7. Kết cấu của luận văn
3.1.1. Xu hướng phát triển ngành bia Việt Nam
Thị trường bia Việt Nam là một “mỏ vàng” không chỉ trong mắt người Việt mà cả bạn bè quốc tế. Không ở nhiều nơi trên thế giới, bạn có thể ngồi lề đường thưởng thức 1 ly bia hơi mát mẻ xua tan không khí nóng bức, tám chuyện trên trời dưới bể với bạn bè. Bia cũng được coi là đồ uống phổ thông nhất tại Việt nam.
Trong khi thị trường bia thế giới tương đối bão hòa khi có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khoảng 1%/năm thì thị trường bia Việt Nam lại đạt mức tăng trưởng kép cho giai đoạn 2009 – 2018 là 11%/năm. Năm 2009, tổng sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam chỉ đạt 2 tỷ lít với sản lượng tiêu thụ trung bình là 23,1 lít/người/năm. Đến năm 2018, sản lượng bia tiêu thụ đã tăng lên tới 4,2 tỷ lít, tăng 5,2% so với năm 2017, với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 44,1 lít/người/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước đã sản xuất 3,75 tỷ lít bia, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của hãng nghiên cứu Statista (Đức) thì người Việt chi khoảng 7,7 tỷ USD cho bia trong năm 2019 và có thể tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2025. Số liệu giúp không ít doanh nghiệp “hốt bạc”.
Do vậy, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 vừa được ban hành ngày 01/01/2020 số có thể coi là một đòn giáng nặng nề, có thể so sánh với luật thuế thuốc lá những năm 2000. Theo số liệu thống kê đầu năm 2020, tỷ lệ khách tại các quán ăn giảm từ 30 – 50% so với trung bình hàng năm. Sau quy định xử phạt được đánh giá là đủ sức răn đe đối với những người uống rượu bia lái xe, nhiều quán xá rơi vào tình trạng vắng vẻ, người dân cũng có xu hướng giảm uống bia rượu bên ngoài khiến các doanh nghiệp ngành bia rượu từ đây cũng bị tác động không hề nhỏ. Đây là rào cản không
chỉ với thị trường nội địa mà cả với các doanh nghiệp bia rượu nước ngoài đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Theo tổ chức Technavio, ngành bia thế giới đã chững lại với tốc độ tăng trưởng chậm 2% trong giai đoạn 2016 – 2020. Xu hướng có sự dịch chuyển sang các quốc gia đang phát triển với tiềm năng tăng trưởng chủ yếu đến từ Châu Á và Châu Phi. Xu hướng sử dụng bia thời gian tới sẽ thiên về phân khúc cao cấp, trào lưu bia thủ công và sử dụng các sản phẩm bia ít/không có cồn.
Biểu đồ 3.1. Dự báo tăng trưởng ngành bia Việt Nam 2025
(Nguồn: Euromonitor, BOS tổng hợp)
Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung trên thế giới. Theo Eurominitor International, tăng trưởng ngành bia của VN đã chững lại với CARG trong giai đoạn từ 2020 – 2025 sẽ giữ ở mức 6%. Tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng 4,9 tỷ lít.
Thứ nhất, xu hướng cao cấp hóa.
Cùng với sự tăng lên của thu nhập cũng như nhận thấy các tác hại rõ rệt của rượu, bia đến sức khỏe, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dịch sang những SP an toàn hơn, có nguồn gốc xuất xứ được đảm bảo về chất lượng, cũng như tâm lí “sính ngoại”, luôn tin tưởng hàng nước ngoài sẽ tốt hơn hàng nội địa dẫn đến xu hướng tiêu thụ chuyển sang dòng bia được nhập
khẩu từ các DN ngoài nước. Ngoài ra, nhu cầu được thể hiện vị thế, khẳng định thương hiệu cá nhân cũng là một xu thế chung và bia, rượu cũng chính là một trong những SP có thể chứng tỏ được đẳng cấp của người sử dụng.
