- Trên thế giới: Nghiên cứu của Seal Ac: Vào năm 2015 ước tính có 319000 trẻ bị nhiễm khuẩn do GBS, khoảng 205000 trẻ mắc bệnh khởi phát sớm và 114000 trẻ mắc bệnh khởi phát muộn. Có 90000 trẻ tử vong dưới 3 tháng tuổi, 7000 bị bệnh não sơ sinh. Khoảng 3,5 triệu ca sinh non có thể là do GBS. Phần lớn những thai phụ và sơ sinh nhiễm GBS thuộc Châu Phi. Vắc xin cho mẹ có hiệu quả 80%. Sử dụng vắc xin dự phòng có thể làm ngăn ngừa thai chết lưu và tử vong sơ sinh. Nghiên cứu không đề cập đến vấn đề điều trị kháng sinh dự phòng cho con khi thai phụ đã bị nhiễm GBS [51].
Phân tích của S. Li (2017) từ 13 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và 1 nghiên cứu thuần tập, có 2051 thai phụ và 2063 sơ sinh cho thấy điều trị kháng sinh dự phòng làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn sơ sinh nói chung,
giảm nhiễm khuẩn do GBS khởi phát sớm trong khi đó tỷ lệ nhiễm khuẩn sơ sinh do nhiễm GBS khởi phát muộn không thay đổi. Nghiên cứu cũng cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả dự phòng khi sử dụng ampicillin và penicillin. Việc sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa cũng làm tăng khả năng kháng kháng sinh giữa các chủng GBS, tần suất các chủng GBS kháng erythromycin tăng lên sau một năm. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa phân tích sâu các nhóm như tuổi mẹ, tuổi thai, điều kiện sống ảnh hưởng đến nhiễm GBS của thai phụ và sơ sinh [52].
Châu Âu: Nghiên cứu của C. Joubrel tại Pháp năm 2015 trên 438
trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn do GBS, có 174 trường hợp nhiễm khuẩn GBS khởi phát sớm và 264 trường hợp nhiễm khuẩn GBS khởi phát muộn. Nhiễm khuẩn GBS khởi phát sớm liên quan đến nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn GBS khởi phát muộn liên quan đến viêm màng não. Các thai phụ được sàng lọc nuôi cấy âm đạo ở tuần thai 34 - 38 tuần và được tiêm kháng sinh dự phòng, tỷ lệ nhiễm khuẩn sơ sinh do GBS giảm từ 1,8/1.000 ca sinh sống những năm 1990 xuống còn 0,26/1.000 ca sinh sống vào những năm gần đây. Tỷ lệ tử vong chung của nhiễm khuẩn do GBS xấp xỉ 10%; 40% sống sót sau viêm màng não để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn. Đây cũng là một trong số những nghiên cứu có thời gian theo dõi trẻ sinh ra do nhiễm GBS tương đối dài, đối tượng nghiên cứu chỉ tập trung ở những em bé bị nhiễm khuẩn do GBS chứ không đề cập đến các thai phụ nhiễm GBS và phương pháp dự phòng khi chuyển dạ [36].
Châu Á: Tại Trung Quốc, nghiên cứu của Jichang Chen trên 3439 thai
phụ cho thấy tỷ lệ nhiễm GBS ở thai phụ là 6,1%; Tỷ lệ nhiễm GBS ở sơ sinh là 0,7%; Tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 7,6%; Tỷ lệ nhiễm khuẩn do GBS khởi phát sớm là 0,58/1.000 ca sinh sống. Tuổi thai phụ dưới 40 tuổi và tình trạng dân tộc thiểu số làm gia tăng tỷ lệ nhiễm GBS một cách có ý nghĩa
thống kê. Những thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn khi mang thai, thời gian vỡ ối kéo dài, thời gian chuyển dạ lâu là những yếu tố nguy cơ cho nhiễm GBS ở trẻ được sinh ra. Hơn nữa, sơ sinh nhiễm GBS có nhiều khả năng được đưa vào khoa hồi sức sơ sinh với thời gian nằm viện dài hơn [53].
