Năng suất lao động là một chỉ tiêu đánh giá hiệu quả: “Năng suất lao động là hiệu quả của hoạt động có ích của con người trong một đơn vị thời gian, nó được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc hao phí để sản xuất ra được một sản phẩm”. [1, tr.119]
Công thức : W = Q/T hoặc t = T/Q Trong đó :
W : năng suất lao động
Q : Sản lượng sản xuất ra trong đơn vị thời gian T,có thể biểu hiện bằng số lượng sản phẩm hoặc giá trị, doanh thu ,lợi nhuận…
T : lượng lao động hao phí để hoàn thành sản lượng Q (đơn vị : người, ngày công, giờ công…)
t : lượng lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hay hiệu suất của lao động cụ thể trong quá trình sản xuất. Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất thể hiện tính chất và trình độ tiến bộ của một tổ chức, một đơn vị sản xuất, hay của một phương thức sản xuất. Năng suất lao động được quyết định bởi nhiều nhân tố, như trình độ thành thạo của người lao động, trình độ phát triển khoa học và áp dụng công nghệ, sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất, quy mô và tính hiệu quả của các tư liệu sản xuất, các điều kiện tự nhiên.
Trong một doanh nghiệp, nếu như các yếu tố khác không thay đổi thì việc tăng hay giảm năng suất lao động phản ánh thực trạng tạo động lực lao động tại doanh nghiệp đó. Khi các nhân viên có động lực để làm việc, họ sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu cá nhân của họ, năng suất lao động tăng lên. Điều này chứng tỏ công tác tạo động lực tại doanh nghiệp đang được thực hiện tốt. Ngược lại, nếu năng suất lao động giảm, nhân viên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc thì doanh nghiệp cần đánh giá, xem xét lại các công tác tạo động lực đang thực hiện tại doanh nghiệp mình.