Mô hình quản trị công ty cổ phần giai đoạn thứ ba

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Sự phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam (Trang 49 - 57)

5. Bố cục của Luận văn

2.3. Mô hình quản trị công ty cổ phần giai đoạn thứ ba

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, và khi Hiến pháp 2013 ra đời đề cao quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành với sự tích lũy kinh nghiệm khá đầy đủ cả ở trong và ngoài nước. Vì vậy, đạo luật này đã thấy hết những ưu nhược điểm của các mô hình quản trị công ty cổ phần đã từng tồn tại. Không câu nệ ở tính hình thức mà tập trung vào tính mục đích của việc phát triển các công ty cổ phần, đạo luật này đã qui định mô hình quản trị công ty cổ phần nhiều suy tính nhất trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Dưới đây chỉ trình bày những kinh nghiệm mà thể hiện khá rõ nét qua mô hình này.

Quản lý, điều hành ở đây được hiểu là mối liên hệ giữa cổ đông, giữa các cơ quan khác nhau trong công ty cổ phần trong quyết định đường hướng phát triển và hoạt động kinh doanh của công ty. Quản lý, điều hành trong công ty cổ phần được thực hiện bởi ba cơ quan chính: 1) Đại hội đồng cổ đông; 2) Hội đồng quản trị; 3) bộ phận điều hành hoạt động công ty hàng ngày, thường được gọi là giám đốc/ tổng giám đốc hay ban giám đốc [7, tr. 254]. Ngoài ra, tùy theo mỗi loại mô hình, trong công ty cổ phần còn có Ban kiểm soát, thư ký công ty…

43

Cổ đông và đại hội đồng cổ đông

Cổ đông là những người góp vốn thành lập công ty (dưới hình thức cổ phiếu). Cổ đông có thể là cá nhân, có thể là tổ chức. Cổ đông không trực tiếp sở hữu tài sản của công ty, công ty là pháp nhân trực tiếp sở hữu tài sản của mình.

Trên thực tế, cổ đông có hai loại quyền cơ bản: quyền được chia sẻ lợi nhuận trong công ty (thông qua cổ tức) và quyền tham gia quản lý, điều hành công ty.

Để tham gia quản lý, điều hành công ty, cổ đông trong công ty cổ phần được trao ba quyền năng quan trọng hàng đầu là quyền bỏ phiếu, quyền được kiện và quyền tiếp cận thông tin. Cổ đông bỏ phiếu để lựa chọn hoặc bãi miễn các thành viên HĐQT, thông qua các quyết định quan trọng nhất của công ty như hợp nhất, bán tất cả tài sản, giải thể, sửa đổi điều lệ… của công ty. Mặc dù các cổ đông trong các công ty cổ phần lớn không có nhiều động lực để xem xét, đánh giá từng vấn đề trong hoạt động hàng ngày của công ty, tuy nhiên, khi không đồng ý với cách điều hành của ban giám đốc, họ có thể bán cổ phiếu (cùng quyền bỏ phiếu) ra bên ngoài, một nhóm cổ đông có khả năng tập hợp thành một nhóm cổ đông đủ mạnh để bầu ra HĐQT mới, để chỉ định ra một ban giám đốc mới. Quá trình này xảy ra khá thường xuyên trên thị trường với các hình thức như mua đứt công ty hay đấu thầu mua cổ phiếu công ty. Người ngoài công ty cũng có thể đàm phán trực tiếp với các cổ đông đề nghị mua cổ phiếu và các cổ đông được quyền tự do chuyển nhượng không cần HĐQT thông qua. Cổ đông bên cạnh quyền được kiện công ty, thành viên HĐQT, ban giám đốc về những hành vi làm thiệt hại đến lợi ích của chính mình còn có thể nhân danh công ty kiện thành viên HĐQT, giám đốc. Những vụ kiện này xảy ra khi những người trong bộ máy quản lý, điều hành không cẩn trọng trong thi hành nhiệm vụ, mua bán mưu cầu lợi ích riêng, được bồi

