5. Chiến lược giành cho iPhone
5.7.2. Giải pháp bổ sung
Apple cần những thiết kế sáng tạo và đột phá cũng như nâng cấp sản phẩm Iphone của mình
Các phiên bản iPhone gần đây nhất đã không còn tạo được nhiều nét đột phá như trong quá khứ. Có thể thấy rõ ràng rằng iPhone 4S chỉ là một bản nâng cấp nhỏ của iPhone 4, iPhone 5 thì lại khiến nhiều người có cảm giác đó là iPhone 4/4S kéo dài.
Không ai có thể phủ nhận thiết kế của iPhone là rất đẹp, từ iPhone 4/4S cho đến iPhone 5, nhưng về lâu dài thiết kế này sẽ bị xem là nhàm. Tuy vậy, dường như Apple không có ý định làm mới thiết kế của iPhone, khi mà những hình ảnh bị rò rỉ cho thấy thiết kế của iPhone 5S không có nhiều khác biệt so với iPhone 5. Và nếu như vậy thì rõ ràng là iPhone thế hệ 7 đang tự kéo mình chậm lại so với các đối thủ cũng như làm mình xấu hơn trong mắt người dùng. Bởi trong mắt họ, iPhone đã không còn là một sản phẩm đặc sắc như trước nữa. Khi đó thì chỉ có các fan cực trung thành của Apple mới có thể tiếp tục ủng hộ thương hiệu này lần nữa.
Tạm bỏ qua các yếu tố về thiết kế, giờ đây iPhone đã không còn là tượng đài công nghệ của thế giới nữa. Bởi những gì mà iPhone làm được thì smartphone Android cũng có thể làm được. Thậm chí là, đoàn quân Android còn đem đến những trải nghiệm tốt hơn hẳn so với iPhone bằng màn hình to, cấu hình tốt cùng các dịch vụ của Google được tích hợp rất sâu.
Nếu xét đến những điểm hơn của iPhone thì cũng chỉ là mượt hơn, nhiều ứng dụng hơn ..., điều mà hệ điều hành Android giờ đây đã không còn thua kém quá nhiều. iOS đã không còn là hệ điều hành tối ưu nhất như trước kia nữa. Cách đây 2 năm, khi nhắc tới Apple, chúng ta luôn nghĩ ngay đến một cái gì đó cực kỳ cao cấp, cực kỳ thành công và luôn là nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Dưới thời Steve Jobs, Apple là một công ty có những suy nghĩ vô cùng sáng tạo và đột phá. Nhưng hiện tại, về mặt công nghệ, iPhone 5 chỉ được đánh giá ngang tầm với những thiết bị cao cấp Android và không chừng có thể bị vượt mặt trong thời gian tới.
Sớm muộn gì thị trường cũng sẽ bị "bão hòa" với iPhone, do đó tương lai của Apple sẽ không phụ thuộc vào việc thu hút các khách hàng mới mà sẽ phụ thuộc vào việc thu hút khách hàng cũ mua các phiên bản mới của iPhone. Vấn đề là ở chỗ, sản phẩm của Apple tốt đến mức
các khách hàng không mua các phiên bản mới của iPhone đủ "nhanh" để đảm bảo cho tương lai của công ty.
Đây không hẳn là một điều tồi tệ. Việc người dùng "trung thành" với iPhone và iPad của họ cho thấy Apple đã thành công trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao được người dùng yêu quí. Những người dùng này sẽ mua những sản phẩm Apple mới. Nhưng "sẽ mua" không tạo ra doanh thu ngay bây giờ.
Giải pháp của Apple là gì? Họ chỉ có duy nhất một cách để cuốn hút người dùng nâng cấp các sản phẩm của mình. Đó là tạo ra những sản phẩm mới với những cải tiến vượt bậc về thiết kế cũng như cấu hình so với các sản phẩm cũ. Tuy vậy, đây cũng là giải pháp khó nhất. Xét cho cùng, thì màn hình cũng chỉ cần đạt chuẩn Retina, chip xử lý cũng chỉ cần nhanh đến vậy, và 16GB cũng là thừa đủ cho rất nhiều người.
Một giải pháp tệ hơn là ngừng hỗ trợ các sản phẩm cũ – cách mà rất nhiều nhà sản xuất sử dụng Android đang dùng. Tuy vậy, điều này chắc chắn sẽ gây ra thất vọng lớn cho cộng đồng người hâm mộ "Quả táo".
5.7.2.2.Giải pháp về chiến lược giá
Apple cần thận trọng với chiến lược giá hớt váng quá đà
Tất nhiên việc một hãng giảm giá điện thoại một thời gian sau khi tung ra là không có gì đáng ngạc nhiên. Thị trường di động vẫn luôn vận hành như thế, theo chuyên gia nghiên cứu viễn thông Jeff Kagan đã nhận định, điều đó có lẽ rất bình thường đối với các sản phẩm viễn thông khác. Nhưng ở đây là Iphone của Apple, một sản phẩm có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường di động thì việc giảm giá quá nhanh và nhiều như Apple đã gây tác dụng ngược. Giảm giá là hướng đi đúng nhưng không phải quá nhanh, quá nhiều như Apple đã làm. Chính điều này gây ra sự nghi ngại trong tâm lý người tiêu dùng, họ nghi ngờ về chất lượng và giá trị thực của Iphone.
