HNCN là một chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng phá sản, thành phần chủ yếu là các chủ nợ của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, nhân danh chủ nợ tham gia tố tụng phá sản để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây cũng là một chủ thể quan trọng tham gia vào quan hệ giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp.
HNCN là thiết chế đặc biệt, chỉ tồn tại trong pháp luật phá sản, là cơ chế đại diện tham gia của tất cả các chủ nợ trong quá trình GQPS. LPS 2014 đã ghi nhận tư cách tham gia HNCN các chủ nợ : chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ không có bảo đảm.
Những người có quyền tham gia HNCN theo LPS 2014 bao gồm: Các chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ, có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia HNCN, người được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ như chủ nợ; Đại diện cho NLĐ, đại diện công đoàn được NLĐ ủy quyền, trường hợp này đại diện cho NLĐ, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ; Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho DN, trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có bảo đảm
Theo quy định của LPS 2014, tất cả các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức là chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ đều có thể trở thành thành viên của HNCN, không phân biệt họ là chủ nợ có bảo đảm hay không có bảo đảm. Danh sách này do Tổ quản lý và thanh lý tài sản lập nên, ngoài ra, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên, người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản cũng đều có quyền tham gia HNCN.
Tuy nhiên, LPS 2014 quy định điều kiện hợp lệ của HNCN chỉ tính đến sự có mặt của:
- Số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm - Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản phải tham gia HNCN – Căn cứ theo Điều 79 LPS 2014.
Quy định này đã giúp đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ không có bảo đảm, đặt họ ở vị trí trung tâm của HNCN thay vì quy định bắt buộc người nộp đơn và DN phải tham gia để Hội nghị có hiệu lực như trước đây.Điều này là vô cùng hợp lý vì HNCN thể hiện quyền và ý chí của các chủ nợ về việc có cho con nợ phục hồi hay không, nên sự có mặt của các chủ nợ mới là yếu tố quyết định. Tham gia vào quá trình tố tụng phá sản, HNCN có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, được quy định tại các điều 47,75,90 LPS 2014.
Như vậy, HNCN là tổ chức duy nhất của chủ nợ tham gia vào việc giải quyết một cách tập thể, công bằng lợi ích của họ. HNCN có quyền xem xét, thông qua các biện pháp cứu vãn doanh nghiệp mắc nợ hoặc thảo luận và kiến nghị về phương án phân chia tài sản nhưng không có quyền quyết định đối với việc tuyên bố phá sản hay phân chia tài sản của doanh nghiệp mắc nợ [21.tr 46] .