44

dưỡng quá đáng, tranh cướp cơ hội của công ty… Lưu ý rằng những vụ kiện kiểu này, công ty bị thiệt hại trực tiếp, còn cổ đông bị thiệt hại một cách gián tiếp. Quyền kiện của cổ đông được xem là một quyền cơ bản nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông. Để tạo động lực cho các cổ đông thực hiện điều này, thông thường những chi phí mà cổ đông bỏ ra theo kiện, trong đó có chi phí luật sư sẽ được bồi hoàn từ khoản tài sản bị thất thoát mà công ty lấy lại được. Các cổ đông sẽ không thực hiện được quyền cơ bản của mình như bán cổ phiếu, bỏ phiếu hay tiến hành kiện phái sinh trừ khi cổ đông có thông tin đầy đủ và chính xác về công ty. Do vậy, thông thường pháp luật của các nước đều ràng buộc trách nhiệm của HĐQT, giám đốc công ty phải công bố công khai các thông tin về công ty và quy định quyền được tiếp cận các thông tin về công ty của cổ đông. Thậm chí, nếu có bằng chứng về mục tiêu trong sáng và phù hợp, cổ đông có thể đệ đơn ra tòa án để có được quyết định về việc kiểm tra sổ sách kế toán và các biên bản họp của các cuộc họp của công ty.

Đại hội đồng cổ đông có thể hiểu là một chế định quan trọng trong công ty, là cơ quan quyền lực cao nhất, là một cơ cấu quyền lực mặc định gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết.

Đại hội đồng cổ đông mỗi năm được triệu tập họp ít nhất là một lần (cuộc họp thường niên), ngoài ra còn có thể tiến hành họp bất thường. Do Đại hội đồng cổ đông là cơ chế quan trọng thông qua đó các cổ đông thực hiện quyền của mình trong hoạt động quản lý, điều hành công ty. Do vậy, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông là một cơ hội quan trọng nhất cho cuộc đối thoại, chất vấn giữa các cổ đông với các thành viên HĐQT và giám đốc công ty. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông cũng là dịp để các thành viên HĐQT, giám đốc công ty thể hiện trách nhiệm đối với các cổ đông thông qua việc công bố thông tin, thông báo về tình hình hoạt động của công ty, đưa ra các khuyến nghị đối với tổ chức, cổ đông về việc chấp nhận báo cáo tài chính, kế

45

hoạch phân chia lợi nhuận, các thay đổi căn bản (nếu có) về vốn và cơ cấu tổ chức của công ty, thù lao cho thành viên HĐQT…

Để bảo vệ quyền của cổ đông, tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Đại hội đồng cổ đông, thông thường pháp luật của các nước quy định rất cụ thể về thủ tục, trình tự tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông, trách nhiệm thông báo, báo cáo công bố thông tin cho các tổ chức trước cuộc họp, quyền của các cổ đông đưa ra các vấn đề bàn bạc tại cuộc họp, thủ tục bỏ phiếu...

Cổ đông thiểu số và việc bảo vệ cổ đông thiểu số

Bảo vệ cổ đông thiểu số là vấn đề quan trọng được đặt ra đối với tất cả các nước đã và đang phát triển. Cơ sở của nó chính là việc tách biệt giữa những quyền sở hữu và quyền quản lý, điều hành công ty có thể dẫn đến những rủi ro do sự khác nhau về lợi ích của các cổ đông với lợi ích của bộ máy quản lý. Khác với các cổ đông đa số, thường có thể chi phối được trực tiếp đối với hoạt động quản lý, điều hành công ty, các cổ đông thiểu số không có khả năng này. Hoặc do họ không có đủ thông tin về hoạt động của công ty, hoặc do họ không có đủ động lực trong việc thực hiện các quyền cổ đông của mình. Hiện nay, hầu như đã thống nhất được rằng, nếu không bảo vệ được quyền lợi của cổ đông thiểu số sẽ làm giảm khả năng tiếp cận vốn, huy động vốn của các công ty cổ phần, tăng chi phí vốn và giảm mức đầu tư trong nền kinh tế. Khi các nhà đầu tư nhỏ (phần lớn nguồn vốn đầu tư trên thế giới hiện nay từ các nhà đầu tư nhỏ) không yên tâm về đồng vốn đầu tư của mình, động lực đầu tư của họ do vậy sẽ giảm sút. Bảo vệ cổ đông hiện nay thường được nhấn mạnh tới các khuynh hướng như: 1) sự công bằng, thông qua các quy định cấm hành vi gian lận, giao dịch ở cấp quản lý hoặc với cổ đông kiểm soát và những hành vi giao dịch nội gián khác; 2) sự giải trình được, thông qua việc xác định rõ vai trò và nhiệm vụ quản lý, điều hành, chủ yếu dựa vào việc giám sát ở cấp quản lý của HĐQT; và 3) sự minh bạch, thông qua các quy định bắt buộc công khai thông tin đối với các cổ đông.

