5. Những đóng góp mới của luận án
1.1.3. Các cấp độ năng lực cạnh tranh
1.1.3.1. Năng lực cạnh tranh ở cấp độ quốc gia
Đề cập đến phạm vi quốc gia, NLCT ở cấp độ này thường phụ thuộc vào năng suất sử dụng nguồn lực con người, tài nguyên và vốn của quốc gia đó, nó gắn liền với NLCT của tất cả các chủ thể bên trong nền kinh tế.
Uỷ ban phụ trách về NLCT của các ngành ở Hoa Kỳ (The U.S. President's Commission on Industrial Competitiveness) đưa ra định nghĩa về NLCT của một quốc gia như sau: NLCT của một quốc gia là khả năng mà quốc gia đó – trong điều kiện thị trường tự do và công bằng – có thể sản xuất hàng hoá dịch vụ đạt tiêu chuẩn
của thị trường quốc tế, đồng thời vẫn duy trì và mở rộng được thu nhập thực tế của công dân nước mình.
Theo báo cáo về NLCT toàn cầu (The Global Competitiveness Report) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 1997 thì NLCT của một quốc gia là khả năng mà quốc gia đó duy trì và đạt được những tiến bộ trong việc cải thiện mức sống, được phản ánh bằng mức tăng GDP trên đầu người [125].
Đối với một quốc gia, NLCT là khả năng nâng cao mức sống một cách nhanh và bền vững, tức là đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định được đo lường bằng mức độ thay đổi trong thu nhập bình quân đầu người qua các năm [4]. Chúng được đo bằng các chỉ số NLCT toàn cầu (GCI), được xây dựng bởi 9 nhóm yếu tố: thể chế, hạ tầng, kinh tế vĩ mô, giáo dục tiểu học và y tế, đào tạo và giáo dục bậc cao, hiệu quả thị trường, mức độ sẵn sàng về công nghệ, trình độ kinh doanh và đổi mới. Theo cách tiếp cận này, trình độ và chất lượng hoạt động của các DN là một yếu tố quan trọng quyết định đến NLCT quốc gia.
Giữa các cấp độ cạnh tranh có mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau. Nên khi đánh giá NLCT của DN thì phải đặt nó trong mối tương quan giữa các cấp độ NLCT này. NLCT quốc gia là tiền đề cho ngành, cho DN phát triển thông qua việc tạo ra những cơ hội, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh thuận lợi. NLCT cấp tỉnh tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho DN sở tại hoạt động thuận lợi và hiệu quả.
1.1.3.2. Năng lực cạnh tranh ở cấp độ ngành
Theo Franziska Blunck (2015), NLCT của môt ngành là khả năng đạt được những thành tích bền vững của các DN trong ngành so với các đối thủ nước ngoài, mà không nhờ sự bảo hộ hoặc trợ cấp [79].
Diễn đàn cao cấp về cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã có khái niệm NLCT của ngành như sau: NLCT của ngành là khả năng của ngành trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế [109]. Tuy là định nghĩa của cấp ngành, nhưng OECD đã gắn với điều kiện cạnh tranh quốc tế và định nghĩa này rất hợp lý trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Như vậy, NLCT cấp ngành là tổng hợp NLCT của các DN trong một ngành và mối quan hệ giữa chúng. Nói chung, NLCT của một DN hoặc của một ngành tuỳ thuộc vào khả năng sản xuất hàng hoá, dịch vụ, chất lượng, mức giá bằng hoặc thấp hơn mức giá phổ biến trên thị trường mà không cần đến trợ giá.
1.1.3.3. Năng lực cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp
Theo Aldington Report (1985) Doanh nghiệp có NLCT là DN có thể sản xuất sản phẩm và dịch vụ với chất lượng vượt trội và giá cả thấp hơn các đối thủ khác trong nước và quốc tế. NLCT đồng nghĩa với việc đạt được lợi ích lâu dài của DN và khả năng bảo đảm thu nhập cho người lao động và chủ DN [64].
Trong quản trị chiến lược, “NLCT của một DN là khả năng của một DN đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân của ngành” [89, Tr.105]. Quan niệm này chỉ rõ bản chất của lợi thế cạnh tranh là hướng tới mục tiêu lợi nhuận nhưng lại không giúp nhiều cho việc phân tích các yếu tố tạo nên NLCT, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế.
