VI. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ
2. Những tồn tại, hạn chế
2.1. Báo chí chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng KT-XH của tỉnh
- Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác chuyên môn còn bất cập với yêu cầu, ảnh hưởng không ít đến chất lượng, hình thức thông tin báo chí. Hạ tầng công nghệ - kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ, tương thích với yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của độc giả, khán thính giả. Nhiều thiết bị cũ, lạc hậu. So với mặt bằng chung khu vực trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, chất lượng phát sóng các chương trình PT-TH còn hạn chế cả về hình ảnh, âm thanh. Đài chưa có khả năng sản xuất chương trình Game show, các chương trình thu hút nhiều khán giả, phim truyện... Các chức danh để tăng tính chuyên nghiệp trong sản xuất chương trình như đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ chưa có.
- Báo chí thuộc lĩnh vực chính trị - tư tưởng, nên việc trang bị kiến thức về lý luận chính trị cho cán bộ phóng viên, biên tập viên rất quan trọng. Tuy nhiên, chưa được cơ quan Báo, Đài quan tâm, số lượng phòng viên, biên tập viên có trình độ lý luận từ trung cấp đến cử nhân rất ít.
- Tính chiến đấu, phản biện báo chí đã được coi trọng song chưa thật mạnh mẽ và thường xuyên. Những bài viết có tầm tổng kết, phát hiện vấn đề, tham mưu cho công tác chỉ đạo, hoạch định chính sách của tỉnh chưa nhiều. Thông tin trên báo, đài chưa thật phong phú, có lúc còn chậm so với yêu cầu thời sự. Nội dung một số tin, bài chưa sâu, chưa cung cấp đầy đủ những thông tin mà bạn đọc quan tâm; mới chủ yếu là phản ánh, chưa có nhiều tin, bài, mang tính phát hiện, chủ động định hướng dư luận, tổng kết kinh nghiệm. Hình thức thông tin còn đơn điệu, chưa hấp dẫn người xem, người nghe.
- Đối tượng bạn đọc của Báo Vĩnh Phúc chưa đa dạng, chủ yếu là cán bộ công chức, đảng viên, cán bộ hưu trí; chưa thu hút được nhiều bạn đọc thuộc các thành phần xã hội khác.
- Chế độ nhuận bút còn thấp, chưa khuyến khích, động viên tác giả hăng say sáng tạo, đầu tư chiều sâu cho tác phẩm báo chí. Chế độ chính sách về biên chế, lao động, tài chính cho các cơ quan báo chí chưa thoả đáng với đặc thù, yêu cầu của nghề nghiệp.
- Đa số Đài Truyền thanh nghiệp vụ còn thấp. Máy móc, trang thiết bị làm chương trình, thiết bị phát sóng, lạc hậu, xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí bất cập so với cường độ hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ. Đa số cán bộ là kiêm nhiệm nên nội dung, kỹ thuật, chuyên môn còn hạn chế, ít được đào tạo. Hầu hết Đài Truyền thanh cơ sở không làm được thu thanh, phỏng vấn trực tiếp nên tình trạng đọc “chay”, viết “chay” còn phổ biến.
- Phần lớn bản tin xuất bản còn nghèo, hạn chế về chất lượng nội dung, hiệu quả tuyên truyền. Thông tin đơn điệu, trùng lặp, diện phát hành hẹp.
- Một số trang TTĐTTH chưa đăng đủ các thông tin chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc trích dẫn thông tin mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Nguồn nhân lực báo chí Vĩnh Phúc thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng: thiếu các phóng viên, biên tập viên giỏi, nhạy bén, sắc sảo, có trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thiếu các chức danh nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí như họa sỹ, nhạc sỹ, đạo diễn. Tỉnh chưa xây dựng được định biên nhân sự cho các cơ quan báo chí dẫn đến sự mất cân đối trong bộ máy nguồn nhân lực, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, tái đào tạo, đào tạo nâng cao lúng túng trong thời gian dài.
- Công tác kiểm duyệt nội dung thông tin trên hệ thống truyền thanh xã chưa được coi trọng.
2.2. Công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động Báo chí còn hạn chế, bất cập
- Chính sách, pháp luật về lĩnh vực này chậm được sửa đổi, bổ sung cụ thể hoá. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Báo chí còn thiếu và yếu về năng lực tham mưu, tổng hợp, tổ chức thực hiện.
- Công tác quản lý Báo chí trên địa bàn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, toàn diện, ở cả cấp tỉnh, cấp huyện.
- Quản lý về TTĐT còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển; gặp nhiều khó khăn do hành lang pháp lý còn thiếu, phần lớn chưa xử lý được tận gốc; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ, kịp thời.