6. Kết cấu của luận án
1.5. Khoảng trống nghiên cứu
Thông qua phần tổng quan nghiên cứu được thực hiện trước đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có thể thấy sai sót BCTC và các nhân tố ảnh hưởng đến sai sót BCTC là một trong những chủ đề được rất nhiều nhà nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên qua việc tổng quan các công trình nghiên cứu trước đây về chủ đề này cho thấy mỗi nghiên cứu có hướng tiếp cận khác nhau và hầu hết các nghiên cứu tiếp cận theo quy trình các nghiên cứu trước, dựa vào lý thuyết nền tảng và đặc điểm kinh tế xã hội của mỗi quốc gia để xây dựng
mô hình và kiểm định mô hình. Ngoài ra các nghiên cứu ở nước ngoài tập trung vào dữ liệu gian lận BCTC đã được nhận diện bởi cơ quan pháp lý (chẳng hạn như ở Mỹ, gian lận và sai sót BCTC được tổng hợp và công bố rộng rãi hàng năm bởi cơ quan công quyền có liên quan hoặc các hiệp hội để cung cấp thông tin cho công chúng). Các nghiên cứu cũng tập trung vào một nhóm nhân tố nào đó của quản trị công ty, đặc điểm công ty. Kết quả các nghiên cứu cũng cho thấy có khác nhau ít nhiều (nhân tố ảnh hưởng) do đặc điểm, thực tế quản trị công ty ở các nước có khác nhau. Trong khi đó, nghiên cứu ở Việt Nam về chủ đề này cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhưng các nghiên cứu cũng chỉ mới khai thác một vài yếu tố của quản trị công ty đến sai sót BCTC. Các nghiên cứu ở Việt Nam đều được thực hiện trên mẫu có kích thước nhỏ, ít quan sát theo thời gian, và cho kết quả chưa thống nhất về nhân tố ảnh hưởng, như nghiên cứu của Nguyễn Công Phương và Lâm Xuân Đào [86], của Trần Thị Giang Tân và Trương Thùy Dương [120], của Trần Thị Giang Tân và cộng sự [119].
Kết quả nghiên cứu trước đây trong và ngoài nước ngụ ý rằng, đặc điểm riêng có của quản trị công ty ở mỗi quốc gia (do khác biệt về pháp lý, môi trường, về nhận thức và phương pháp quản trị công ty...) có thể làm sai lệch phần nào ảnh hưởng của các thuộc tính quản trị công ty đến sai sót BCTC. Về thiết kế nghiên cứu, các nghiên cứu ở nước ngoài tập trung khai thác dữ liệu gian lận BCTC đã được nhận diện, một số ít hơn nghiên cứu xem xét sai sót BCTC. Với các nghiên cứu khởi đầu trong nước, phương pháp nghiên cứu chưa thể hiện được cách tiếp cận tốt do mẫu hạn chế, quan sát thường trong một năm hoặc một vài năm, chỉ xem xét một vài nhân tố quản trị công ty, và đặc biệt, chưa có nghiên cứu nào trong nước mô tả, so sánh thực trạng sai sót BCTC của toàn bộ công ty niêm yết trong nhiều năm. Từ những vấn đề còn bỏ ngỏ trên, luận án sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu; qua đó cung cấp kết quả có tính thuyết phục hơn về chủ đề sai sót BCTC.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 1
Tổng lược, phân tích từ các lý thuyết và các nghiên cứu dựa vào chủ đề sai sót BCTC cho thấy chủ đề này có sức thu hút lớn đối với cộng đồng các nhà khoa học, các nhà quản lý nhằm tìm kiếm và giải thích hành vi gian lận BCTC của các công ty. Nhìn chung, các nghiên cứu đã tiếp cận theo các góc độ khác nhau, dựa vào một hoặc kết hợp nhiều lý thuyết liên quan đến sai sót nhằm làm rõ hơn bản chất, nguyên nhân của sai sót BCTC. Xét về vận dụng lý thuyết nền để giải thích, các nghiên cứu tập trung khai thác hai xu hướng: i) nghiên cứu dựa vào lý thuyết tam giác gian lận, nhằm giải thích hành vi sai sót BCTC của công ty thông qua ba khía cạnh: áp lực, cơ hội và sự biện minh cho hành vi gian lận; ii) nghiên cứu dựa vào lý thuyết quản trị công ty, trọng tâm là lý thuyết đại diện, lý thuyết cổ đông, nhằm giải thích sai sót BCTC của các công ty thông qua cơ chế giám sát của HĐQT công ty. Kết quả nghiên cứu ở cả hai hướng đều chưa có sự thống nhất hoàn toàn, do khác biệt về thể chế quản trị công ty, do cách tiếp cận nghiên cứu. Từ đó, đặt ra vấn đề cần nghiên cứu thêm trong các bối cảnh đặc thù như ở Việt Nam.
Nội dung chương 1 tạo ra cơ sở lý thuyết nền cho việc thực hiện đánh giá thực trạng và giải thích nguyên nhân sai sót BCTC ở các công ty niêm yết ở Việt Nam. Cách tiếp cận của luận án dựa chủ yếu vào các lý thuyết và các nghiên cứu có liên quan về mối liên hệ giữa quản trị công ty và sai sót BCTC.
CHƢƠNG 2
THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
Chương thiết kế nghiên cứu trình bày giả thuyết và phương pháp nghiên cứu nhằm tìm kiếm bằng chứng sai sót BCTC của các công ty niêm yết. Cách tiếp cận của chương này xuất phát từ cơ sở lý thuyết nền đã được đề cập ở chương 1. Phù hợp với mục tiêu nghiên cứu, thiết kế quy trình nghiên cứu gồm hai nhánh. Thứ nhất, nghiên cứu mô tả, tổng hợp, so sánh hiện tượng sai sót BCTC, sử dụng các thống kê mô tả và so sánh nhằm đánh giá thực trạng sai sót BCTC của các công ty niêm yết trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016. Nhánh thứ hai là nghiên cứu giải thích nguyên nhân sai sót trọng yếu trong BCTC, dựa vào lý thuyết quản trị công ty, nhằm định lượng các nhân tố giải thích khả năng sai sót BCTC của các công ty niêm yết. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng dựa vào các khía cạnh của tam giác gian lận để đặt ra một số giả thuyết và giải thích kết quả nghiên cứu.
Kết cấu của chương này gồm ba nội dung. Nội dung thứ nhất trình bày khái quát khung nghiên cứu theo hai nhánh. Nội dung thứ hai trình bày nghiên cứu thực trạng sai sót BCTC (nhánh thứ nhất). Nghiên cứu giải thích sai sót BCTC thông qua các nhân tố thuộc quản trị công ty (nhánh thứ hai) được trình bày trong nội dung thứ ba.