Năm 1998, Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh đưa ra định nghĩa: Đối với DN, NLCT là khả năng sản xuất đúng sản phẩm, xác định đúng giá cả và vào đúng thời điểm. Điều đó có nghĩa là đáp ứng nhu cầu khách hàng với hiệu suất và hiệu quả hơn các DN khác [75].
Theo Đặng Đức Thành, NLCT của DN được đo bằng khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận cho DN trong môi trường cạnh tranh trong nước và ngoài nước [40].
Theo Tôn Thất Nguyễn Thiêm, NLCT của DN là việc gia tăng giá trị nội sinh và ngoại sinh của DN [43].
Tóm lại, khái niệm NLCT của DN là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và bền vững. NLCT của DN chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả những yếu tố bên ngoài DN như thị trường, thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng lẫn các yếu tố bên trong bản thân DN như trình độ công nghệ, năng lực tổ chức quản lý, tài chính, nhân lực, uy tín,...
1.1.3.4. Năng lực cạnh tranh ở cấp độ sản phẩm
Khái niệm về NLCT sản phẩm vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa có sự thống nhất. Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện cho đến nay đã có nhiều tác giả đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về NLCT sản phẩm, cụ thể như sau:
Theo Bùi Xuân Phong (2006), NLCT của sản phẩm, dịch vụ là khả năng sản phẩm, dịch vụ đó được sử dụng được nhiều và nhanh chóng khi trên thị trường có nhiều DN cùng cung cấp loại sản phẩm, dịch vụ đó [32].
Theo Micheael E.Porter thì NLCT của sản phẩm là sự vượt trội của nó so với sản phẩm cùng loại do các đối thủ khác cung cấp trên cùng một thị trường [103].
Còn theo Tôn Thất Nguyễn Thiêm (2003) thì cho rằng: Sản phẩm cạnh tranh là sản phẩm đem lại giá trị tăng cao hơn hoặc mới lạ hơn để khách hàng lựa chọn sản
phẩm của mình chứ không phải lựa chọn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh không phải mang tính chất nhất thời mà là một quá trình liên tục [43].
Trần Thị Anh Thư (2012), NLCT của sản phẩm, dịch vụ chính là năng lực nắm giữ và nâng cao thị phần của loại sản phẩm, dịch vụ do chủ thể sản xuất và cung ứng nào đó đem ra để tiêu thụ so với sản phẩm, dịch vụ cùng loại của các chủ thể sản xuất, cung ứng khác đem đến tiêu thụ ở cùng một khu vực thị trường và thời gian nhất định [50].
Theo Nguyễn Hữu Khải (2004), NLCT của một loại sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ nào đó trên thị trường trong nước và quốc tế là sự thể hiện tính ưu việt hay tính hơn hẳn của nó so với sản phẩm cùng loại [21].
Cũng theo quan điểm này để đo lường sự vượt trội của sản phẩm cần sử dụng các tiêu chí đánh giá như: Khối lượng sản phẩm bán ra, chất lượng sản phẩm, giá sản phẩm, thương hiệu, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, uy tín của sản phẩm trên thị trường,…cũng như các yếu tố lợi thế về môi trường kinh doanh [21].
NLCT của sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng, giá cả, tốc độ cung cấp, dịch vụ đi kèm, thương hiệu, quảng cáo, uy tín của người bán, chính sách hậu mãi … Khi đánh giá NLCT sản phẩm, dịch vụ người ta thường sử dụng các tiêu chí liên quan đến sản phẩm (chất lượng, mẫu mã, thương hiệu, ...) hoặc kết quả kinh doanh của sản phẩm (sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần). Các tiêu chí này là biểu hiện cả bên trong lẫn bên ngoài của NLCT của sản phẩm, dịch vụ [50].
Do vậy, NCS cho rằng, NLCT sản phẩm là sự vượt trội của sản phẩm đó so với sản phẩm cùng loại trên cùng một thị trường tại cùng một thời điểm.
Sự vượt trội này được xem xét trên cả khía cạnh định tính (chất lượng sản phẩm, thương hiệu, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm,…) và định lượng (giá bán, thị phần, sản lượng, doanh thu,…). Do vậy, đây là căn cứ quan trọng để đánh giá NLCT sản phẩm.
1.2. NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH