- Những năm qua, nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn thành phố. Sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ, GTSX liên tục tăng qua các năm. Cùng với sự phát triển của sản xuất, nhiều HTX, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
- Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm sạch, an toàn. Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp có sự thay đổi theo hướng hiệu quả hơn, đạt được những thành tựu quan trọng và là nền tảng vững chắc góp phần ổn định KT-XH. Cơ cấu kinh tế NN, NT đã có sự chuyển dịch đúng hướng bền vững, phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, gắn kết với thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Cơ cấu kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học, cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm tỷ trọng sử dụng các yếu tố thủ công, năng suất thấp, độc hại cho môi trường, cũng như sức khoẻ người dân khu vực ngoại thành.
- Bước đầu định hình, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, chuyên môn hoá, đem lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu của một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị và sinh thái, như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng hoa, vùng trồng cam canh, bưởi diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì… Liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với các khâu dịch vụ khu vực NN, NT ngoại
thành Hà Nội đã có bước phát triển, nhất là các dịch vụ cung ứng giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp…
- Các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã từng bước có sự chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần kinh tế trang trại, doanh nghiệp và có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động ngày càng có hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn; mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; sản xuất rau an toàn; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm; nuôi trồng thủy sản… được đẩy mạnh. Tổ chức sản xuất trong khu vực nông nghiệp ngoại thành đã thể hiện sự chuyển biến mạnh về chất, nhiều hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hiệu quả đầu tư cao đã xuất hiện trong các ngành sản xuất và ở nhiều địa bàn.
- Nông nghiệp ngoại thành phát triển đã góp phần giảm khoảng cách giàu - nghèo giữa các quận nội thành với ngoại thành, người nông dân dễ dàng tiếp cận được với văn hóa, tri thức. Thu nhập bình quân của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hà Nội là 8,2 triệu đồng/năm, thì đến năm 2014, con số này đạt 28,6 triệu đồng. Tính đến hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn Thủ đô đã đạt 36 triệu đồng/năm [68, tr.6].