“Việt Nam từng được A.T Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhất thế giới” (ndh.vn). Chính bởi vậy, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền và các doanh nghiệp cần phải có những giải pháp thiết thực để hàng nội có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước cực kỳ tiềm năng.
5.4.1. Đối với nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền
Nhà nước cần tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ đến mức tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong cam kết quốc tế. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần hạn chế tối đa việc xem xét, cấp phép cho cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp FDI được bán lẻ những mặt hàng ta không cam kết. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cá nhân, tổ chức nào buôn bán những mặt hàng kém chất lượng phải bị xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho hàng Việt Nam chất lượng cao. Các đơn vị truyền thông cần tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối để vừa quảng bá hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng, vừa định hướng cho người tiêu dùng. Muốn vậy, các cơ quan truyền thông cần có kế hoạch truyền thông thật bài bản và sâu rộng. Nội
dung truyền thông cần giúp người dân hiểu hơn về hàng hóa Việt Nam và giúp người dân nhận thức được rằng mua sắm hàng hóa Việt Nam là đã đóng góp một phần cho đất nước.
Theo kết quả nghiên cứu, vị chủng tiêu dùng có ảnh hưởng tích cực mạnh mẽ đến hành vi mua hàng nội của người tiêu dùng tại Việt Nam. Vậy nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tính vị chủng tiêu dùng tại Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình. Chính bởi vậy, Nhà nước cũng như các cơ quan ban ngành cần phải triển khai các biện pháp để nâng cao tính vị chủng của người tiêu dùng trong nước. Các cuộc vận động, các chương trình tôn vinh hàng Việt, khuyến khích mua hàng Việt cần được mở rộng nhằm góp phần khích lệ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao tính vị chủng tiêu dùng cho người Việt.
Được thực hiện từ năm 2014, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã phần nào giúp người tiêu dùng Việt Nam nhận thức được mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn cần phải đẩy mạnh cuộc vận động để thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt, phấn đấu hướng tới “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - tự hào hàng Việt Nam” của Bộ Công thương được tổ chức từ năm 2016 cũng là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực để khích lệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước. Bộ Công thương cần tiếp tục duy trì, phát triển chương trình này để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Từ đó, người Việt sẽ tin tưởng và sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
5.4.2. Đối với các tổ chức, hiệp hội
Các tổ chức, hiệp hội tiêu biểu như “Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao” cũng cần góp sức trong công cuộc thúc đẩy tiêu dùng hàng nội. Hàng năm, hội đều tổ chức một cuộc điều tra, bình chọn để trao chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn. Hội vẫn cần phải siết chặt hơn trong công tác quản lý và trao chứng nhận, tránh trường hợp các doanh nghiệp chưa đạt đủ các tiêu chí mà vẫn được vinh danh, gây xói mòn lòng tin của người tiêu dùng đối với
hàng trong nước. Hội cũng cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quảng bá, truyền thông để nâng cao giá trị của chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Điều này không chỉ mang lại niềm tự hào cho các doanh nghiệp đã được công nhận, mà còn giúp cho người tiêu dùng thêm tin tưởng vào những mặt hàng trong nước đã được công nhận về chất lượng. Từ đó, hành vi tiêu dùng sẽ dần được thay đổi theo hướng tích cực mua hàng nội.
“Cộng đồng đánh giá & Mua sắm Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã bắt kịp xu hướng mới khi quảng bá và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt trên trang web dunghangviet.vn và fanpage “Dùng Hàng Việt”. Tuy nhiên, thông tin trên các trang này ít được cập nhật, chưa thu hút được nhiều người quan tâm. Trong thời đại công nghệ hiện nay, các trang thông tin điện tử như vậy cần được đầu tư phát triển, bổ sung liên tục các thông tin bổ ích, thú vị về hàng Việt Nam để nâng cao độ phủ sóng và thu hút một lượng lớn người tiêu dùng trẻ quan tâm đến hàng nội địa.
5.4.3. Đối với các doanh nghiệp trong nước
Trong công cuộc kích thích hành vi mua hàng Việt, các doanh nghiệp nội địa phải luôn chủ động tự nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, chủ nghĩa vật chất cũng có tác động nhất định đến hành vi mua hàng nội. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng chủ nghĩa vật chất, nắm bắt phong cách sống, nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời mang đến thị trường những sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Các doanh nghiệp cũng nên chú ý đầu tư thiết bị công nghệ mới, tiết giảm chi phí đầu vào, cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa để tạo ra các dòng sản phẩm có chất lượng tốt, không thua kém hàng ngoại nhập.
Doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Nhà nước để nâng cao vị thế hàng nội. Tích cực và chủ động hơn trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hướng tới chuyển dần các hoạt động đi vào chiều sâu, bền vững và lâu dài để phát huy hiệu quả của cuộc vận động. Việc tham gia các hội trợ, triển lãm hàng tiêu dùng cũng đạt được nhiều kết quả tốt. Qua các hội chợ, người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp các thương hiệu Việt Nam, nắm bắt được thông tin để so sánh, đánh giá chất lượng hàng Việt. Người tiêu dùng Việt luôn sẵn sàng ủng hộ hàng trong nước nếu hàng trong nước có thể thuyết
phục người tiêu dùng bằng chính chất lượng sản phẩm của mình. Tính vị chủng tiêu dùng có thể tăng hoặc giảm đi tùy thuộc vào môi trường, và trong thị trường ngày nay người tiêu dùng có tính vị chủng cao cũng sẽ có xu hướng lựa chọn hàng nội hơn nếu chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại nhập không chênh lệch quá nhiều.
Bên cạnh việc sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ để xây dựng các chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng nội được tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn, thuận tiện hơn. Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có tiềm lực và thương hiệu đủ mạnh nên đứng ra để tập hợp, liên kết các cửa hàng đơn lẻ, hỗ trợ các cửa hàng đó nâng cấp trang thiết bị, thay đổi phương thức quản lý và cung cách phục vụ để hướng tới xây dựng các chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua phương thức đầu tư trực tiếp hoặc nhượng quyền thương hiệu.
Doanh nghiệp trong nước rất cần giữ uy tín đối với người tiêu dùng. Vào đầu năm 2016, Công ty TNHH Saigon Ve Wong bị phát hiện nhập bột ngọt từ Trung Quốc, Thái Lan để đóng gói bao bì với nhiều kích cỡ nhỏ hơn để bán ra thị trường với thương hiệu A-one - bột ngọt sản xuất tại Việt Nam. Cuối năm 2017 vừa qua, Khaisilk – một cơ sở uy tín bậc nhất trong lĩnh vực tơ tằm và dệt thủ công của Việt Nam cũng mới bị phát hiện nhập khăn lụa Trung Quốc về cắt mác “Made in China” để gắn mác “Made in Vietnam”. Những trường hợp như vậy đã khiến cho niềm tin của người Việt dành cho hàng trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một khi người tiêu dùng phát hiện ra sản phẩm không được như cam kết của doanh nghiệp, người tiêu dùng quay lưng với doanh nghiệp đó. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần phải giữ quy tắc nghiêm ngặt trong sản xuất, giữ chữ “tín” bằng cách luôn cung cấp cho thị trường những sản phẩm “Made in Vietnam” thực sự có chất lượng tốt, xứng đáng với sự tin dùng hàng Việt của người dân.
Trên thị trường, hàng hóa nhập khẩu thường có chất lượng khá tốt, lại có sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhờ các chương trình quảng bá chuyên nghiệp từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt cũng cần chú trọng nhiều hơn vào việc quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình tiếp thị hiệu quả. Biti’s đã rất thành công trong việc nâng tầm thương hiệu giày Việt sau khi chi gần 3 tỉ đồng cho “chiến lược Hunter”, kết hợp với những ca sĩ cực nổi tiếng đối với các bạn trẻ là Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn để quảng cáo giày Biti’s Hunter. Sau chiến dịch, Biti’s đã bán sạch Hunter,
đạt 300% mục tiêu đề ra. Biti’s đã lấy lại được vị thế của giày Việt trong tâm trí người tiêu dùng khi đặt cạnh bên những tên tuổi lớn như Nike, Adidas. Juno cũng là một thương hiệu giày Việt đã đầu tư rất bài bản cho các chương trình tiếp thị khi liên tục kết hợp với các ngôi sao hàng đầu để quảng bá sản phẩm giày thời trang nữ của mình. Tóm lại, các doanh nghiệp trong nước cần không ngừng học hỏi, sáng tạo để xây dựng các chiến dịch tiếp thị hiệu quả, đúng thị hiếu của người tiêu dùng. Thông qua các chương trình quảng cáo sản phẩm, giá trị của Việt cũng sẽ được nâng cao, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ tin tưởng và chọn mua hàng trong nước nhiều hơn.