6. Kết cấu của đề tài
1.1.2. Tăng trưởng kinh tế
Kuznets cho rằng “Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng bền vững về sản phẩm tính theo đầu người hoặc theo từng công nhân” [39]. Định nghĩa này tương tự như định nghĩa do North và Thomas đưa ra “Tăng trưởng kinh tế xảy ra nếu sản lượng tăng nhanh hơn dân số” [43].
Trong khi đó, theo Samuelson và Nordhaus “tăng trưởng kinh tế được thể hiện ở sự gia tăng của sản lượng tiềm năng, hay nói cách khác, thể hiện ở sự dịch chuyển ra ngoài của đường giới hạn khả năng sản xuất” [14, 546 - 547]. Xét về mặt lý thuyết, quan niệm về tăng trưởng như vậy rất hữu ích. Nó giúp chúng ta phân biệt rõ ràng hai mục tiêu kinh tế vĩ mô: ổn định và tăng trưởng. Mục tiêu ổn định là làm cho sản lượng được duy trì thường xuyên ở mức sản lượng tiềm năng, còn mục tiêu tăng trưởng nhằm đẩy nhanh sự gia tăng của sản lượng tiềm năng.
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về lượng kết quả đầu ra của nền kinh tế trong một thời kì (thường là năm) nhất định so với kì gốc (năm gốc). Sự gia tăng đó được thể hiện cả ở quy mô và tốc độ. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng tuyệt đối, trong khi đó tốc độ tăng trưởng thể hiện sự so sánh tương đối giữa các thời kì (năm).
Theo Bách khoa toàn thư “tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản lượng quốc dân (GNP) hoặc quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong một thời gian nhất định” [26].
Ba chỉ tiêu chủ yếu sử dụng để đo lường quy mô sản lượng của nền kinh tế: tổng sản phẩm quốc nội, tổng sản phẩm quốc dân, tổng sản phẩm bình quân đầu người.
Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Products, GDP) hay tổng sản sản phẩm trong nước là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất, tạo ra trong phạm vi một nền kinh tế trong một thời gian nhất định (thường là một năm) [26].
Tổng sản phẩm quốc dân (Gross National Products, GNP) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được tạo ra bởi công dân một nước trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Tổng sản phẩm quốc dân bằng tổng sản phẩm quốc nội cộng với thu nhập ròng [26].
Tổng sản phẩm bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc nội chia cho dân số. Tổng thu nhập bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc gia chia cho dân số.
Để đo lường tăng trưởng kinh tế người ta thường sử dụng chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thường được tính bằng tốc độ gia tăng của GDP theo giá so sánh hoặc được tính bằng tốc độ gia tăng thu nhập bình quân trên đầu người theo giá so sánh.