46

Hội đồng quản trị

Các cổ đông thông qua HĐQT bầu ra các thành viên HĐQT, những người có quyền hạn trong quản lý hoạt động kinh doanh của công ty. Các thành viên HĐQT được bầu ra trong nhiệm kỳ có thời hạn nhất định và có thể được bầu lại. Các thành viên HĐQT cũng có thể bị Đại hội đồng cổ đông bãi miễn khi không đáp ứng được yêu cầu và thậm chí khi luật cho phép thì bãi miễn không cần lý do nào cả. Các thành viên Hội đồng quản trị cũng thực thi quyền của mình thông qua các cuộc họp, các quyết định thường được ghi nhận trong các biên bản họp Hội đồng quản trị. Thông báo về cuộc họp cũng phải tuân thủ một số quy định. Cuộc họp được xem là hợp pháp khi đáp ứng đủ yêu cầu về túc số… Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu bầu, không kể số cổ phần nắm giữ, không thể ủy quyền để bỏ phiếu như cổ đông. Các quyền của Hội đồng quản trị thường bao gồm các quyền quan trọng trong công ty như quyền chỉ định, giám sát và bãi miễn giám đốc, lương, thưởng cho giám đốc, quyết định một số vấn đề quan trọng khác…

Cấu trúc Hội đồng quản trị trên thế giới thường được chia làm hai loại phổ biến: mô hình một hội đồng duy nhất hay cấu trúc đơn (unitary board) thịnh hành ở Mỹ, Anh và mô hình hội đồng hai tầng hay cấu trúc kép (two- tier board) thịnh hành ở các nước thuộc địa châu Âu (Đức, Hà Lan…).

Thông thường, nhiệm vụ chính của HĐQT là quyết định hướng đi chiến lược cho công ty, bổ nhiệm giám đốc và quản lý hoạt động điều hành của bộ máy quản lý. Số lượng công việc, vai trò của HĐQT tùy thuộc vào đặc điểm từng loại mô hình quản lý, điều hành công ty khác nhau. Nhìn chung, về vai trò hoạt động của HĐQT, có hai loại chính. Loại thứ nhất là HĐQT quản lý chặt chẽ công việc hàng ngày của công ty, ấn định chiến lược, chấp nhận kế hoạch, phân bổ tài sản, theo dõi kết quả và kiểm soát việc thực hiện (như mô hình của Mỹ). Loại thứ hai là Hội đồng quản trị không làm gì hơn là việc

47

bổ nhiệm ban giám đốc rồi phê chuẩn các đề nghị của ban này (như mô hình của Nhật). Thành viên Hội đồng quản trị phải có trách nhiệm, nghĩa vụ chính như:

* Nghĩa vụ trung thành (loyality): Nghĩa vụ chính của các thành viên Hội đồng quản trị là trung thành với lợi ích của họ một cách đầy đủ, không được thu lợi cá nhân qua các giao dịch của công ty, phải thông báo rõ, công khai và không được tham gia bỏ phiếu đối với các vấn đề làm ăn, giao dịch mà cá nhân thành viên đó có lợi ích liên quan. Thậm chí sẽ bị luật pháp trừng phạt (luật pháp nhiều nước xem là tội hình sự) khi thành viên Hội đồng quản trị mua bán chứng khoán dựa trên những thông tin về công ty mà thành viên đó biết được nhờ lợi thế làm thành viên Hội đồng quản trị.

