Phân bón, mật độ, thời điểm thu hoạch là căn bản thâm canh sắn

Một phần của tài liệu NOIDUNGLA (1) (Trang 30 - 32)

4. Đóng góp mới của đề tài

1.1.4. Phân bón, mật độ, thời điểm thu hoạch là căn bản thâm canh sắn

Giống sắn có năng suất cao đó là một lợi thế tiềm năng trong việc nâng cao sản lượng sắn. Tuy nhiên để quản lý tốt việc sản xuất sắn đòi hỏi phải có các biện pháp kỹ thuật kèm theo, đó là yếu tố cốt lõi quyết định tối ưu hóa năng suất, đảm bảo thành công về lâu dài ngành sản xuất sắn nguyên liệu theo hướng thâm canh và bền vững.

Reinhardt Howeler và Tin Maung Aye (2015) [25], đúc kết thông tin về nhu cầu dinh dưỡng cây sắn, lượng phân bón và chế độ bón phân cho cây sắn của nhiều tác giả khác nhau trong suốt 50 năm qua, kết luận: Cây sắn để đạt năng suất 15 tấn củ/ha, đã lấy đi lượng dinh dưỡng trung bình là 74 N + 16 P2O5+ 78 K2O+ 27 Ca + 12 Mg kg/ha. Theo Howeler, (2004) [86], cây sắn thường cần lượng dinh dưỡng 150 kg N + 30 kg P2O5 +150 kg K2O để đạt năng suất củ tươi 30 tấn/ha. Sắn hút kali mạnh ngay từ đầu, tháng thứ hai sắn đã hút kali gấp 10 lần so với tháng thứ nhất, tháng thứ ba gấp ba lần so với tháng thứ hai, trước lúc thu hoạch lượng kali được hút gấp 2,5 lần tổng lượng đạm và lân. Nhu cầu về đạm tháng thứ hai gấp rưỡi nhu cầu đạm của tháng thứ nhất, tháng thứ ba gấp bốn lần của tháng thứ hai, tháng thứ tư gấp rưỡi của tháng thứ ba, lượng đạm hút được nhiều nhất vào các tháng thứ 8, thứ 10 nhưng tốc độ hút đạm chậm lại. Lân được cây hút đều trong suốt quá trình sinh trưởng. Nếu cung cấp P, K vượt mức giới hạn cho phép sẽ ức chế đến sự hấp phụ các chất dinh dưỡng khác như Fe và Zn hoặc Ca, Mg làm cho sắn sinh trưởng phát triển kém, năng suất củ giảm. Việc cung cấp dư thừa đạm dẫn đến cây sắn phát triển mạnh về thân lá, ẩm độ không khí của bộ lá cao, không bào lá lớn, lá non hơn dẫn đến cây sắn dễ bị sâu bệnh phá hại. Bón phân dư thừa sẽ làm tăng giá thành sản xuất và đôi khi làm giảm năng suất dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Chính vì vậy, duy trì việc cung cấp dinh dưỡng cân đối cho cây sắn rất cần thiết để đạt năng suất, lợi nhuận cao và quản lý bền vững độ phì nhiêu của đất sắn. Việc bón kết hợp phân hóa học N, P, K và phân hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh là giải pháp chìa khóa để thâm canh sắn bền vững.

