III. CAM KẾT VỀ MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ:
3. Danh mục miễn trừ tối huệ quốc:
Ta bảo lưu ngoại lệ MFN (có thể phân biệt đối xử) trong một số lĩnh vực. Thứ nhất là các Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương (BIT) mà ta đã ký với các nước. Theo biện pháp bảo lưu này, ta có quyền không dành những ưu đãi theo một số Hiệp định đầu tư song phương cho toàn bộ các Thành viên WTO. Trong các nước mới gia nhập gần đây, chỉ có Việt Nam giữ được bảo lưu này.
Thứ hai là dịch vụ nghe nhìn. Theo biện pháp bảo lưu này, ta có quyền phân biệt đối xử giữa các Thành viên WTO trong các hoạt động như sản xuất, phát hành, chiếu các chương trình truyền hình, phim truyện v.v… Biện pháp bảo lưu này giúp ta dành những ưu đãi nhất định cho các Thành viên WTO đã ký với ta các hiệp định về hợp tác văn hoá.
Cuối cùng là dịch vụ vận tải biển. Ta bảo lưu sự phân biệt đối xử trong các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của các công ty con của các hãng tàu nước ngoài được quy định theo các Hiệp định song phương mà Việt Nam ký với các nước; tuy nhiên, biện pháp này chỉ được duy trì không quá 5 năm kể từ khi gia nhập WTO. Ngoài ra, ta cũng bảo lưu một số ưu đãi dành cho Singapore theo Hiệp định vận tải ký giữa hai nước; thời hạn bảo lưu không quá 10 năm kể từ khi gia nhập WTO.
PHẦN THỨ BA
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC GIA NHẬP WTO CỦA VIỆC GIA NHẬP WTO
Phần này đưa ra những đánh giá tổng thể về tác động của việc gia nhập WTO đối với nước ta. Một số đánh giá như vậy đã được trình bày tại mục IV của Phần thứ nhất (về sự cần thiết, cơ hội và thách thức của việc gia nhập WTO). Ngoài ra, trong một số đoạn giải trình về cam kết đa phương và cam kết dịch vụ cũng đã báo cáo sơ bộ về tác động của cam kết đối với lĩnh vực có liên quan.