Giai đoạn trước khi có Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 40 - 45)

Về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trước năm 2003 có thể được chia thành hai giai đoạn nhỏ. Giai đoạn trước năm 1994 trở về trước và giai đoạn từ 1994 đến năm 2003.

- Giai đoạn trước năm 1994. Thẩm quyền của Hội đồng TTTM được thể hiện thông qua các cơ quan trọng tài kinh tế và trọng tài phi nhà nước được thành lập từ năm 1960. Cơ quan trọng tài đầu tiên ở Việt Nam là hệ thống trọng tài nhà nước được thành lập theo nghị định số 04/TTg ngày 1/4/1960 của Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một nghị định khác ban hành ngày 14/1/1960 quy định về nguyên tắc hoạt động của trọng tài nhà nước là thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp kinh tế vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với công tác hợp đồng kinh tế. Từ hai chức năng đó ta có thể thấy, trọng tài kinh tế nhà nước vừa là cơ quan xét xử, vừa là cơ quan quản lý nhà nước. Là cơ quan quản lý nhà nước đương nhiên trọng tài kinh tế nhà nước phải thi hành mệnh lệnh của nhà nước và bản thân trọng tài kinh tế nhà nước cũng có quyền ra mệnh lệnh hành chính đối với các đối tượng có liên quan nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Chính xuất phát từ địa vị pháp lý đặc biệt như vậy mà trong thủ tục xét xử tranh chấp hợp đồng kinh tế và thủ tục xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của trọng tài kinh tế là sự đan xen giữa tố tụng tư pháp với thủ tục hành chính.

34

Trọng tài kinh tế nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân cấp quản lý hành chính: ở mỗi cấp quản lý hành chính đều thành lập cơ quan trọng tài kinh tế. Hệ thống tổ chức gồm trọng tài kinh tế nhà nước, trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố; trọng tài kinh tế huyện, quận và cấp tương đương. Trọng tài kinh tế nhà nước chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Hội đồng bộ trưởng, trọng tài kinh tế các cấp chịu sự lãnh đạo của ủy ban nhân dân cùng cấp đồng thời chịu sự chỉ đạo giám sát của trọng tài kinh tế cấp trên. Trọng tài kinh tế nhà nước ở cấp trung ương gồm có chủ tịch, một hoặc hai phó chủ tịch và các trọng tài viên. Chủ tịch trọng tài kinh tế nhà nước do chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng chính phủ) bổ nhiệm và miễn nhiệm. Các phó chủ tịch và các trọng tài viên cũng do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm trên cơ sở được Chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước giới thiệu. Các cơ quan trọng tài kinh tế cấp dưới cũng có cơ cấu tương tự như vậy. Trọng tài viên có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế. Các bên tranh chấp hoàn toàn không có vai trò gì trong việc chỉ định trọng tài viên để xét xử vụ việc bởi vì việc đó thuộc quyền hạn của Chủ tịch trọng tài kinh tế có liên quan. Đây là điểm khác biệt rất cơ bản của trọng tài nhà nước so với trọng tài phi chính phủ (các bên tranh chấp có quyền tự do hoàn toàn định đoạt các vấn đề trọng tài trong đó có quyền chỉ định trọng tài viên). Trọng tài nhà nước là các viên chức nhà nước và họ hưởng lương của nhà nước. Còn đối với trọng tài phi chính phủ thì các bên tranh chấp có nghĩa vụ phải trả thù lao cho hoạt động của các trọng tài viên. Khi xét xử, các trọng tài viên của cơ quan trọng nhà nước hoạt động thay mặt nhà nước chứ không phải chỉ với tư cách là người phân giải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và yêu cầu của các bên. Chính vì vậy mà theo điều 10 của pháp lệnh trọng tài kinh tế, tiêu chuẩn mà trọng tài viên cần có trước tiên là "phẩm chất chính trị, liêm khiết công minh", rồi sau đó mới là "có kiến thức pháp lý và quản lý kinh tế cần thiết". Với quy định như vậy, việc giải quyết tranh chấp khó có thể công bằng và có hiệu quả.

35

Điều 2 Pháp lệnh trọng tài kinh tế của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 10/01/1990 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của trọng tài kinh tế nhà nước như sau: Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế; Kiểm tra, kết luận và xử lý các hợp đồng kinh tế trái pháp luật; Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế; Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế.

Cùng một lúc, trọng tài kinh tế nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý các doanh nghiệp nhà nước, vừa giải quyết tranh chấp phát sinh giữa họ với nhau. Do đó, dù với tư cách là một tổ chức trọng tài hay với tư cách là một cơ quan hành chính. Trọng tài kinh tế nhà nước khó có thể hoạt động hiệu quả vì nó phải đảm đương cùng một lúc hai trách nhiệm.

Nói tóm lại, trọng tài kinh tế nhà nước là một hình thức pha trộn của trọng tài và cơ quan hành chính vì nó không hẳn là trọng tài như ở các nước và cũng không hẳn là toà án. Một tổ chức trọng tài như vậy chỉ có thể phù hợp với nền kinh tế tập trung mệnh lệnh [8].

