VI. CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÌNH HÌNH THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ BHXH, BHYT, BHTN
3. Thực trạng xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN
3.1. Công tác thanh tra, kiểm tra
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường thanh tra, kiểm tra phối hợp giữa các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan, cụ thể: đã phối hợp với thanh tra ngành Lao động, ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Trong quá trình thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ của BHXH các tỉnh, thành phố; phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Năm 2017, qua công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra toàn ngành đã phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 88,2 tỷ đồng; 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 47,3 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là trên 2.776 tỷ đồng; số tiền nợ sau thanh tra, kiểm tra là 1.312 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác thanh tra, kiểm tra là 52,7%).
Đến hết tháng 8/2018 đã thanh tra, kiểm tra tại 11.759 đơn vị, trong đó thanh tra chuyên ngành tại 4.253 đơn vị; kiểm tra 5.038 đơn vị; thanh tra liên ngành là 2.465 đơn vị. Qua công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, đã phát hiện 24.589 lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền truy đóng là 53,5 tỷ đồng; 30.631 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 34,4 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là trên 1.575 tỷ đồng; số tiền nợ sau thanh tra, kiểm tra là 752,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chế tài xử phạt về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 vẫn còn ở mức thấp, nên chưa phát huy được hiệu quả. Tại điểm e khoản 3 Điều 57 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định đối với hành vi không đóng BHYT từ 1.000 người lao động trở lên mới bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt tối đa không quá 75.000.000đ đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH, BHTN cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHTN.
Theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, còn việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT là kiểm tra. Các hành vi vi phạm pháp luật trong
thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT của người lao động và chủ sử dụng lao động được nêu ở trên đều do cơ quan BHXH phát hiện ra thông qua công tác kiểm tra. Tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm mới chỉ dừng ở mức độ phát hiện sai sót, kiến nghị thu hồi và kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật, còn tình trạng kết luận sau kiểm tra của cơ quan BHXH không được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Các nội dung nghiệp vụ của ngành BHXH là một hệ thống quản lý lôgic từ khâu thu đóng đến quản lý, sử dụng quỹ và chi trả cho người thụ hưởng. Việc chỉ thực hiện chức năng thanh tra đóng không gắn với công tác chi trả gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, hạn chế đến kết quả thanh tra đóng và kết quả kiểm tra chi trả.