Các nhân tố bên trong

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 52 - 57)

* Tiềm năng, lợi thế về tự nhiên và kinh tế - xã hội: - Các yếu tố tự nhiên:

Điều kiện tự nhiên là nhân tố tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất nông nghiệp ngoại thành nói riêng. Khi điều kiện tự nhiên (đất đai, nguồn nước, thời tiết, khí hậu…) phù hợp, thuận lợi cho sự phát triển của các loại cây trồng hoặc vật nuôi và ngược lại. Trong điều kiện như nhau, nếu quy mô diện tích đất lớn, ứng dụng KHCN vào sản xuất sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản.

Vị trí địa lý cũng quy định sự phát triển của một số loại nông sản có giá trị, với lợi thế cạnh tranh, mang tính đặc trưng cho từng vùng. Đặc biệt, đối với nông nghiệp ngoại thành, vị trí địa lí (thường bao quanh các đô thị lớn) sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản khi nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ gắn liền với nhau. Hơn nữa, với cự ly thường gần trung tâm đô thị, các khu vực ngoại thành có thuận lợi phát triển nông nghiệp sinh thái, kết hợp với dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi, nghỉ ngơi cho cư dân đô thị.

Tuy nhiên, với vị trí địa lý bao quanh các trung tâm đô thị, khu vực sản xuất của nông nghiệp ngoại thành dần bị thu hẹp do quá trình ĐTH, hay bị ô nhiễm đất, nguồn nước. Trong các yếu tố tự nhiên, khí hậu, nước, sinh vật

được coi là yếu tố tác động trực tiếp và thường xuyên nhất đến phát triển nông nghiệp ngoại thành. Do vậy, yêu cầu xử lý nguồn nước thải từ sinh hoạt, sản xuất làng nghề hay đầu tư khoan giếng để cung cấp nguồn nước sạch cho sản xuất nông nghiệp ngoại thành đang là bài toán đặt ra cần ưu tiên xử lý trước nhất.

- Các yếu tố kinh tế - xã hội:

Điều kiện KT-XH tác động đến hướng chuyên môn hóa, trình độ, quy mô và hiệu quả sản xuất trong quá trình phát triển nông nghiệp ngoại thành. Một số yếu tố cơ bản trong điều kiện KT-XH tác động đến sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành là:

+ Đô thị hóa biểu hiện ở sự gia tăng dân số, sự phát triển nhanh chóng của KCHT với mở rộng diện tích hoặc xây dựng các khu đô thị mới. Quá trình ĐTH có vai trò thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành khi công nghiệp, dịch vụ ngày càng mở rộng sẽ kéo theo sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, cũng như cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm…; hay thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống nông dân được cải thiện thì nhu cầu về số lượng, chất lượng lương thực, thực phẩm tăng; hoặc có sự tích luỹ, tạo điều kiện mở rộng tái đầu tư phát triển, trong đó có nông nghiệp ngoại thành. Song, ở chiều ngược lại, quá trình ĐTH quá nhanh sẽ kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành khi sự suy giảm diện tích đất canh tác tăng dần; tình trạng vừa dư thừa và vừa thiếu hụt lao động; vấn đề ô nhiễm do chất thải công nghiệp và sinh hoạt… ngày càng trở nên nghiêm trọng.

+ Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ngoại thành nói riêng là yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành. Vốn đầu tư là một nguồn lực quan trọng để nâng cấp KCHT, xây dựng NTM; đầu tư KHCN cho phát triển nông nghiệp ngoại thành nhằm xây dựng nền NNCNC. Quy mô, chất lượng và khả năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hay khả năng thu hút, tiếp cận nguồn vốn

đóng vai trò quan trọng để phát triển nông nghiệp ngoại thành. Tuy nhiên, nếu đầu tư dàn trải, thiếu khoa học sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực quan trọng này. Hơn nữa, đầu tư cho nông nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận không cao như xây dựng, công nghiệp và dịch vụ, vì nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro nên cần có những khuyến khích đầu tư phù hợp đối với các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ tư nhân, doanh nghiệp, tín dụng của các ngân hàng thương mại.

+ Kết cấu hạ tầng nông thôn là nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp ngoại thành, nếu có được hệ thống KCHT nông thôn hiện đại, đồng bộ sẽ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, giao dịch; thúc đẩy lưu thông, mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện ứng dụng hiệu quả KHCN và hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhưng nếu không phát huy được thì sẽ cản trở sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành. Hiện nay, KCHT nông thôn vùng ven đô ở các thành phố lớn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tạo động lực cho nông nghiệp ngoại thành phát triển.

+ Nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, phân phối nông sản, nông nghiệp ngoại thành sẽ tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; làm thay đổi phương thức sản xuất. Hiện nay, KHCN là yếu tố quyết định đến sự phát triển của nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ngoại thành nói riêng. Vì vậy, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, phân phối nông sản sẽ là động lực cho sự phát triển; đồng thời khắc phục được những hạn chế của tự nhiên, những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường ở khu vực ngoại thành; chủ động hơn trong hoạt động và khả năng phân bố sản xuất, tạo điều kiện hình thành các vùng NNCNC, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp ngoại thành. Tuy nhiên, nếu không có một định hướng hay chiến lược rõ ràng trong việc xác định những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với các điều kiện phát triển của từng địa phương, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, phân phối

sản phẩm sẽ làm giá thành một số mặt hàng nông sản tăng cao, không cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại khác.

+ Chất lượng nguồn nhân lực cũng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành. Để có được ngày càng nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, nhân tố con người được xác định là yếu tố quyết định đem đến từ năng suất, chất lượng trong sản xuất, kéo theo giảm chi phí, giảm giá thành. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cho người làm nông nghiệp ngoại thành nhằm tạo nên những người lao động mới nắm chắc KHCN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo kịp những thay đổi của BĐKH và nhu cầu, thị hiếu của thị trường… là con đường ngắn nhất góp phần hoàn thành tiến trình CNH, HĐH NN, NT. Ở khu vực ngoại thành, lao động nông nghiệp thường bị thiếu hụt do sự chuyển dịch sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, song, nguồn nhân lực khu vực nông thôn ngoại thành thường có chất lượng cao phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, phân phối nông sản. Ngoài ra, với nguồn nhân lực chất lượng, nông nghiệp ngoại thành sẽ thích ứng cao nhu cầu của thị trường tiêu dùng khi nắm bắt, tiếp cận nhanh các tín hiệu từ thị trường này để sớm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

* Xây dựng, thực thi chính sách của địa phương:

Chính sách phát triển nông nghiệp ngoại thành là các biện pháp kinh tế hoặc phi kinh tế thể hiện sự tác động, can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo những mục tiêu xác định, trong một thời hạn nhất định.

Chính sách phát triển nông nghiệp ngoại thành tốt sẽ tạo ra động lực để phát huy tối đa các nguồn lực, tính năng động của những chủ thể tham gia vào sản xuất, kinh doanh; hay khai thác lợi thế từ khu vực đô thị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nông nghiệp ngoại thành theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, đổi mới, hoàn thiện chính sách thúc đẩy

phát triển là vấn đề quan trọng đặt ra cho sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành. Một số cơ chế, chính sách tác động trực tiếp đến phát triển nông nghiệp ngoại thành gồm: chính sách đất đai (chịu tác động của quá trình ĐTH); quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp ngoại thành; chính sách tài chính - tín dụng; phát triển nhân lực; phát triển KHCN… Trong đó, việc xây dựng, thực hiện các quy hoạch phát triển nông nghiệp ngoại thành để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp ngoại thành; bảo đảm hài hòa về lợi ích cho các chủ thể sở hữu, sử dụng đất đai, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái khu vực cả trong và ngoại thành.

* Sự phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất:

Hiện nay, mô hình thức tổ chức sản xuất cơ bản nhất là: Kinh tế hộ, HTX, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp. Đối với phát triển nông nghiệp ngoại thành hiện nay, kinh tế trang trại là mô hình tổ chức, liên kết sản xuất cơ bản nhất, hiệu quả nhất, là cơ sở để liên kết sản xuất ở mức độ cao hơn. Các mô hình tổ chức sản xuất thường liên kết với nhau trong một chuỗi giá trị và hướng tới phương thức sản xuất NNCNC. Nông nghiệp ngoại thành cũng có đẩy đủ các hình thức liên kết sản xuất giống như trong toàn bộ một nền nông nghiệp nói chung, như: hộ nông dân liên kết thành HTX; HTX hợp đồng với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; hộ nông dân làm thuê cho doanh nghiệp… Theo xu hướng phát triển, nông nghiệp ngoại thành có nhiều mối liên kết “4 nhà”, liên kết giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; liên kết vùng, liên kết ngành hàng… để nâng cao sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản.

Với sự phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất, nông nghiệp ngoại thành chuyển đổi từ sản xuất và kinh doanh manh mún, lạc hậu sang lối công nghiệp; đồng thời làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, nâng cao năng suất lao động cũng như đời sống vật chất và văn hoá của người dân. Do vậy,

Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho từng mô hình tổ chức sản xuất và liên kết được hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích tối đa cho các chủ thể tham gia thực hiện chuỗi giá trị sản xuất.

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w