Tình hình ngư dân
Malaysia tiếp tục bắt giữ nhiều ngư dân Việt Nam. Báo chí Malaysia thường xuyên đăng tải thông tin về các vụ bắt giữ. Số lượng ngư dân bị bắt giữ mỗi lần từ trên dưới 10 người cho đến vài chục người. Nguyên nhân bắt giữ vẫn là việc các ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển của Malaysia và không có giấy phép đánh bắt.
Tình hình cộng đồng người Việt
Trong thời gian gần đây, tại Malaysia nổi lên việc có nhiều vụ đột nhập, phá két sắt để trộm tiền liên quan đến các băng nhóm có tổ chức của người Việt Nam tiến hành. Cảnh sát Malaysia cho biết, các vụ trộm diễn ra tại nhiều địa bàn, như bang Johor, bang Kedah, Kuala Lumpur, Penang…Có những băng nhóm hoạt động chuyên nghiệp, móc nối với các đối tượng từ Việt Nam cùng hoạt động. Các đối tượng (ở tại Malaysia) không có công ăn việc làm, chỉ chuyên tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các địa điểm gây án, sau đó thông báo chi tiết cho đồng phạm tại Việt Nam về “con mồi”, bao gồm địa chỉ, sơ đồ nhà cửa, kho tàng, văn phòng, đường đi lại… Các đối tượng từ Việt Nam nghiên cứu kỹ địa điểm, sau đó nhập cảnh Malaysia để tiến hành đột nhập phá két sắt và trộm tiền, rồi nhanh chóng trở về Việt Nam.
Malaysia nối lại phiên xét xử vụ Đoàn Thị Hương
Ngày 27/6, Tòa Thượng thẩm Malaysia đã nối lại phiên xét xử 2 nữ bị cáo, gồm Siti Aisyah người Indonesia và Đoàn Thị Hương người Việt Nam, trong vụ sát hại công dân Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol. Phía công tố khẳng định 2 bị cáo được huấn luyện để thực hiện vụ sát hại và biết rõ việc mình làm. Trong khi đó, các luật sư của 2 bị cáo cho rằng, họ chỉ là nạn nhân và không biết gì về kế hoạch giết người. Phiên tòa này cũng đánh dấu việc kết thúc phần xét xử liên quan đến 2 bị cáo. Theo dự kiến, ngày 16/8, Tòa sẽ tuyên án.
Quan hệ thương mại - đầu tư
Trong 5 tháng đầu năm 2018, theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Malaysia đạt gần 4,9 tỷ USD. Tuy nhiên, do tốc độ kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm, dẫn đến cán cân thương mại giữa Việt Nam với Malaysia có sự mất cân bằng lớn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Malaysia trong 5 tháng đầu năm có một số mặt hàng giảm mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng có kim ngạch lớn và tăng trưởng khá là gạo tăng mạnh, đạt kim ngạch hơn 122.395 triệu USD; sắt thép các loại tăng hơn 110%...
Tính lũy kế đến ngày 20/5/2018, Malaysia đã có 577 dự án đầu tư vào Việt nam với số vốn đạt gần 12,4 tỷ USD, đứng thứ 8 trong tổng số 127 nước và vùng lãnh thổ có vốn
đầu tư trực tiếp từ nước ngoại vào Việt Nam (giảm 1 bậc số với năm trước-hạng 7, do Trung Quốc đã vượt lên thế chỗ vị trí này).
TÌNH HÌNH CH SÉC QUÝ II/2018
TTXVN (Praha) - I. Tình hình địa bàn 1.Chính trị - xã hội
Tình hình chính trị - xã hội của CH Séc xoay quanh việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính phủ kéo dài. Từ tháng 10/2017 đến hết tháng 6/2018, CH Séc vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính phủ.
Ngày 27/5, Tổng thống Séc Milos Zeman khẳng định sẽ trao cho Andrej Babis, lãnh đạo phong trào ANO, trách nhiệm thành lập chính phủ mới lần thứ hai. Việc thành lập chính phủ liên minh tại CH Séc đang gặp thách thức mới do những tranh cãi liên quan việc Đảng Dân chủ Xã hội Séc (CSSD) đề cử ông Miroslav Poche vào vị trí Bộ trưởng Ngoại giao. Ngày 17/6, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Morava (KSCM) Vojtech khẳng định, đảng này chỉ tiếp tục ủng hộ chính phủ liên minh ANO – CSSD nếu không có ông Poche đứng đầu cơ quan ngoại giao của CH Séc. Kết quả cuộc trưng cầu ý kiến trong nội bộ CSSD công bố ngày 15/6 cho thấy đa số đảng viên CSSD ủng hộ đảng liên minh với phong trào ANO của Thủ tướng Andrej Babis. Điều này tạo tiền đề để chính phủ liên minh ra đời. Tuy nhiên, nhằm vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội thì Thủ tướng Babis cần nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ thuộc KSCM.
Trước đó, Tổng thống Zeman cũng đã nhiều lần lên tiếng không ủng hộ ứng cử viên Poche do ông này khi còn ở Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ EU trừng phạt các quốc gia thành viên không tuân thủ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn.
Số phận của chính phủ liên minh mới sẽ được quyết định vào ngày 11/7, khi Hạ viện Séc họp để bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều khả năng chính phủ sẽ khó vượt qua được thử thách ở lần bỏ phiếu đầu tiên.
2. Kinh tế
Tính đến ngày 16/9/2017, CH Séc mới đón được 12 người nhập cư từ Hy Lạp trong khi hạn ngạch bắt buộc của EU dành cho nước này là 2.600 người. Cao ủy châu Âu về các vấn đề nhập cư và nội vụ Dimitris Avramopoulos tuyên bố sẽ trừng phạt các quốc gia thuộc EU không tuân thủ hạn ngạch nhập cư, trong đó có Hungary, Ba Lan và CH Séc.
Ủy ban châu Âu đã chính thức gửi đơn kiện Ba Lan, Hungary và CH Séc tới Tòa án châu Âu do không tuân thủ hạn ngạch nhập cư của EU. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy dường như người dân Séc không mấy quan tâm đến điều này vì đa số không ủng hộ hạn ngạch mà EU áp đặt.
Lương trung bình của Séc tăng lên 30.265 koruna (gần 1.400 USD)/tháng. Theo Cục thống kê Séc, quý I/2018, lương trung bình ở nước này tăng 8,6%, trong khi giá cả những mặt hàng thiết yếu chỉ tăng 6,6% và đây là chỉ cố cao nhất kể từ năm 2003. Lương
trung bình cao nhất là ở Praha là 38.000 koruna (khoảng 1.700 USD), thấp nhất là ở Karlovy Vary - 26.000 koruna (gần 1.200 USD). Lương trung bình ở Séc tăng không ngừng kể từ năm 2014 do kinh tế phát triển và cũng do thiếu nhân công. Trong khi đó, cũng có tới 60% người lao động ở Séc nhận lương dưới mức trung bình cả nước.