1. Các lý thuyết về nhân cách và sự hình thành nhân cách
1.1. Khái niệm nhân cách
Quan niệm khoa học về nhân cách: Các nhà khoa học tâm lý cho rằng, khái niệm nhân cách là một phạm trù xã hội, có bản chất xã hội - lịch sử, nghĩa là nội dung của nhân cách là nội dung của những điều kiện lịch sử cụ thể, của một xã hội cụ thể chuyển thành đặc điểm nhân cách của từng người.
A.G. Côvaliov: nhân cách là một cá thể có ý thức, chiếm một vị trí nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định.
E.V.Sôđrôkhôva: nhân cách là con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ thuộc tính và phẩm chất tâm lý, quy định của hình thức hoạt động và hành vi có ý nghĩa xã hội.
Từ những định nghĩa trên, có thể nêu lên một khái quát: Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân quy định bản sắc và giá trị xã hội của con người.
Như vậy, nghiên cứu nhân cách không phải là tất cả các đặc điểm cá thể của con người mà chỉ bao hàm những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ mặt tâm lý xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Nhân cách không phải là một nét, một phẩm chất tâm lý riêng lẻ mà là một cấu tạo tâm lý mới. Nhân cách là tổng hợp những đặc điểm tâm lý đặc trưng với một có cấu trúc xác định. Nhân cách quy định bản sắc riêng của cá nhân, nó biểu hiện ở cả 3 cấp độ: bên trong cá nhân, liên nhân cách và siêu nhân cách.