- Chính sách của Nhà nước và Chương trình xây dựng nông thôn mới: Chính sách của Nhà nước có tác động mạnh mẽ bằng nhiều hướng, theo nhiều mục tiêu khác nhau đối với sự phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển nông nghiệp ngoại thành nói riêng. Việc ban hành và thực hiện các chính sách là nhằm định hướng chiến lược, điều chỉnh mối quan hệ trong nội bộ ngành nông nghiệp hay hỗ trợ sự phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất… Tuy nhiên, khi chính sách không còn phù hợp, bộc lộ hạn chế sẽ là làm chậm lại sự phát triển của nông nghiệp.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 là một chương trình tổng thể về phát triển KT-XH, chính trị và an ninh - quốc phòng địa bàn nông thôn trong cả nước. Chương trình này sẽ còn được thực hiện ở nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó tập trung cải tạo, xây dựng KCHT ở khu vực nông thôn và ngoại thành; làm chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động theo hướng bền vững, hiện đại; nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển nông nghiệp ngoại thành; góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động khu vực ngoại thành… Tuy nhiên, xây dựng NTM cũng kéo theo sự mở rộng của không gian đô thị, làm diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; hơn nữa, có thể làm lãng phí và giảm các nguồn lực ở địa phương, trong đó có nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ngoại thành.
- Sự mở rộng và phát triển thị trường:
Khu vực đô thị là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng với sự tập trung dân cư và lượng khách vãng lai; thu nhập của cư dân đô thị có xu hướng ngày càng cao nên sức tiêu thụ hàng hóa lớn; đồng thời KCHT tương đối hoàn chỉnh và hệ thống phân phối hàng hóa phong phú, đa dạng như các siêu thị
lớn, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, nơi đặt trụ sở của các chợ thương mại điện tử… Cùng với đó là sự phát triển của công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp ở đô thị là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nông nghiệp ngoại thành phát triển. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản lại cao và khắt khe hơn, đòi hỏi sự phát triển nông nghiệp ngoại thành sớm hình thành chuỗi liên kết từ nông trại đến bàn ăn, tăng cường liên kết với các nguồn lực từ khu vực đô thị, hướng tới NNCNC, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
- Thách thức từ hội nhập quốc tế:
Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, nhất là với các hiệp định thương mại thế hệ mới, nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông nghiệp ngoại thành nói riêng sẽ chịu tác động cả tích cực lẫn tiêu cực từ nhiều khía cạnh như: mở cửa thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư, lao động, tổ chức thể chế, quản trị, chính sách và môi trường kinh doanh… Nếu thích ứng tốt, với cơ chế, chính sách hợp lý, sự ưu tiên, tập trung các nguồn lực…, nông nghiệp ngoại thành sẽ tận dụng được những thuận lợi cho thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng KHCN hiện đại. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thích ứng, nông nghiệp ngoại thành sẽ gặp nhiều khó khăn khi chịu sự cạnh tranh của nhiều nông sản phẩm ngoại nhập, có thể sẽ “thua trên sân nhà”.
- Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu:
Thời gian gần đây, BĐKH đang diễn biến phức tạp, khó lường và ngày càng rõ nét, ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống con người và hệ sinh thái tự nhiên, nhất là hiện tượng đảo nhiệt ở các thành phố lớn làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành. Dưới tác động của BĐKH cùng với xu thế nóng lên của toàn cầu, ảnh hưởng của ĐTH, nhiệt độ ở các đô thị sẽ tiếp tục tăng và cao hơn so với các vùng xung quanh (do hiệu ứng đảo nhiệt). Với những diễn biến của BĐKH, một số loại cây trồng đặc sản có lợi
thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp ngoại thành sẽ bị ảnh hưởng, có thể làm thay đổi chất lượng hoặc mất dần về diện tích. BĐKH làm xuất hiện nhiều các hiện tượng thiên tai như: bão, lũ lụt, lốc xoáy… cũng như nguy cơ ngập lụt các vùng đất thấp ở thành phố, đe dọa đến năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản ngoại thành. Tuy nhiên, BĐKH cũng thúc đẩy đầu tư và ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh nông sản.
Ngoài các yếu tố cơ bản kể trên, còn nhiều nhân tố khác nữa như sự CDCC lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp, quy định về sở hữu ruộng đất trong Luật Đất đai, kinh nghiệm, tập quán sản xuất… sẽ tạo nên những đan xen giữa thúc đẩy cũng như cản trở sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành. Do vậy, cần xác định rõ những yếu tố tác động và có giải pháp để hạn chế yếu tố cản trở và hỗ trợ yếu tố thúc đẩy phát triển nông nghiệp ngoại thành là một yêu cầu khách quan.