III. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ
Yếu tố địa chính trị không bị giới hạn trong đại dịch COVID-19 TTXVN (Libération, La Croix, Le Monde, Le Figaro, Les Echos)
TTXVN (Libération, La Croix, Le Monde, Le Figaro, Les Echos) -
Mặt trận địa chính trị của các cường quốc
Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành dữ dội trên thế giới, từ Á sang Âu, song đây lại là cơ hội để một số nước giành chiến thắng địa chính trị, nhất là Trung Quốc và Nga. Bài xã luận trên báo Le Monde nhận định, Moskva và Bắc Kinh đang tuyên truyền “quá đà” về công tác trợ giúp nhân đạo cho Italy, quốc gia đang bị dịch nặng nhất châu Âu. Còn Liên minh châu Âu (EU) đang phải học cách chiến đấu trên mặt trận này, với một kế hoạch trợ giúp kinh tế quy mô.
Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhấn mạnh, trong nỗi bất hạnh của dân tộc, nước Italia đã tạo ra một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với các cường quốc vốn đang tìm cách khôi phục uy tín qua công tác hỗ trợ nhân đạo. Trung Quốc hiện đang vươn lên tuyến đầu. Ngày 14/3, khi số bệnh nhân COVID-19 gia tăng mạnh tại Italy, một máy bay của Hội chữ Thập đỏ Trung Quốc đã hạ cánh tại Roma, với sự hiện diện của phó chủ tịch tổ chức và một số bác sĩ đã tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh ở Trung Quốc, với nhiều máy trợ thở và 200.000 khẩu trang.
Tin tức và hình ảnh về sự kiện này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhất là trên các ấn bản tiếng nước ngoài. Sự kiện trên cũng được Ngoại trưởng Italy, Luigi Di Maio, thuộc Phong trào Năm Sao, ca ngợi như một chiến thắng của cá nhân ông. Italy là nước đầu tiên trong nhóm G7 ký bản ghi nhớ thỏa thuận với chính quyền Bắc Kinh về dự án “Con đường tơ lụa mới năm 2019”.
Tiếp đến là Nga. Ngày 22/3, căn cứ không quân Pratica di Mare của Italy đã chào đón 9 máy bay Iliouchine của Nga. Theo một thông cáo chính thức của Italy, 9 máy bay trên, “theo lệnh của cá nhân Tổng thống Nga Putin đưa đến Italy 100 bác sĩ quân y và 8 đội y tế lưu động, với nhiều khẩu trang, găng tay, máy trợ thở và nhiều thiết bị y tế trong khả năng của họ. Các hình ảnh của lãnh đạo Ngoại giao Italy có mặt tại sân bay để nói lời cảm ơn tới “nước Nga, Tổng thống Putin và chính phủ Nga” đã được phát đi khắp thế giới. Cùng ngày, Cuba cũng điều 52 bác sĩ và y tá tới Italy trợ giúp nước này chống dịch bệnh.
Theo Le Monde, những cử chỉ đoàn kết, tương thân tương ái này rõ ràng rất đáng được hoan nghênh và công chúng thích thấy máy bay Nga vận chuyển thiết bị y tế hơn là oanh kích các bệnh viện ở Syria. Tuy nhiên, việc Nga sử dụng những hình ảnh đó vào mục đích tuyên truyền gợi ý và nhắc nhở rằng trong đại dịch, yếu tố địa chính trị không bị giới hạn. Thông điệp ngầm của nhà lãnh đạo Italy Di Maio là những người bạn thực sự của
Italy không phải là đồng minh vốn có trong EU, nơi mà tình đoàn kết cũng không được phát huy trong cuộc khủng hoảng di dân năm 2015. Trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, chính việc Áo đóng cửa biên giới với Italy, sau đó đến lượt Berlin và Paris hạn chế xuất khẩu trang sang Italy chắc chắn là một phần lý do.
Tuy nhiên, ngày 23/3, chính quyền Đức thông báo các bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân người Italy. Tuần trước, EU cũng đưa ra các biện pháp trên quy mô lớn chưa từng có, để trợ giúp kinh tế cho các nước bị tác động mạnh vì dịch bệnh, trong đó có Italy. Khoản chi của EU lớn hơn rất nhiều so với số tiền Nga và Trung Quốc bỏ ra để giúp Italy.
Le Monde nhấn mạnh, ngay cả khi sự đoàn kết của các nước châu Âu trong lĩnh
vực y tế đã thất bại, điều cần thiết là các quốc gia này phải thể hiện tình đoàn kết về kinh tế, kể cả sau khi dịch bệnh được kiềm chế. EU phải cho thấy rõ điều đó, dù không giỏi về tuyên truyền. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, mới nhắc lại là hồi tháng 1/2020, EU đã gửi 56 tấn dụng cụ thiết bị y tế trợ giúp Trung Quốc sau khi nhận được đề nghị của Bắc Kinh. Theo Le Monde, điều lạ lùng là sự trợ giúp của châu Âu lại không được truyền thông Trung Quốc ghi hình và đưa tin.
Virus corona soi tỏ những bất bình đẳng xã hội
Dưới góc độ xã hội, cuộc khủng hoảng virus corona là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận về sự bất bình đẳng. Nhà xã hội học Camille Peugny, chuyên gia về bất bình đẳng xã hội, thuộc đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines nhận định: “Cuộc khủng hoảng này làm cho xã hội thấy được những người lâu nay vô hình”.
