Vị thế của ngành có tác động rất quan trọng đến động lực lao động cho công nhân sản xuất. Khi một ngành nào đó có vị thế cao, sức hút của ngành đó đối với nhân lực cũng sẽ cao, công nhân sản xuất đang làm việc trong ngành đó sẽ phải cố gắng làm việc để tránh bị sa thải. Mặt khác, khi được làm việc trong ngành có vị thế cao, tự thân người công nhân sẽ có sự hài lòng đối với công việc bởi công việc họ đang làm là mong muốn của nhiều người.
Sản xuất và khai thác than là một trong những ngành công nghiệp được hình thành sớm nhất ở nước ta (cùng với các ngành xi măng, dệt, đường sắt). Trong những năm qua ngành khai thác và sản xuất than đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trung bình từ 10% - 12% GDP. Vì thế Chính phủ xác định khai thác và sản xuất là ngành phát triển chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Cùng với sự đi lên của đất nước, việc xây dựng cơ sở hạ tầng được quan tâm cùng với đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu xây dựng tăng kéo theo nhu cầu tiêu thụ than tăng mạnh trong những năm qua. Việt Nam là nước có tiềm năng về tài nguyên than, bao gồm: than anthracite phân bố chủ yếu ở các bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, sông Đà, Nông Sơn, với tổng tài nguyên đạt trên 18 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh là lớn nhất với tài nguyên trữ lượng đạt trên 9 tỷ tấn, trong đó hơn 4 tỷ tấn than đã được thăm dò và đánh giá đảm bảo độ tin cậy. Bể than Quảng Ninh đã được khai thác từ hơn 100 năm nay phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, việc tiến hành khai thác than đảm bảo
cho nhu cầu sản xuất điện hiện nay chủ yếu tập trung ở Bể than Đông Bắc (trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh). Bên cạnh đó lao động trong ngành khai thác và sản xuất than là một trong số nhóm lao động hưởng lương cao bên cạnh ngành công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, sản xuất phân phối điện và khí đốt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là công ty vì thế mà sẽ không quan tâm đến việc xây dựng một chính sách tạo động lực hiệu quả bởi công ty luôn phải đối mặt với nguy cơ mất lao động do người lao động giỏi của công ty có thể di chuyển đến làm việc ở tổ chức khác cùng ngành song có chính sách tạo động lực tốt hơn.
2.3.2.2. Điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của cả nước và của địa phương
Công ty nằm trong khu kinh tế thuận lợi, đươc gọi là “bể than của cả nước”, nơi tập trung rất nhiều công ty lớn như công ty Than Mạo Khê, công ty Than 45, Xí nghiệp Khai thác và Cung ứng Than X91, bên cạnh đó còn rất nhiều công ty đang được xây dựng như công ty VINA - TAKAOKA, công ty cổ phần cung ứng tàu biển Quảng Ninh. Hàng năm, số công nhân cần tuyển tăng lên đến con số hàng nghìn, trong khi đó cung lao động còn rất ít. Nguồn lao động đặc biệt là công nhân có trình độ chuyên môn cao chưa đáp ứng đủ nhu cầu ở hiện tại và trong tương lai, điều đó tạo nên sức ép cho các công ty trong việc thu hút và giữ chân người tài. Do vậy để có thể cạnh tranh với các công ty khác trong việc thu hút và giữ chân nhân viên, đòi hỏi công ty phải xây dựng được chính sách nhân sự hiệu quả trong đó công tác tạo động lực lao động phải được đặt lên hàng đầu.
2.3.2.3. Yếu tố pháp luật và quy định của nhà nước
Tất cả những quy định của nhà nước về tiền lương tối thiểu, tiền công, tiền thưởng và phúc lợi đối với công nhân sản xuất, chính sách đối với lao động nữ, thời gian làm việc,…đều ảnh hưởng tới việc xây dựng các chính sách tạo động lực cho công nhân sản xuất tại công ty. Điều đó đòi hỏi công ty
khi xây dựng các quy chế cần tuân thủ đầy đủ những quy định trên. Do vậy, công ty cũng đang cố gắng hoàn hiện bộ máy quản trị nhân sự nhằm đưa công tác quản trị đi vào quy củ; đồng thời tiến tới thực hiện áp dụng một số chính sách về tiền lương như áp dụng lương tối thiểu của Nhà nước quy định, tiến hành trả lương làm thêm giờ,…