trong pháp luật Việt Nam từ trước khi ban hành Luật SHTT 2005
Tại Việt Nam, cho đến trước khi Luật SHTT năm 2005 ra đời, thì việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM không được quy định một cách cụ thể, rõ ràng mà được quy định một cách chung chung về nội dung và tản mạn trong các văn bản pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau, có giá trị pháp lý khác nhau và do nhiều cơ quan khác nhau ban hành, bao gồm: Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 97 về tên gọi của pháp nhân), Nghị định số 63-CP ngày 24/10/1996 và Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/2/2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63-CP của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN (Điều 6.1.f về khả năng phân biệt của Nhãn hiệu hàng hóa), Luật Thương mại năm 1997 (Điều 20, Điều 24 về TTM là nội dung bắt buộc một thương nhân phải có khi đăng ký kinh doanh và cấu tạo của TTM), Luật Doanh nghiệp năm 1999 (Điều 14, Điều 21 về tên doanh nghiệp là nội dung đăng ký kinh doanh), Bộ luật hình sự năm 1999, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 về bảo hộ quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫ địa lý, TTM và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN (Điều 20 về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM). Tuy nhiên, việc bảo hộ TTM, cơ chế chống hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM thông qua các quy định pháp luật nêu trên đạt hiệu quả thấp bởi các lý do sau:
Pháp luật nội dung điều chỉnh về các chủ thể kinh doanh chưa có sự thống nhất về chủ thể áp dụng, chủ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh được quản lý trong mỗi văn bản pháp luật là khác nhau: Bộ luật Dân sự không đề cập đến tên gọi của tổ hợp tác, hộ gia đình; Luật Thương mại chỉ áp dụng cho thương nhân – bao gồm các cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại (bao gồm việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại) nhưng không áp dụng đối với những người buôn bán rong, quà vặt có vốn kinh doanh, doanh thu, thu nhập thấp (Điều 2.2 Luật Thương mại năm 1997); Luật Doanh nghiệp không áp dụng cho Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (Điều 1.2 Luật Doanh nghiệp năm 1999).
Hành vi xâm phạm quyền đối với TTM được xác định cụ thể trong Điều 20 và Điều 21.2 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP, theo đó, hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM là:
Mọi hành vi sử dụng bất kỳ chỉ dẫn thương mại nào trùng hoặc tương tự với TTM của người khác cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới TTM đó” và hành vi đưa các thông tin sai lạc về TTM [9, Đ 20].
Tuy nhiên, giá trị pháp lý của văn bản này không cao bởi đây là một văn bản của Chính phủ, mang tính dưới luật, hướng dẫn văn bản luật, trong khi đó, liên quan đến việc thực thi và bảo hộ quyền SHCN đối với TTM không được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự. Ngoài ra, quy định của điều luật này mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê các dạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM chứ chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về các yếu tố tạo thành hành vi, về căn cứ, về cách thức xác định hành vi xâm phạm quyền
SHCN đối với TTM trên thực tế cũng như về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý có liên quan đến tên của doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh dưới một cái tên nhất định của chủ thể kinh doanh, đặc biệt là đối với một đối tượng mà căn cứ xác lập không theo thủ tục đặng ký tại một cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về SHCN và hoạt động kinh doanh, sử dụng đối tượng này cũng dễ gây nhầm lẫn với các đối tượng về tên của chủ thể kinh doanh, thuộc các ngành luật khác cùng điều chỉnh [1].
Chính sự tản mản, rời rạc, thiếu rõ ràng trong các văn bản có giá trị pháp lý khác nhau như trên gây khó khăn trong việc xác định chính xác hành vi xâm phạm, mức độ xâm phạm và hậu quả của việc xâm phạm quyền SHCN đối với TTM, từ đó, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng trong việc xác định chế tài phù hợp trong việc xử lý các hành vi xâm phạm đó, từ đó khiến cho công tác quản lý TTM, tên doanh nghiệp, tên của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả thấp, tình trạng xâm phạm quyền SHCN đối với TTM khó kiểm soát và ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong tiến trình Việt Nam đang xin gia nhập WTO. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết là Việt Nam phải có một văn bản quy định một cách tập trung, thống nhất các chế định về bảo hộ quyền SHCN đối với TTM nói riêng và quyền SHTT nói chung.