Dịch COVID-19 cho thấy rõ sự phân chia trong thế giới: Nhóm thứ nhất bao gồm những người có trình độ cao, nhóm thứ hai gồm những nhân viên được trả lương thấp và không được bảo vệ tốt. Trong khi những người “chiến thắng trong công cuộc toàn cầu hóa” được ngồi ở nhà, thì những người phục vụ họ phải ra khỏi nhà để làm việc: nhân viên thu ngân, người giao hàng, nhân viên chăm sóc y tế, người thu gom rác, hiến binh và cảnh sát, thợ làm bánh mì. Chúng ta hình dung điều này giống như khi đi leo núi, những người làm công việc phục vụ là những người phải đi đầu để bảo đảm sự sống cho những người đi phía sau.
Trả lời phỏng vấn của báo Libération, nhà xã hội học Camille Peugny nhấn mạnh, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, hình mẫu lý tưởng là những người có bằng cấp cao, năng động và rất có giá trên thị trường lao động, nhưng thực tế là họ chỉ có thể hoạt động khi có một “đội quân” hỗ trợ âm thầm, giúp họ trông con sau giờ học, lau dọn nhà ở. Trong số đó, không thể không nói tới những nhân viên thu ngân phải làm việc tới tận 23h. Chuyên gia về bất bình đẳng nhấn mạnh cần nhìn nhận lại về vị trí của những người làm công việc phục vụ người khác trong xã hội hiện nay.
Báo Le Monde cũng quan tâm đặc biệt và dành một bài phóng sự dài với tựa đề “Nước Pháp của những nhân viên thu ngân” để nói về công việc vất vả của nhân viên thu ngân trong các siêu thị tại Pháp, những người phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, do hàng ngày phải tiếp xúc ở khoảng cách gần với rất đông khách hàng, trong bối cảnh người dân lo sợ thiếu nhu yếu phẩm nên đổ xô đến các siêu thị để mua sắm.
Bất chấp nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh và làm lây bệnh cho cha mẹ già yếu hay con nhỏ, các nhân viên thu ngân, 90% là nữ giới, vẫn phải lao động không ngừng nghỉ trong điều kiện lao động không đủ tốt, nơi găng tay và khẩu trang làm họ vướng víu khó làm việc và cũng không đảm bảo an toàn cho họ. Le Monde ca ngợi họ là những “người lính” đang nỗ lực hết sức để xã hội được ăn uống và được sống, dù họ chưa được xã hội quan tâm và nhắc đến nhiều.
Thiên nhiên là mối đe dọa khủng bố sinh học lớn nhất
Trong thời gian qua, có rất nhiều thuyết âm mưu cho rằng virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Trả lời phỏng vấn của tờ Le Figaro, chuyên gia về nhân học xã hội Frédéric Keck, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), cho rằng rất khó để mọi người hiểu tại sao giới lãnh đạo y tế quốc tế phải huy động cuộc chiến chống một loại virus, có thể lây lan sang người qua loài dơi và để lại những hậu quả không thể dự báo, vì người dân chưa có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, việc nghĩ rằng loại virus này do con người tạo ra, nhằm khơi dậy nỗi sợ hãi và bán được thuốc hay khẩu trang, thì lại dễ dàng hơn đối với dân chúng.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, việc tạo ra một loại virus mới có thể lây sang người khó hơn so với việc để tự nhiên tạo ra các virus mới theo cơ chế đột biến và chọn lọc ngẫu nhiên. Các chuyên gia về virus đã nói, từ khi cuộc khủng hoảng SARS năm 2003 xảy ra, “thiên nhiên là mối đe dọa khủng bố sinh học lớn nhất”.
Có một nỗi sợ hãi lớn về một cuộc chiến vi khuẩn ở Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi người Mỹ sử dụng vũ khí sinh học do người Nhật Bản sản xuất trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Tại Mỹ, nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công khủng bố của các loại virus, như bệnh đậu mùa hoặc bệnh than, đã tăng cao kể từ sau Chiến tranh Lạnh và sau khi có tiết lộ rằng các nhà vi khuẩn học Liên Xô đã bán thông tin cho “các quốc gia bất hảo”.
Tại châu Âu, thuyết âm mưu chủ yếu nhắm vào các ngành công nghiệp dược phẩm có thế lực (GSK, Sanofi, Roche). Những cáo buộc về xung đột lợi ích giữa các nhà khoa học và ngành dược phẩm đã diễn ra mạnh mẽ trong chiến dịch tiêm ngừa dịch H1N1 hồi năm 2009, dẫn đến sự mất lòng tin nghiêm trọng và kéo dài về việc tiêm phòng bệnh. Ở châu Phi, có tin đồn virus HIV và Ebola là do người Mỹ tạo ra để giảm dân số tại châu lục này. Cũng có giả thuyết ở Mỹ cho rằng virus HIV được phát minh để nhắm vào người đồng tính nam.
Nhà khoa học của CNRS kết luận thuyết hành động có chủ ý thường dễ hiểu hơn các là kiến thức về cơ chế của sinh thái, tự nhiên.