D.Trump: Trung Quốc có thể đang can thiệp vào các cuộc đàm phán Mỹ- Triều - Triều
TTXVN (Reuters) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 đã đưa ra giả thuyết rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách phá hoại những nỗ lực của Mỹ trong mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, song cũng bày tỏ tin tưởng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn luôn kiên định với hiệp ước mà hai bên đã nhất trí hồi tháng trước.
Trong những bình luận đầu tiên của mình về các cuộc đối thoại ngoại giao đầy thách thức hồi cuối tuần qua, vốn làm dấy lên những hoài nghi mới về thiện chí từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Trump cho biết Trung Quốc “có thể đang tạo ra những áp lực tiêu cực” để trả đũa lại việc Mỹ áp thuế vào các mặt hàng nhập khẩu từ nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo về những tiến triển từ những cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên kể từ sau khi Trump và Kim gặp nhau ở Singapore, dù ông cho biết chặng đường khó khăn vẫn còn phía trước khi mà Triều Tiên cáo buộc ông áp dụng chính sách ngoại giao “giống như kẻ cướp” ngay sau khi ông rời Bình Nhưỡng.
Sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim ngày 12/6 mà trong đó Kim đã nhất trí về một thỏa thuận quan trọng để “hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa” Bán đảo Triều Tiên, Trump đã tuyên bố Triều Tiên không còn là một mối đe dọa hạt nhân nữa, dù không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào.
Pompeo đã tới Bình Nhưỡng với hy vọng “lấp đầy” các chi tiết cho thỏa thuận này. Ngày 9/7, ông cho biết sẽ còn “nhiều giờ” đàm phán nữa. Ông phát biểu trước các binh sĩ NATO trước khi kết thúc chuyến thăm tới Afghanistan: “Đây là thời điểm để tất cả chúng
ta, để Bộ Ngoại giao và các bên khác cùng thực thi thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim".
Những tuyên bố đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh không nêu rõ cách thức và thời gian nhà nước ẩn dật sẽ dỡ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân được cho là có khả năng phóng tới Mỹ. Những phát hiện mà tình báo Mỹ tìm được đã kết luận rằng Triều Tiên không có ý định từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của họ.
Một dòng Tweet mà trong đó Trump bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc đang tìm cách phá hoại các cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên cũng là một tiến triển mới trong cách tiếp cận đầy thăng trầm của ông với Bắc Kinh, một sự pha trộn giữa những tán dương và chỉ trích, vượt ra ngoài phạm vi ngoại giao và hoàn toàn mang tính gây hấn.
Trump nói: “Tôi tin là Kim Jong-un sẽ tôn trọng thỏa thuận mà chúng tôi đã ký kết, và quan trọng hơn là vào cái bắt tay của chúng tôi. Mặt khác, Trung Quốc có thể đang tạo ra một sức ép tiêu cực lên thỏa thuận này do bất mãn với quyết định trong lĩnh vực thương mại của chúng ta với họ”.
Ngày 10/7 tại Bắc Kinh, khi được hỏi về các bình luận trên của Trump, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: “Thứ nhất, lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên là nhất quán. Thứ hai, thái độ của Trung Quốc trong vấn đề thương mại Trung-Mỹ cũng rất rõ ràng. Thứ ba, Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm và đáng tin cậy”. Ngoài ra bà không nói thêm bất cứ điều gì.
Chính quyền Mỹ đã nỗ lực trong nhiều tháng để giành được sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chiến dịch “gây áp lực cực đại” bằng những lệnh trừng phạt nhằm cô lập Triều Tiên, nước có quan hệ thương mại quốc tế chủ yếu là với Trung Quốc. Trong khi nỗ lực gạt Trung Quốc ra ngoài lề các cuộc đàm phán về Triều Tiên, Trump cũng áp dụng một lập trường cứng rắn trong vấn đề thương mại với Trung Quốc khi tuần trước đã đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ có giá trị 34 tỷ USD, kéo theo sự trả đũa tương xứng từ Bắc Kinh.
Pompeo đã bị một số hãng truyền thông Mỹ và các nhà quan sát chính sách ngoại giao Washington chỉ trích vì làm việc thiếu hiệu quả và bị Bình Nhưỡng công kích.
Joel Wit, người sáng lập viện nghiên cứu 38 độ Bắc, nhận định: “Tôi cho rằng chuyến công du của Pompeo là một sự khởi đầu hiệu quả để đưa ra những tham số và bắt đầu xem xét các chi tiết của thỏa thuận. Triều Tiên đã nói về một cách tiếp cận mơ hồ, theo từng bước, mà theo tôi cũng là một hướng đi đúng đắn. Đó là điều duy nhất sẽ có hiệu quả”.
Tuy nhiên, đại sứ về hưu Robert Gallucci lại kêu gọi bổ nhiệm một nhà đàm phán cấp cao đặc biệt. Ông cho rằng Trump không nên khẳng định Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân bởi điều đó thực sự là một “sự định hướng sai lầm. Nó khiến cho người ta hướng đến những kỳ vọng mà bất cứ ai đang nghiêm túc theo dõi tiến trình này đều sẽ nói rằng các bạn không nên trông mong vào điều đó”.