Nghiên cứu của Mubashir Ahmad Khan (2015) tại Ả Rập Saudi trên 1328 thai phụ, bệnh phẩm lấy từ âm đạo, tỷ lệ nhiễm GBS là 13,4%; Thai phụ có tuổi trên 40 có tỷ lệ nhiễm GBS cao hơn dưới 40, tuổi thai > 42 tuần có tỷ lệ nhiễm cao hơn 40 - 41 tuần và tỷ lệ nhiễm GBS ở những thai phụ sinh con > 5 lần cũng tăng lên. Kết quả nghiên cứu không nhận thấy thai phụ con so nào bị nhiễm GBS. Tất cả đều nhạy cảm với penicillin G, ampicillin và vancomycin.
Ở nghiên cứu này không đề cập đến các phương pháp điều trị dự phòng cho thai phụ để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do GBS khi trẻ được sinh ra [54].
Châu Mỹ: Nghiên cứu của Victoria Parente tại Mỹ trên 179818 trẻ sinh
ra sống, có 492 trẻ nhiễm GBS khởi phát sớm, tuổi mẹ < 18, chủng tộc da đen là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm GBS. Tuy nhiên nghiên cứu này thực hiện trên những trường hợp mẹ âm tính với sàng lọc GBS trước sinh do đó tỷ lệ sơ sinh nhiễm GBS và số trường hợp bị nhiễm khuẩn do GBS không cao [55].
Nghiên cứu của Edwards J. M trên 60029 thai phụ đến sinh tại một bệnh viện ở Mỹ từ năm 2003 - 2015, có 12952 (21,6%) thai phụ nhiễm GBS, tuổi của những thai phụ nhiễm GBS thấp hơn những thai phụ không nhiễm GBS, thai phụ da đen hoặc thai phụ người Mỹ gốc Phi có khả năng nhiễm GBS cao hơn thai phụ da trắng. Những thai phụ có tăng huyết áp, đái tháo đường từ trước, tiền sử hút thuốc lá có tỷ lệ nhiễm GBS cao hơn. Nghiên cứu không phân tích sâu về sử dụng kháng sinh dự phòng cho thai phụ, chỉ nêu lên lợi ích có thêm khi sử dụng vắc xin [56].
Trong một nghiên cứu thuần tập của Shelby M. Kleweis về nhiễm GBS ở thai phụ với số lượng 10564 đối tượng tại Mỹ, tỷ lệ nhiễm GBS của thai phụ là 25,8%. Những thai phụ béo phì (BMI > 30) có khả năng nhiễm GBS cao hơn 35% so với những thai phụ không béo phì sau khi đã loại trừ các yếu tố gây nhiễu. Nghiên cứu chỉ tập trung xác định béo phì có phải là yếu tố nguy cơ nhiễm GBS hay không [57].
Châu Phi: Tại Nam Phi, Lucia Matsiane Lekala nghiên cứu trên 340
thai phụ tuổi thai 35 - 37 tuần, tỷ lệ 48,2% thai phụ nhiễm. Tỷ lệ GBS dương tính cao hơn ở những thai phụ học vấn thấp, tiền sử nạo sẩy thai hoặc thai lưu và những thai phụ nhiễm HIV/AIDS. Đây là một nghiên cứu tiến cứu, mục tiêu chính của nghiên cứu này là xác định các yếu tố nguy cơ của việc nhiễm GBS và ảnh hưởng của nó đến thai kỳ [58].
Châu Úc: Nghiên cứu của Kathryn Braye “Sàng lọc GBS, điều trị dự
phòng bằng kháng sinh và tỷ lệ nhiễm khuẩn khởi phát sớm ở sơ sinh tại một khu y tế địa phương của Úc: 2006 - 2016”, bệnh phẩm lấy từ âm đạo - trực tràng ở thời điểm tuổi thai ≥ 35 tuần. Tác giả cho thấy tỷ lệ sơ sinh nhiễm GBS của thai phụ là 21,5%; Điều trị dự phòng được tiến hành 79% trong số các thai phụ, tỷ lệ sơ sinh bị nhiễm khuẩn khởi phát sớm là 0,1/1000 [59].
Ngoài ra còn rất nhiều nghiên cứu về nhiễm GBS ở thai phụ, các yếu tố ảnh hưởng cũng như các biện pháp điều trị dự phòng cho sơ sinh mà vắc xin là một hướng các nhà khoa học trên thế giới đang đề cập đến nhiều trong những năm gần đây [60], [61], [62], [63].