* Nghĩa vụ cẩn trọng mẫn cán (care): Đây là bổn phận chung của các thành viên Hội đồng quản trị. Các thành viên Hội đồng quản trị cần phải cẩn trọng và mẫn cán trong việc của mình. Sự giải thích cụ thể thế nào là cẩn trọng, mẫn cán thay đổi tùy theo pháp luật và tập tục của mỗi nước, thay đổi theo thời gian. Ngay cả như ở Mỹ, có rất nhiều các án lệ khác nhau liên quan đến trách nhiệm cẩn trọng và mẫn cán của thành viên Hội đồng quản trị.

Hiện nay, đặc biệt là sau sự sụp đổ của một số tập đoàn lớn của Mỹ như Enron, Worldcom… người ta nhận ra rằng vai trò của HĐQT không đảm bảo được tính độc lập, nhiều khi chỉ mang tính hình thức, và xu hướng hiện nay là tăng cường tính độc lập cho Hội đồng quản trị bằng cách bổ sung các thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc Hội đồng quản trị không thực hiện đầy đủ vai trò của mình có nhiều nguyên nhân sau:

+ Nguyên nhân hạn chế về thời gian, thông tin, ngân sách của các thành viên HĐQT: HĐQT của các công ty lớn thường vài tháng gặp nhau vài giờ, không thể giải quyết một cách thấu đáo các vấn đề phức tạp trong công ty. Các thành viên HĐQT cũng thường nhận được thông tin về công ty từ những

48

tài liệu do Ban giám đốc cung cấp hoặc trình bày. Đôi lúc những thông tin này quá ngắn hay quá khái quát đối với họ để đánh giá được tính đúng đắn hay khôn ngoan của các chính sách kinh tế của công ty. Trong hầu hết các trường hợp, ban giám đốc thường có sự lựa chọn thông tin, dẫn đến rủi ro là bức tranh về tình hình kinh doanh của công ty mà thành viên Hội đồng quản trị nhận được bị méo mó không nhận biết được.

- Nguyên nhân do thiếu động lực: các thành viên HĐQT thường chỉ nhận được mức phí, thù lao cố định hàng năm mà không liên quan đến nỗ lực, khả năng đại diện, bảo vệ cổ đông của họ.

-Nguyên nhân từ quá trình lựa chọn thành viên HĐQT: một thực tế khá phổ biến hiện nay là nhiều cuộc bầu cử HĐQT trong các công ty cổ phần, các cổ đông đơn giản bỏ phiếu bất cứ người nào được đề cử bởi hội đồng đề cử của công ty. Quá trình này chịu sự chi phối rất lớn của bộ máy quản lý, ban giám đốc.

Giám đốc và bộ máy điều hành

Giám đốc hay tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty, do Hội đồng quản trị bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước hội đồng này. Giám đốc hay tổng giám đốc công ty có thẩm quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của công ty, tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị, kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty, quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm, chế độ lương bổng và các chức danh khác trong công ty mà không thuộc thầm quyền của Hội đồng quản trị, kiến nghị các vấn đề thuộc thẩm quyền của quyết định của Hội đồng quản trị…

Giám đốc hay tổng giám đốc và những người trong ban giám đốc theo hệ thống Anh - Mỹ (thường được dùng là offices) thông thường bao gồm các chức danh giám đốc (president), phó giám đốc (vice - president), thủ quỹ

49

(treasurer) và thư ký (secretary). Pháp luật của nhiều nước không ngăn cấm việc giám đốc/ tổng giám đốc kiêm nhiệm chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty [9, tr. 249].

Thư ký công ty trong công ty cổ phần ở các nước thường có chức năng làm chứng cho chữ ký của giám đốc. Ở Anh, vai trò của người thư ký được coi là bảo đảm cho các thủ tục công ty đề ra được Hội đồng quản trị áp dụng và được thường xuyên duyệt lại [14, tr. 175].

Luật Doanh nghiệp 2014 đã tích hợp tất cả các tinh túy của những năm tháng lịch sử thực hiện các luật lệ về công ty cổ phần trước đó ở Việt Nam và đúc rút các kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển để xây dựng nên mô hình quản trị công ty cổ phần mới thích hợp với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Các suy tính nói trên là các suy tính quan trọng nhất thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2014 về mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra của sự phát triển kinh tế, xã hội.

50

Chương 3

BÀI HỌC LỊCH SỬ VÀ CÁC KIẾN NGHỊ LIÊN QUAN

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Sự phát triển mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)