1. Các lý thuyết về nhân cách và sự hình thành nhân cách
2.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách
2.2.1 Vai trò của bẩm sinh – di truyền
Tục ngữ có câu: “ Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Đánh giá yếu tố bẩm sinh di truyền là yếu tố tiền định về “ số phận, tính cách” của con người. Vậy khoa học giáo dục quan niệm như thế nào về BSDT.
Di truyền là sự tái tạo ở trẻ những thuộc tính sinh học có ở cha mẹ, là sự truyền lại từ cha mẹ đến con cái những đặc điểm và những phẩm chất nhất định đã ghi lại trong hệ thống gien
Ví dụ: người Châu Âu da trắng, mắt xanh; người Châu Phi da đen, tóc xoăn thì con cái của họ ngay khi sinh ra cũng mang những đặc điểm giống với cha mẹ…
Di truyền là những đặc trưng sinh học của cha mẹ truyền cho con cái không chỉ biểu hiện một cách hiện hữu khi đứa bé sinh ra có thể có những mầm mống, tư chất sau một thời gian mới bộc lộ: như hội họa, thơ ca, toán học,...
Bẩm sinh là những thuộc tính đặc điểm sinh học có ngay khi đứa trẻ mới sinh ra như: màu tóc, da, thể trạng, hệ thần kinh,...
b)Vai trò của di truyền, bẩm sinh
BSDT tạo ra sức sống trong bản chất tự nhiên của con người, tạo khả năng cho người đó hoạt động có kết quả trong một số lĩnh vực hoạt động nhất định. Các nhân viên công tác xã hộ cần phải quan tâm đúng mức để phát huy hết các bản chất tự nhiên của con người. Ví dụ như người có thanh quản tốt có thể trở thành ca sỹ; bàn tay khéo có thể trở thành nhà điêu khắc…
- BSDT tạo nên tiền đề vật chất (mầm mống) cho sự phát triển nhân cách, ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành tài năng, xúc cảm. Ví dụ những đứa trẻ có gien di truyền về một lĩnh vực hoạt động nào đó sẽ sớm bộc lộ thiên hướng về lĩnh vực hoạt động đó.
- Những tư chất có sẵn trong cấu tạo của não, trong các cơ quan cảm giác, các cơ quan vận động…là điều kiện để thực hiện có kết quả một hoạt động cụ thể
* Chú ý: Nhân viên công tác xã hội cần phải quan tâm đúng mức để phát huy hết các bản chất tự nhiên của con người. Sớm phát hiện, xác định rõ những tư chất của con người để có kể hoạch chăm sóc bồi dưỡng kịp thời.
2.2.2.Vai trò của môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
Mỗi một con người từ khi sinh ra đã phải sống trong một môi trường nhất định có thể gặp thuận lợi hoặc khó khăn đối với quá trình phát triển.
Môi trường góp phần tạo nên mục đích, động cơ, phương tiện và điều kiện cho hoạt động giao lưu của cá nhân, thông qua đó cá nhân chiếm lĩnh được kinh nghiệm xã hội loài người để hình thành và hoàn thiện nhân cách của mình.
Ngay cả khi con người cùng sống chung trong môi trường nhưng nhân cách của họ lại phát triển khác nhau.
Mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách còn tùy thuộc vào lập trường, quan điểm, thái độ của cá nhân, tùy vào xu hướng, năng lực của cá nhân tham gia cải biến môi trường.Như vậy, tác động của môi trường đối với sự phát triển cá nhân có thể tốt, có thể xấu, có thể tích cực hoặc tiêu cực còn tùy thuộc vào rất nhiều các yếu tố. Có khi con người sống trong một môi trường thấp kém nhưng phẩm chất năng lực không bị hoen ố “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. C.Mác đã
khẳng định rằng: hoàn cảnh đã sáng tạo ra con người, trong một mức độ con người lại sáng tạo ra hoàn cảnh.
Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách cần đánh giá đúng mức vai trò của môi trường, không nên tuyệt đối hoá vai trò của môi trường. Trong quá trình giáo dục con người, cần gắn chặt từng bước giáo dục và học tập với thực tiễn cải tạo xã hội, phải hướng con người vào việc hình thành định hướng giá trị, tạo điều kiện để giúp họ tích cực tham gia vào việc cải tạo và xây dựng môi trường. Đồng thời, trong giáo dục cần hình thành ở họ những định hướng giá trị đúng đắn, xây dựng cho họ một bản lĩnh vững vàng, tạo cho họ tham gia vào việc cải tạo và xây dựng môi trường.