Đối với người tiêu dùng phải chờ đợi quá lâu để có được iPhone thì cho rằng hành động này là không tôn trọng họ hay nghiêm trọng hơn là hành động lừa đảo vì họ, những khách hàng trung thành nhất của Apple, người tạo nguồn doanh thu tốt nhất cho Apple nhưng lại bị xem là con cờ cho chiến lược tăng doanh thu ban đầu rồi thẳng thừng phớt lờ không thương tiếc để giảm giá nhằm tăng số lượng bán hàng.
Do đó, chiến lược giá hớt váng Iphone cần thận trọng khi đưa ra giá ban đầu cũng như thời gian giảm giá tránh gây những phản ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng trung thành.
5.7.2.3. Giải pháp cho chiến lược phân phối
Apple cần tiếp tục mở rộng và kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối sản phẩm
Việc ký kết các bản hợp đồng độc quyền giới hạn với số ít các nhà mạng phần nào đã hạn chế việc đưa sản phẩm Iphone đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, Apple đang từng bước mở rộng việc ký kết với nhiều nhà mạng cùng lúc. Đó là bước đi đúng và phù hợp xu hướng. Nếu việc thỏa thuận với các nhà mạng thành công sẽ tác động tích cực đến sự phân phối Iphone trên thế giới
Những ràng buộc về cam kết sử dụng đối với khách hàng và chính sách không phân phối lại của các nhà mạng được giao quyền phân phối iPhone đã khiến thị trường iPhone co cụm lại. Hàng xách tay nhờ vậy mà có đất sống.
Tại thị trường Việt Nam, doanh số tiêu thụ ở các chuỗi cửa hàng bán lẻ không chính thức vẫn cao do khách hàng không muốn bị ràng buộc bởi cam kết sử dụng với nhà mạng, chấp nhận
chính hãng nhưng không chính thức này. Nhà mạng thì ràng buộc bằng cam kết sử dụng, còn chuỗi cửa hàng phân phối chuyên nghiệp thì bán giá đắt hơn, với số đông khách hàng còn lại, đến với cửa hàng bán hàng xách tay là giải pháp tất yếu.
Hiện nay, các nhà mạng đã đồng ý bán Iphone với giá cao hơn mà không kèm hợp đồng, hay có những gói cước khuyến mãi hấp dẫn. Tuy nhiên, việc Apple cần làm là kiểm soát chặt chẽ các hệ thống phân phối để đảm bảo lợi ích cho khách hàng.
5.7.2.4. Giải pháp về chiến lược xúc tiến
Apple cần kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn nữa để thu hút khách hàng
Một sự thật không hề thay đổi trong hai năm qua đó là sự kiện giới thiệu iPhone mới đã không còn được cuốn hút như xưa. Một phần là do Apple đã lơi lỏng hơn trong khâu bảo mật, khiến cho những tin đồn cứ thế bay xa đủ để khiến chúng ta hình dung được thế nào là iPhone mới trước khi màn giới thiệu chiếc điện thoại này hạ màn. Tuy việc úp mở thông tin có thể tạo hiệu ứng truyền thông trước đó nhưng việc ra mắt một sản phẩm “không có gì khác” so với tin đồn sẽ dần dần làm mất đi sự háo hức của người hâm mộ, khách hàng sẽ thất vọng vì sự độc đáo khó đoán biết của Iphone đã không còn nữa.
Tìm hiểu nhu cầu thị trường để có sự cung ứng phù hợp
Các chiến lược kiềm hàng Iphone đôi khi gây phản ứng tiêu cực từ khách hàng. Việc cháy hàng sản phẩm Iphone 4S tại Trung Quốc ngay trong ngày ra mắt đầu tiên vào tháng 01/2012 gây nên làn sóng phẫn nộ từ dư luận, dẫn đến hành động ném trứng sống thể hiện sự bất bình khiến Apple phải ngừng bán Iphone tại tất cả cửa hàng của Trung Quốc. Và tình trạng khan hiếm hàng vẫn thường xảy ra, đặc biệt là thời gian ra mắt sản phẩm mới, khiến giá sản phẩm bị dội lên cao. Điều đó cho thấy Apple cần cân nhắc chiến lược kiềm hàng, đồng thời đảm bảo sự cung ứng tốt hơn đối với nhu cầu khổng lồ của thị trường thông qua sự thăm dò, tìm hiểu một cách hệ thống và chính xác.
6. KẾT LUẬN
Iphone là sản phẩm thành công và đóng góp rất nhiều cho doanh thu của Apple. Iphone cũng là thương hiệu đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng và có lượng khách hàng trung thành khổng lồ. Thành công của Iphone chính là nhờ vào những chiến lược tài tình của nhà quản trị Steve Jobs và hiện nay là Tim Cook, CEO của Apple. Nếu Steves Jobs là thiên tài về sáng tạo và marketing thì Tim Cook là thiên tài về kinh tế. Những chiến lược của Apple dưới thời Tim Cook đã có nhiều thay đổi so với Steve Jobs nhưng nhìn chung, hiện nay, những chiến lược đó đã đem lại lợi nhuận to lớn cho Apple. Tuy nhiên, về lâu dài, Apple nếu muốn giữ vững vị thế tiên phong và dẫn đầu của mình trong thị trường smartphone với sản phẩm Iphone thì cần có những giải pháp phù hợp, đặc biệt là tạo ra những sản phẩm mang tính cách mạng - đột phá trong tình hình cạnh tranh gay gắt và sự vươn lên không ngừng của các đối thủ.