Kiến nghị hoàn thiện các chế định cụ thể của Luật Hôn nhân và gia đình năm

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thành tựu, vướng mắc và hướng hoàn thiện (Trang 91 - 96)

Trên cơ sở nghiên cứu một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện và áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000, tác giả kiến nghị hoàn thiện trong từng chế định cụ thể của Luật HN&GĐ. Riêng chế định nuôi con nuôi, do năm 2010 Quốc hội đã thông qua Luật nuôi con nuôi. Do đó, theo tác giả, trong lần sửa đổi, bổ sung sắp tới nên bỏ chế định nuôi con nuôi khỏi Luật

HN&GĐ để tránh các Luật chồng chéo lên nhau gây khó khăn cho quá trình áp dụng Luật.

2.2.1. Chế định kết hôn

Như đã phân tích ở trên, bên cạnh những thành tựu đạt được như đa số nam nữ kết hôn đã tuân thủ điều kiện kết hôn; tỷ lệ thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền ngày càng cao và thủ tục đăng ký kết hôn khi nam nữ muốn trở thành vợ chồng chung sống với nhau đã đi vào tiềm thức của người dân thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân; việc kết hôn về cơ bản đã dựa trên sự tự nguyện của nam nữ, tình trạng cưỡng ép kết hôn hầu như không còn xảy ra thì còn một vài quy định về điều kiện kết hôn còn khiếm khuyết chưa thật sự đồng bộ với các ngành luật khác gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Vì vậy cần có những biện pháp cụ thể để hoàn thiện chế định về kết hôn:

+ Về tuổi kết hôn

Thứ nhất, Vẫn quy định độ tuổi kết hôn đối với nam là hai mươi tuổi và mười tám tuổi đối với nữ vì quy định này đã được thực hiện nhiều năm và đã đi sâu vào đời sống, tư duy của người dân nhưng cần thêm chữ "đủ" vào trước độ tuổi: Nam từ "đủ"hai mươi tuổi, nữ từ "đủ" mười tám tuổi. Ví dụ như: Chị A sinh ngày 03/07/1984 muốn kết hôn với anh B sinh ngày 13/04/1981. Thì thời điểm chị A và anh B có thể đăng ký kết hôn phải sau ngày 03/07 của năm chị A đủ số tuổi mà pháp luật quy định. Giả sử pháp luật quy định 18 tuổi thì phải từ ngày 03/07/2002 chị A mới đủ tuổi kết hôn. Cách quy định như vậy sẽ chính xác và sẽ không còn tình trạng áp dụng cách tính tuổi tùy tiện như hiện nay nữa.

Thứ hai: Cần quy định chênh lệch độ tuổi tối đa giữa nam và nữ khi kết hôn để tránh tình trạng kết hôn quá chênh lệch tuổi tác không vì mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no mà các bên có mục đích khác như hướng tới của cải của bên kia hoặc để xuất ngoại khi kết hôn với người nước ngoài.

+ Về quy định cấm kết hôn

Một là, cần quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời xét trên thực tế. Việc quy định như vậy là để dự liệu những rủi ro của việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa những người có quan hệ huyết thống, hoặc quan hệ ba đời trên thực tế nhưng về khía cạnh pháp luật do bản thân những người kết hôn không biết nên không phải là người bị cấm kết hôn. Quy định như vậy có nghĩa là xét quan hệ trực hệ, quan hệ họ hàng trong phạm vi ba đời về mặt huyết thống thực tế. Đây sẽ là căn cứ để hủy việc kết hôn trái pháp luật khi xảy ra trường hợp kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Quy định này dự liệu luôn cả trường hợp kết hôn giữa những người có quan hệ trực hệ, quan hệ trong phạm vi ba đời do được sinh ra bằng phương pháp khoa học.

