Có thể khẳng định đền Trần là một cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử to lớn và đặc sắc. Tuy nhiên để cụm di tích ấy thu hút nhiều du khách hơn nữa đến thăm quan,tìm hiểu cần có một nỗ lực để biến nó thành sản phẩm du lịch. Vì vậy, công tác bảo tồn và tôn tạo khu di tích là một trong những khâu quan trọng trong việc biến khu di tích đền Trần (Hưng Hà- Thái Bình) thành một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Trước hết, cần kiểm kê, đánh giá tài nguyên. Đây là một công việc hết sức quan trọng có ý nghĩa tiên quyết đối với các giải pháp tiếp theo. Việc kiểm kê và đánh giá tài nguyên làm cơ sở cho việc xác định đối tượng khách hướng tới (thị trường mục tiêu) bởi trên thực tế mỗi sản phẩm văn hóa chỉ có sức hấp dẫn đối với một hoặc một sốđối tượng khách nhất định.
Trên cơ sở xác định được các đặc tính, thị hiếu của đối tượng khách du lịch sẽ đến thăm quan đền Trần, sẽ có thể đánh giá khả năng khai thác và định hướng đúng đắn trong khai thác cho hoạt động du lịch cũng như công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của cụm di tích này một cách hiệu quả.
Sau khi kiểm kê và đánh giá tài nguyên và đã xác định được các đặc tính,
thị hiếu của khách du lịch cần có kế hoạch chi tiết để bảo tồn tôn tạo khu di tích. Du lịch văn hóa là du lịch tìm về nguồn cội, về những nét văn hóa truyền thống vốn có của cha ông ta từ ngàn xưa để lại. Vì vậy cần giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích; trên cơ sở khoa học đáng tin cậy khôi phục lại một cách
chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mát trong quá trình tồn tại của di tích. Trả lại cho di tích hình dáng vốn có của nó, làm cho khu di tích có độ bền vững về kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của thiên nhiên khắc nghiệt cùng với thời gian.
Khu di tích đền Trần (Hưng Hà- Thái Bình) là do người dân dựng lên từ một ngôi đền cũ. Vì vậy việc tu bổ khu di tích cần có sự tham mưu của người dân địa phương để làm sao cho khu di tích giữ lại được tối đa những yếu tố nguyên gốc. Cần có những biện pháp xử lý nghiêm ngặt đối với những trường hợp vi phạm về bảo tồn như: phá hoại tài sản, tuyên truyền văn hóa xấu ảnh hưởng tới hình ảnh khu di tích…
Đề nghị với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại như: Tòa phương đình trên trục thần đạo, hồ nước, cổng Đông Tây, đền trình, chùa Bến, bến xe, tường bao, cổng dậu để sớm hoàn thiện các hạng mục theo quy hoạch đưa vào khai thác sử dụng; khẩn trương thực hiện việc hoàn trả phần Cựu mà các di vật hiện nay còn được lưu giữ ở Bảo tàng Thái Bình; từng bước khôi phục lại các phần mộ nằm trong khu dân cư làng Tam Đường hiện nay bị phá hủy (phần Lợn,
phần Ổi, phần Quang, phần Mao), xây dựng đài chiến thắng, nhà trưng bày các
hiện vật khảo cổ đền Trần. Nâng cao, tôn tạo các di tích của Hoàng thân quốc thích nhà Trần, xung quanh đền Trần và khu vực lân cận đền thờ Khâm từ Hoàng Thái Hậu, đền thờ Tướng quốc Trần Nhật Hiệu, chùa Hội Đồng..xây dựng nhà BQL di tích để thuận tiện cho việc quản lý.