Đối với trọng tài phi nhà nước, tồn tại hai mô hình khác nhau. Mô hình thứ nhất ra đời từ năm 1963 bằng Nghị định số 59/CP ngày 30/4/1963 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Trọng tài ngoại thương. Tiếp sau đó, ngày 05/10/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 153/CP về việc thành lập Hội đồng Trọng tài hàng hải. Đến ngày 28/4/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 204/TTg về việc thành lập Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài ngoại thương và Hội đồng Trọng tài thương mại hàng hải. Mô hình trọng tài thứ hai là các trung tâm trọng tài kinh tế được thành lập theo Nghị định số 116/CP ngày 05/09/1994 của Chính phủ. Có 05 trung tâm trọng tài được thành lập theo Nghị định này (02 Trung tâm tại thành phố Hà Nội, 01 Trung tâm tại thành

36

phố Hồ Chí Minh, 01 Trung tâm tại Cần Thơ và 01 Trung tâm tại Bắc Giang) [7, tr.30-35].

- Giai đoạn từ sau năm 1993 đến năm 2003. Từ năm 1986 nhà nước

Việt Nam chủ trương chuyển nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang một nền kinh tế nhiều thành phần vận thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bước ngoặt đó đã dẫn đến một loạt cải cách trong nền kinh tế. Trong đó đáng chú ý là chủ trương bình đẳng giữa các thành phần trong nền kinh tế, khuyến khích và phát triển kinh tế tư nhân; phát triển đầu tư trong nước và khuyến khích đầu tư nước ngoài, phát triển đa dạng hoá các quan hệ kinh tế quốc tế... Như vậy, bên cạnh số lượng lớn các doanh nghiệp nhà nước, số lượng các công ty doanh nghiệp tư nhân cũng ngày một gia tăng. Vấn đề đặt ra là phải cải tạo được một môi trường dân chủ và công bằng cho tất cả các thành phần trong nền kinh tế. Điều đó không chỉ có nghĩa là cần phải có một cơ chế pháp lý thích hợp để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp tư nhân cũng như các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, với chính sách mở cửa khuyến khích đầu tư nước ngoài, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là các nước phương tây cũng làm đa dạng hoá các mối quan hệ thương mại.

Do những bất cập trong cơ chế của mình, cùng với những thay đổi của đời sống kinh tế xã hội, hiện nay trọng tài kinh tế nhà nước không còn tồn tại nữa. Sau khi trọng tài kinh tế nhà nước bị giải thể năm 1994, theo nghị định 116 - CP của chính phủ, các trung tâm trọng tài kinh tế đã và sẽ được thành lập. Tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế do Điều lệ quyết định. Mặc dù mang tính chất là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các trung tâm trọng tài kinh tế vẫn chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước về vấn đề xét đơn xin thành lập trung tâm, chỉ định Hội đồng tuyển chọn trọng tài viên, cấp và thu hồi thẻ trọng tài viên... Việt Nam trong giai đoạn này có một số trung tâm trọng tài kinh tế hoạt động, tiêu biểu như: Trung tâm trọng tài kinh tế Bắc Giang (tỉnh

37

Bắc Giang), Trung tâm trọng tài kinh tế Hà Nội (Thành phố Hà Nội), trung tâm trọng tài kinh tế Thăng Long (thành phố Hà Nội), Trung tâm trọng tài kinh tế Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh)...

Như vậy, tuy mang bản chất phi nhà nước nhưng trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn được hình thành chủ yếu từ định hướng của nhà nước và chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau. Cụ thể, VIAC hoạt động theo Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ, có Điều lệ và Quy tắc tố tụng riêng, không có bất kỳ liên quan nào đến loại hình trọng tài theo Nghị định số 116/CP. Trong khi đó, năm trung tâm trọng tài còn lại được thành lập theo Nghị định số 116/CP, chịu sự điều chỉnh duy nhất của Nghị định này, và không có liên quan gì đến Quyết định số 204/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài việc thành lập mới các trung tâm trọng tài như trên, năm 1995, Việt Nam còn gia nhập Công ước New York về việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. Việc gia nhập công ước nghĩa là bất kỳ phán quyết trọng tài nào tại bất kỳ nước nào là thành viên công ước mà có một bên của phán quyết ở Việt Nam hoặc tài sản ở Việt Nam thì đều có thể được Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ thi hành. Ngược lại, bất kỳ phán quyết nào của trọng tài Việt Nam cũng có thể được công nhận và cho thi hành ở bất kỳ nước thành viên nào của công ước.

Có thể nói việc giải thể trọng tài kinh tế nhà nước, thành lập các trung tâm trọng tài thương mại độc lập năm 1993, 1994, và tham gia Công ước New York đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Nhà nước trả trọng tài thương mại về đúng bản chất và chức năng của nó, đánh dấu sự cải thiện đáng kể môi trường pháp lý nhằm tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng chú ý nêu trên, trong giai đoạn sơ khai này, vẫn không có một đạo luật về trọng tài thống nhất điều chỉnh hệ

38

thống trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế. Thêm vào đó, quyết định giải quyết tranh chấp của trọng tài không được bảo đảm thi hành. Vì thế, mô hình trọng tài thương mại chưa thực sự đạt được những thành tựu đáng kể trên hành trình tiếp cận những chuẩn mực của trọng tài thương mại hiện đại.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)