Các công trình nghiên cứu đã có hầu hết tập trung vào hướng đánh giá hình thái cơ thể người ở trạng thái tĩnh, chỉ có một số ít các đề tài nghiên cứu đến nhân trắc kích thước động áp dụng cho các lĩnh vực khác nhau. Một số nghiên cứu trong nước :
Luận án phó tiến sĩ khoa học sinh học “Xây dựng các chỉ tiêu nhân trắc Egonomi của người lao động Việt nam làm cơ sở cho thiết kế máy, thiết bị sản xuất, chỗ làm việc” của tác giả Nguyễn Đức Hồng, chuyên ngành Nhân chủng học, năm 1995.
Đề tài “Nghiên cứu tầm hoạt động và giới hạn thị trường bình thường của người lao động Việt Nam” thực hiện năm 1985 bởi TS. Nguyễn Đức Hồng;
“Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động” thực hiện trong 2 năm 1981-1982. Thống kê đưa ra trên dấu hiệu nhân trắc học được đo trong 2 năm 1981- 1982, trên 13000 người lao động Việt Nam, từ 17 tới 55 tuổi, thuộc ngành nghề và địa lý khác nhau.
"Nhân trắc Ecgonomy" của Bùi Thụ, Lê Gia Khải năm 1983: Đại cương về phương pháp chọn chỉ nêu đối tượng, mẫu đo, dụng cụ và kỹ thuật đo. Xây dựng các chỉ tiêu về chiều cao, cần năng, cac số đo liên quan phù hợp với cơ sở lao động người Việt Nam.
Trong may mặc, các nghiên cứu tập trung vào sự thay đổi kích thước cơ thể người ở các trạng thái động ảnh hưởng đến tính toán, thiết kế trang phục chưa nhiều. Một số nghiên cứu đã công bố gần đây cũng đã góp phần mở ra những bước đi tích cực cho hướng nghiên cứu này như:
Gần đây nhất, tác giả Lê Thị Dung- Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có công trình “ Nghiên cứu cải thiện ba vòng cử động trong thiết kế áo dài truyền thống cho đồng phục nữ sinh trung học tại Việt Nam”. Đây là đề tài luận văn thạc sĩ của tác giả vào năm 2013 tại trường Đại học Đông Hoa- Bắc Kinh- Trung Quốc [4]. Mục tiêu của đề tài là cải tiến cử động trong thiết kế áo dài để tăng tính thoải mái cho đồng phục nữ sinh, trên cơ sở nghiên cứu của mình, thông qua sự thay đổi kích thước cơ thể ở một số trạng thái hoạt động, tác giả tính toán lượng gia giảm thiết kế, xây dựng phương án cải tiến cử động trong thiết kế áo dài cho đồng phục nữ sinh trung học.
Tiếp đến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội : “Nghiên cứu sự thay đổi kích thước cơ thể phần thân trên và ước tính lượng gia giảm thiết kế tối thiểu cho kết cấu áo cơ bản” của tác giả Phạm Hải Yến cũng đã bước đầu xác định được sự thay đổi kích thước cơ thể ở trạng thái động và trạng thái tĩnh.