Gà 1 ngày tuổi tiêm vacxin Marek, 7 ngày sau cho uống vacxin B1 hoặc Lasota. Sau 21 ngày kiểm tra thấy hiệu giá kháng thể thấp hơn so với ở gà không được tiêm vacxin Marek lúc 1 ngày tuổi (Bassiouni A.A và cs 1987).
Guler E, (1989) [27] đã khảo sát hiệu giá kháng thể trong huyết thanh và trong lòng đỏ trứng của 20 gà đẻ sau khi đã được uống 4-5 lần vacxin Lasota và B1, kết quả cho thấy hiệu giá kháng thể trong lòng đỏ trứng có dao động và luôn thấp hơn kháng thể trong huyêt thanh, trong khi hiệu giá kháng thể trong huyết thanh vẫn ổn định ở mức cao.
Tại Malaysia, Ibrahim A.L, và cs (1987) [29], trộn vacxin V4 vào thức ăn và cho gà ăn 2 lần trong 3 tuần. Sau đó thử thách bằng chủng virus Newcastle cường độc, kết quả 60% số gà được bảo hộ. Trong suốt cả năm sau, gà con của những đàn đã được phòng bằng vacxin V4 không có trường hợp nào bị bệnh.
Tại Australia, Spradbrow (1987) [35], kiểm tra hiệu giá kháng thể trong huyết thanh của gà sau khi ăn viên thức ăn có chứa vacxin V4, liên tục 2 tuần, thấy hiệu giá kháng thể rất cao. Kiểm tra huyết thanh của những gà tiếp xúc với đàn gà được ăn thức ăn có chứa vacxin V4 trong 2 tuần đã phát hiện được kháng thể Newcastle. điều này khẳng định virus vacxin V4 có khả năng truyền ngang.