2.2.3. Vai trò chủ đạo của của nhân tố giáo dục a) Khái niệm giáo dục
Giáo dục là quá trình tác động của nhân cách này đến nhân cách khác, là hoạt động phối hợp thống nhất giữa nhà giáo dục và người được giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách theo những yêu cầu của xã hội. Đây là quá trình tác động có mục đích, có nội dung, phương pháp, phương tiện, có tổ chức có kế hoạch giúp cho cá nhân chiếm lĩnh được những kinh nghiệm, những giá trị của nhân loại.
Giáo dục bao gồm có giáo dục trong gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục nhà trường và tự giáo dục. Các loại giáo dục này có mối quan hệ với nhau.
b) Vai trò của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
Ngay từ thời kỳ Trung Hoa cổ đại Khổng Tử (551 - 479 TCN) cũng có quan niệm đánh giá về giáo dục “Viên ngọc không được mài dũa thì không thành đồ ngọc dùng được. Con người không học thì không biết gì về đạo lý”, hoặc “Ăn no mặc ấm, ngồi dưng không được giáo dục thì gần như cầm thú”. Bác Hồ cũng đã nói:
“Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách thể hiện:
- Giáo dục không chỉ vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách, mà còn tổ chức, dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách của con người theo chiều hướng đó. Điều này được thể hiện thông qua mục tiêu đào tạo của nhà trường.
- Giáo dục có thể mang lại những tiến bộ mà các nhân tố di truyền, môi trường không thể có được. Cho nên giáo dục không những thích ứng với các yếu tố BSDT, môi trường mà còn có khả năng kìm hãm hoặc thúc đẩy các yếu tố đó theo một gia tốc phù hợp.
- Giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người bị khuyết tật. Nó có thể bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật gây ra cho con người, phục hồi những chức năng đã mất, giúp họ hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng (ví dụ như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký...)
- Giáo dục có thể uốn nắn những phẩm chất tâm lý xấu và làm cho nó phát triển theo chiều hướng mong muốn của xã hội.
- Giáo dục không chỉ thích ứng mà còn có thể đi trước hiện thực và thúc đẩy nó phát triển. Đồng thời, sự phát triển tâm lý của trẻ chỉ có thể diễn ra một cách tốt đẹp trong những điều kiện của sự dạy học và giáo dục.
Như vậy, giáo dục vạch ra đường hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của con người và thúc đẩy quá trình này theo đường hướng đó. Nhưng giáo dục không chỉ tác động một chiều mà bao gồm cả hoạt động tích cực, đa dạng của người được giáo dục. Do đó, để giáo dục giữ vai trò chủ đạo thì cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và tự giáo dục.
2.2.4. Vai trò quyết định trực tiếp của hoạt động cá nhân a) Khái niệm hoạt động
Hoạt động là quá trình con người thực hiện mối quan hệ tác động qua lại với tự nhiên, với xã hội, với người khác và với bản thân. Từ đó tạo ra sản phẩm cả về tự nhiên, xã hội và về phí con người.
b) Vai trò của hoạt động cá nhân đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
Thông qua hoạt động, con người chuyển hoá năng lực, phẩm chất tâm lý của bản thân thành sản phẩm thực tế, tiếp thu nền văn hoá biến nền văn hoá của loài người thành vốn riêng của mình
Thông qua hoạt động con người tiếp thu nền văn hoá xã hội và biến nền văn hoá của loài người thành vốn riêng của mình, vận dụng chúng vào cuốc sống, làm cho nhân cách ngày càng phát triển. Hoạt động giúp cho cá nhân hiện thực hoá những khả năng về tố chất thành hiện thực, đồng thời là nguồn quan trọng cung cấp cho cá nhân những kinh nghiệm xã hội.
Thông qua hoạt động con ngưòi có thể cải tạo những nét tâm lý và những nhân cách đang bị suy thoái, hoàn thiện chúng theo chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Quá trình giáo dục phải đi đến tự giáo dục tức là cá nhân phải có ý thức nỗ lực, có ý chí quyết tâm khắc phục, vượt qua những khó khăn chủ quan và khách quan để thực hiện việc rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách theo một chương trình, kế hoạch.
Hoạt động của cá nhân quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Muốn phát huy được vai trò của hoạt động cá nhân thì phải:
+ Đưa học sinh vào những hoạt động đa dạng, coi hoạt động là phưong tiện giáo dục cơ bản.
+ Tổ chức các hoạt động tích cực, sáng tạo của con người, thay đổi tính chất của hoạt động làm phong phú nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động để lôi cuốn con người vào hoạt động.
+ Nhà giáo dục phải nắm được hoạt động chủ đạo ở từng thời kỳ nhất định để tổ chức các hoạt động cho phù hợp với đặc điểm lứa tuổi.