II. PHẦN NỘI DUNG
2.3.1. Giải pháp tiếp tục phát huy những mặt đạt được
Tiêu chí 1: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú
Thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đề
cao xây dựng văn hóa gia đình và tiêu chí gia đình hạnh phúc. Duy trì chế độ khen thưởng, tôn vinh kịp thời, định kỳ tổ chức tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu xuất sắc trên diện rộng làm nòng cốt cho mọi nơi noi theo.
Thứ hai, xây dựng môi trường giáo dục hiệu quả trong việc xây dựng con người
mới; xây dựng pháo đài vững chắc phòng chống các loại tệ nạn xã hội. Phải có kế hoạch để phòng chống lại các tiêu cực xã hội xâm lấn vào gia đình làm suy giảm giá trị văn hóa gia đình Việt Nam. Hướng dẫn thi hành cụ thể, ngăn chặn có hiệu quả và đấu tranh mạnh mẽ với các tiêu cực, hủ tục, tệ nạn đang diễn ra đối với gia đình Việt Nam. Giải quyết tốt vấn đề truyền thống và hiện đại trong mối quan hệ gia đình. Để có gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi gia đình, rất cần có sự hỗ trợ đầu tư và bảo vệ tối đa của Nhà nước, pháp luật.
Tiêu chí 2: Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng
Thứ nhất, mặc dù xã hội có biến động, nhưng gia đình Việt Nam vẫn giữ được
ổn định. Do đó, nội dung xây dựng văn hóa gia đình cần hướng tới: Gia đình có kỷ cương, nề nếp, kính trên, nhường dưới, tôn trọng nhau, anh em hoà thuận, cha mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, tạo điều kiện cho con rèn luyện sức khỏe, đạo đức, học tập, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chăm sóc cha mẹ già chu đáo, đối xử bình đẳng với các con. Gia đình Việt Nam cần phát triển theo xu hướng tiến bộ của nhân loại, do đó chúng ta phải hạn chế được những tiêu cực đang nảy sinh xâm hại đến gia đình, phát huy các giá trị vốn có tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Với quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hoá mạnh mẽ hiện nay, việc định hướng cho việc xây dựng nếp sống tốt
37
đẹp của cá nhân, gia đình, xã hội phải vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại.
Thứ hai, gia đình là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống, lối sống
và góp phần hình thành nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục gia đình, giáo dục về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của của gia đình và công tác gia đình. Đa dạng hoá công tác tuyên truyền về gia đình, lấy xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa gia đình là yếu tố nền tảng kết hợp giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức và kỹ năng sống trong gia đình. Lấy giá trị truyền thống gia đình Việt Nam “gia phong, gia lễ, gia đạo, gia hiếu” làm nền tảng để duy trì xây dựng văn hóa gia đình với những chuẩn mực nhân văn. Giá trị văn hóa gia đình của gia đình truyền thống phải trở thành chuẩn mực cơ bản, là “linh hồn’’ của gia đình trong xã hội hiện đại và phát triển.
Thứ ba, đã từ lâu, công tác Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình luôn được Nhà nước
quan tâm. Do đó tiếp tục thực hiện các đề án, mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số như: mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh nhiều con; tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển; mô hình xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên, .... Đẩy mạnh và lồng ghép vào các hoạt động đoàn thể hay quy định ở cơ quan.
Tiêu chí 3: Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả
Thứ nhất, phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi quốc gia, nhất là trong
giai đoạn hết sức khó khăn vì đại dịch COVID-19, khiến tỉ lệ người lao động mất việc làm tăng cao. Vì vậy, phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết nạn thiếu việc làm cho các thành viên là một vấn đề quan trọng trong thời gian sắp tới, khi Việt Nam và cả thế giới sẽ bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Một mặt sẽ giúp nhiều hộ gia đình gia tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống; mặt khác giúp họ có thể giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, từ đó nhận thức được về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng gia đình văn hóa.
38
Thứ hai, giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách
con người, bao gồm giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Để việc giáo dục gia đình có hiệu quả tốt, các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng một gia đình đầy đủ toàn vẹn, trong đó mọi thành viên có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Xây dựng một phong cách sinh hoạt có nề nếp, phù hợp nhu cầu hứng thú nhằm phát huy những mặt tích cực của trẻ. Đặc biệt cha mẹ, người lớn phải giữ uy tín vai trò gương mẫu của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhà trường, đoàn thể để nắm được mục đích giáo dục, có sự phối hợp chặt chẽ.