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất trong số 11 nước khu vực Đông Nam Á. Lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng trung bình 6,6%/năm trong suốt 6 năm qua (toàn cầu tăng trưởng chỉ ở mức 0,2%). Đồng thời tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng thuộc hàng nhanh nhất Châu Á. Theo Nielsen và VBA, trong 2020 có khoảng 33 triệu người tiêu dùng dưới 30 tuổi thuộc tầng lớp trung lưu và chi tiêu xấp xỉ 173 tỷ USD. Một thị trường vừa lớn vừa có đà tăng trưởng, lại có sức mua mạnh như Việt Nam đã và đang là mảnh đất béo bở cho các hãng bia khai thác.
Thứ hai, xu hướng tiêu thụ các loại bia ít/không cồn.
Theo nghiên cứu của Nielsen, sau tính ổn định về công việc, mối quan tâm quan trọng tiếp theo đối với người dân Việt Nam là vấn đề sức khỏe, gần 80% người tiêu dùng quan tâm đến các SP tốt cho sức khỏe. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam đang đáng báo động, người dân đều cảm thấy lo lắng, e sợ khi sử dụng những SP phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người là ăn và uống.
Hình 3.1. Các vấn đề quan tâm của người Việt
Sự quan tâm của người Việt đối với sức khỏe sẽ tạo ra một xu hướng mới: xu hướng tiêu thụ các loại bia không cồn. Đây là loại bia đã tách cồn nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị bia, loại bia này đã rất phổ biến trên thế giới và đối tượng sử dụng cũng rất phong phú. KH của loại bia này thường là phụ nữ có sở thích uống bia nhưng không muốn bị quá say vì gây hại cho sức khỏe cũng như sắc đẹp. Đây cũng được xem là chìa khoá giúp tháo gỡ Nghị định 100 về sức khoẻ và an toàn lái xe hiện nay, bia không cồn hứa hẹn mở ra một tương lai đầy triển vọng cho ngành bia tại Việt Nam. Điểm hấp dẫn là phân khúc này còn khá non trẻ. Vì vậy, đây hẳn sẽ là đất diễn cho nhiều thương hiệu bia trong tương lai.
Tại Việt Nam hiện nay, có rất ít SP bia không cồn và cũng không nhiều người biết tới điển hình như: Bia Oettinger chay là dòng bia nhập khẩu từ Đức, bia Heineken tách cồn là một SP của Heineken và chỉ có duy nhất Sagota (thuộc công ty bia Sài Gòn Bình Tây) đang được sản xuất trong nước. Tuy tỷ trọng tiêu thụ của loại bia này còn thấp nhưng trong tương lai, SP này có thể là mối đe dọa đáng gờm cho các DN sản xuất bia truyền thống vì thị trường của loại bia này có thể rất rộng và có thể đáp ứng cho những thị trường mà các hãng bia hiện nay chưa làm được.
Thứ ba, theo “Quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035” của Bộ Công Thương, ngành phải được đầu tư trở thành một ngành có công nghệ sản xuất hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế.
Mục tiêu cụ thể:
Năm 2020, cả nước sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 35%); 6,8 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD.
Năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 40%); 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.
Năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 50%); 15,2 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD.
Giá trị sản xuất của ngành đến các năm 2020, 2025 và 2035 lần lượt đạt: 90.500 tỷ đồng, 113.540 tỷ đồng và 167.920 tỷ đồng.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của toàn ngành bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8 %/năm; giai đoạn 2021 - 2025 là 4,6 %/năm và giai đoạn 2026-2035 là 4,0%/năm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam phải có những SP cao cấp có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng. Các SP này cũng phải đủ sức cạnh tranh tốt trong quá trình hội nhập, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. “Việc này đòi hỏi các DN trong nước phải đầu tư thiết bị hiện đại, nghiên cứu thị trường để cho ra đời các SP tốt nhất, hợp với nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường”. Do vậy, các công ty trong nước phải đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và tăng mức tự động hóa để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.