Sắn là cây nhiệt đới, ưa cường độ ánh sáng mạnh, có khả năng chịu hạn. Khi có đầy đủ ánh sáng cây sắn có khả năng tạo ra đường bột và tích luỹ vào củ mạnh hơn so với các cây trồng khác. Khi thiếu ánh sáng cây sắn phân hoá chậm, chiều dài lóng tăng lên, năng suất giảm rõ rệt. Nếu cường độ ánh sáng yếu thì chiều dài lóng sẽ tăng lên, làm cho cây cao, tăng tốc độ ra lá nhưng lại làm giảm tuổi thọ lá, từ đó làm cho quá trình vận chuyển chất khô về củ sẽ giảm. Cường độ ánh sáng giảm một nửa thì lượng chất khô vận chuyển về củ giảm 30%. Do đó, mật độ và khoảng cách trên một đơn vị diện tích hợp lý là một yếu tố nâng cao năng suất (vì nó quyết định đến số cây/m2) và chất lượng sắn củ. Mật độ cây trồng phụ thuộc vào yếu tố đất đai, giống, khí hậu, thời tiết, chế độ canh tác. Một mật độ hợp lý sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cây sắn phát huy tốt nhất tiềm năng cho năng suất trong điều kiện tự nhiên và canh tác đó [48]. Mật độ và khoảng cách trồng sắn đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam tiến hành, có kết luận chung: Khoảng cách và mật độ trồng sắn là tuỳ thuộc giống sắn, loại đất và độ phì nhiêu của đất sắn để điều chỉnh và xác định cho thích hợp. Nguyên tắc chung là “sắn cây cao to trồng thưa, sắn cây thấp gọn trồng dày, đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày, đất xấu cần đầu tư nhiều phân hơn so với đất tốt”. Đất tốt: Khoảng cách trồng 1,00 m x 0,70m - 0,80 m, mật độ 14.300 - 12.500 cây/ha. Đất trung bình:

Khoảng cách trồng 0,90 m x 0,80 m, mật độ 13.888 cây/ha. Đất nghèo: Khoảng cách trồng 0,80 m x 0,70m - 0,80 m, mật độ 15.620 -16.286 cây/ha. Thí nghiệm xác định mật độ trồng sắn tại đất xám ở huyện Đồng Xuân và đất đỏ ở huyện Sông Hinh của tỉnh Phú Yên đã được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở khoa học này.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhất thì nhì thục” để nêu bật giá trị đặc biệt quan trọng của thời vụ trồng và thời điểm thu hoạch trong kỹ thuật thâm canh. Xác định khung thời vụ gieo trồng và thu hoạch sẽ đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu sinh trưởng phát triển và cho năng suất chất lượng cao nhất của cây trồng. Cơ sở để xác định thời vụ chính là đặc tính sinh trưởng phát triển của cây và đặc điểm khí hậu từng vùng.

Thời vụ gieo trồng và thời điểm thu hoạch ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và phẩm chất của sắn; đặc biệt đối với sắn công nghiệp. Sắn là cây hàng niên cũng là cây đa niên có khả năng canh tác lưu niên ở trên đồng ruộng. Ở Việt Nam, sắn thường được khai thác như là cây hàng niên. Trong vụ Đông Xuân ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ Việt Nam, sắn vụ Xuân đã được nông dân khai thác sáng tạo dưới dạng thực của cây hàng niên vừa là cây đa niên: Sắn trồng vụ Xuân cuối mùa mưa thì 6 tháng đầu cây sinh trưởng trong vụ khô. Cây sắn lúc trồng tận dụng được đất ẩm cuối vụ mưa do một đến hai cơn mưa cuối cùng để giúp sắn mới trồng nảy mầm tốt và được chậm phát triển trong điều kiện khô hạn của sáu tháng mùa khô ít mưa. Sau đó, sắn vào giai đoạn sinh trưởng phát triển mạnh và tích luỹ bột tiếp thì rơi vào 6 tháng vụ mưa, đủ thời gian tích lũy bột. Kế tiếp sau đó, sắn có 6 tháng vụ khô nên rất thích hợp cho sự tích lũy tinh bột để đạt năng suất bột cao. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn đặc biệt quan trọng của kỹ thuật thâm canh rải vụ sắn, chuyển đổi cơ cấu vụ trồng, nâng cao năng suất lợi nhuận trồng sắn cho nông dân và kéo dài thời gian hoạt động chế biến của nhà máy tinh bột sắn. Nghiên cứu vụ trồng và thời điểm thu hoạch sắn ở Phú Yên có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

Một phần của tài liệu NOIDUNGLA (1) (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w