Hai là, cần quy định rõ thế nào là người mất năng lực hành vi trong Khoản 2 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000. Nên quy định rõ giống như quy định trong BLDS 2005 để người dân khi đọc sẽ hiểu rõ những trường hợp bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì bị cấm kết hôn. Việc quy định như vậy sẽ rất dễ để người dân tiếp cận các quy định của Luật nhằm hạn chế tình trạng người mất năng lực hành vi vẫn kết hôn như hiện nay. Song song với quy định này thì cần có thêm quy định về "Chứng chỉ tiền hôn nhân"-tức là khi đi đăng ký kết hôn, các bên nam nữ phải xuất trình Giấy khám sức khỏe. Việc quy định xuất trình Giấy chứng nhận sức khỏe có thể giúp loại trừ một số trường hợp kết hôn mà một bên bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi hoặc trường hợp người bị nhiễm HIV mà cố tính lừa dối để kết hôn. Pháp luật hiện hành không cấm các trường hợp nhiễm HIV kết hôn nhưng nếu người nhiễm HIV cố ý lừa dối, giấu giếm tình trạng bệnh của mình để kết hôn thì sẽ bị hủy việc kết hôn trái pháp luật, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ba là, bỏ quy định cấm kết giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể,bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Pháp luật HN&GĐ Việt Nam qua nhiều thời kỳ trước đây cho đến Luật HN&GĐ năm 1959 và 1986 cũng như pháp luật về HN&GĐ nhiều nước trên thế giới không cấm những trường hợp này kết hôn. Về mặt khoa học thì việc kết hôn giữa những người này cũng không có ảnh hưởng đến nòi giống trong tương lai.

Bốn là, cần hướng dẫn cụ thể hướng giải quyết đối với trường hợp một người chung sống như vợ chồng với nhiều người trước 3/1/1987 và hướng giải quyết khi họ yêu cầu ly hôn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp quản lý đối với những trường hợp chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn từ trước ngày 3/1/1987 theo hướng yêu cầu lập tờ khai về tình trạng chung sống như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn; các địa phương rà soát trên địa bàn mình, thông báo rộng rãi về việc yêu cầu lập tờ khai và cơ quan có thẩm quyền phải vào sổ theo dõi. Việc quản lý những trường hợp này để tránh tình trạng kết hôn vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng.

Năm là, cần sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hộ tịch để việc quản lý hộ tịch được rõ ràng, thống nhất và dễ quản lý trong phạm vi cả nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, vi tính hóa hoạt động quản lý hành chính sẽ giúp giảm bớt các thủ tục, giấy tờ trong công tác quản lý hộ tịch.

+ Thủ tục đăng ký kết hôn

Cần quy định các giấy tờ thay thế những giấy tờ chính khi đăng ký kết hôn như: Giấy xác nhận nơi cư trú của công an địa phương thay cho sổ hộ khẩu, hộ chiếu có thể thay cho chứng minh nhân dân...để tránh tình trạng nhiều trường hợp cha mẹ ngăn cản con kết hôn nên giữ các giấy tờ đó của con làm cản trở quyền tự do kết hôn của công dân.

Đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn nghi ngờ người kết hôn bị mất năng lực hành vi dân sự thì có thể từ chối đăng ký kết hôn

cho họ. Tuy nhiên cần quy định cụ thể cơ sở pháp lý của việc từ chối đăng ký kết hôn thông qua việc nên quy định trước khi tiến hành lễ đăng ký kết hôn thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn phải tiến hành phỏng vấn người kết hôn. Nếu trong quá trình phỏng vấn mà xét thấy người kết hôn mất năng lực hành vi (không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi) thì có quyền từ chối thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Người bị từ chối đăng ký kết hôn có quyền khiếu nại nếu cho rằng việc từ chối này không đúng hoặc vì mục đích cá nhân khác.

Ngoài ra cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

+ Về hủy việc kết hôn trái pháp luật

Một là, cần mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật ra phạm vi rộng hơn ngoài vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn thì nên quy định bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột, cháu ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của các bên kết hôn. Việc quy định như vậy để phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về thừa kế và cũng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của những người thừa kế. Ngoài ra cũng cần quy định trong trường hợp một trong các bên kết hôn trái pháp luật chết thì người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật vẫn còn quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Hai là, theo quy định của BLTTDS 2004 thì VKS không có quyền tham gia tố tụng do đó không thể yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em nay đã giải tán nên cần quy định những cơ quan tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Có thể quy định Sở lao động thương binh và xã hội cấp tỉnh/thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Mặt khác những cơ quan này là cơ quan gần gũi với đời sống của người dân, Sở lao động thương binh và xã hội có quản lý cả mảng về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ là cơ quan bảo vệ quyền của phụ nữ.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thành tựu, vướng mắc và hướng hoàn thiện (Trang 91 - 96)