Đối với thu hút đầu tư nước ngoài
Một là, nâng cao chất lượng quy hoạch và Danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài làm cơ sở thực hiện chương trình vận động đầu tư.
Để tăng cường tinh minh bạch, ổn định và có thể dự đoán trước được môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc lực chọn cơ hội đầu tư, cần thực hiện đúng quy định của Nghị định 24/2000/NĐ-CP, theo đó Danh mục dự án gọi vốn ĐTNN vào KCN khi được công bố thì được coi là đã thống nhất về chủ trương và phù hợp với quy hoạch ngành, lãnh thổ. Để đảm bảo tính khả thi của quy định này, Danh mục phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH trong từng thời kỳ, đồng thời phải tính đến nhu cầu và khả năng thực tế của nhà đầu tư. Những thông tin về mục tiêu, địa điểm, hình thức, đối tác thực hiện dự án..vv trong Danh mục phải có độ chính xác và tin cậy cao.
Hai là, đổi mới, đa dạng hoá các phương thức tổ chức xúc tiến đầu tư. Thực hiện các chương trình vận động trực tiếp đối với từng lĩnh vực, dự án và đối tác cụ thể theo hướng: tiếp xúc trực tiếp ở các cấp khác nhau (kể cả Chính phủ, Nhà nước), với các công ty, các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ để xúc tiến thực hiện một số dự án quan trọng được lựa chọn, đồng thời cam kết hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các dự án này nhằm mở đường cho việc thu hút các công ty trực thuộc và hoặc có quan hệ kinh doanh với các tập đoàn nói trên đầu tư vào KCN; mở rộng quan hệ hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính, các công ty tư vấn, xúc tiến ĐTNN.. vv để phối hợp vận động các khách hàng của họ đầu tư vào Việt Nam; chuẩn bị thông tin chi tiết về một số dự án có tính khả thi cao để đưa ra giới thiệu với các nhà đầu
tư có tiềm năng nhân dịp các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ đi các nước. Kết hợp vận động đầu tư trong các dịp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ; nâng cao hiệu quả hoạt động vận động đầu tư gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng cách hợp tác với các cơ quan, hãng thông tấn, báo chí, truyền hình trong và ngoài nước để tăng tầng suất thông tin về môi trường và cơ hội đầu tư vào KCN; kịp thời chuẩn xác thông tin, khắc phục tình trạng đưa tin sai hoặc cố tình bóp méo sự thật về KCN ở Việt Nam; duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại với với cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là trong khuôn khổ Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp có vốn ĐTNN.. nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp, coi đó là giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng hình ảnh, tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mới; tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước về kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Kịp thời khen thưởng các cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KCN ở Việt Nam.
Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, đối tác đầu tư. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương mở rộng, đa phương hoá đối tác đầu tư, cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thực trạng và xu hướng đầu tư của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia từ các nước và khu vực quan trọng như EU, Nhật Bản, Hoa kỳ.. vv. Mặt khác, cần nghiên cứu tình hình, xu hướng ĐTNN trên thế giới, kinh nghiệm thu hút đầu tư của một nước trong khu vực, đặc biệt là các cơ chế pháp lý song phương và đa phương điều chỉnh quan hệ hợp tác đầu tư quốc tế mà Việt Nam đã và đang trong quá trình tham gia. Đây là chương trình nghiên cứu quan trọng, không chỉ phục vụ thiết thực cho công tác vận động, xúc tiến đầu tư mà còn tạo điều kiện cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về đầu tư.
Bốn là, tăng cường hợp tác song phương và đa phương vế xúc tiến đầu tư. Sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký với Hàn Quốc theo
những nguyên tắc về đối xử đã thoả thuận với Hoa Kỳ, xem xét áp dụng nguyên tắc đối xử nói trên đối với các nhà đầu tư EU.
Tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác xúc tiến đầu tư song phương đã được thiết lập trong thời gian qua với JICA và JETRO (Nhật Bản), Trung tâm xúc tiến đầu tư và du lịch ASEAN (Nhật Bản), OPIC (Hoa Kỳ), GTZ (Đức).. nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức này trong việc thực hiện các chương trình vận động đầu tư trực tiếp với từng đối tác, lĩnh vực cụ thể. Nghiên cứu thực trạng và xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia, hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật xúc tiến đầu tư..vv. Nối lại quan hệ hợp tác xúc tiến đầu tư với các cơ quan Chính phủ ở các nước trong khu vực như Văn phòng Hội đồng đầu tư Thái Lan (OBOI), Cơ quan phát triển công nghiệp Malaysia (MIDA), Hội đồng phát triển kinh tế Singapore (EDB).
Tham gia tích cực và chủ động hơn nữa vào các chương trình xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ các tổ chức, diễn đàn khu vực theo hướng sau: xây dựng và cập nhật thường xuyên các chương trình hành động quốc gia về tự do hoá, thuận lợi hoá và xúc tiến đầu tư mà Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ ASEAN, APEC và ASEM; tham gia tích cực vào chương trình hợp tác và tham vấn giữa các cơ quan quản lý đầu tư của các nước thành viên, đồng thời tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, diễn đàn quốc tế khác để xác định các rào cản đối với đầu tư và kiến nghị các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của khu vực nói chung và từng nước thành viên nói riêng; duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác xúc tiến đầu tư với các tổ chức quốc tế như WB, IFC, FIAS, MIGA, ESCAP theo chương trình đã thoả thuận.
Năm là, nâng cao chất lượng thông tin, ấn phẩm tuyên truyền đầu tư. Khẩn trương xây dựng trang Web của Tạp chí KCN Việt Nam, đồng thời kết nối mạng trang Web của Tạp chí KCN Việt Nam với trang Web của các Ban quản lý KCN cấp tỉnh, cũng như trang Web của các Công ty phát triển hạ tầng KCN của cả nước hình thành hệ thống mạng thông tin chung về KCN của Việt Nam.
Sáu là, bố trí ngân sách phục vụ cho hoạt động vận động đầu tư. Nhà nước cần dành kinh phí thoả đáng từ ngân sách Nhà nước cho công tác này, không chỉ dựa vào nỗ lực của doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng KCN hoặc bên nước ngoài trong các liên doanh xây dựng hạ tầng KCN.
Đối với thu hút đầu tư trong nước
Một là, Nhà nước phải tạo khung pháp lý nhất quán và ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, thực hiện tốt cơ chế một cửa, tại chỗ”, bảo đảm các chế độ ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư vào KCN.
Hai là, KCN phải ban hành Danh mục dự án gọi vốn đầu tư vào KCN để mọi thành phần kinh tế trong nước có cơ hội đầu tư. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, cá nhân trong nước đầu tư vào KCN. Ba là, Nhà nước cần có chính sách thoả đáng để di dời các doanh nghiệp trong các thành phố, đô thị lớn vào KCN.
Bốn là, ở những KCN thuộc khu vực khó khăn, hoặc KCN gắn với quốc phòng, cần có chính sách định hướng, vận động các tổng công ty Nhà nước, trên cơ sở chiến lược phát triển của ngành mình đầu tư vào KCN .
Đối với KCN vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn, Nhà nước phải có biện pháp, chính sách di chuyển một phần doanh nghiệp gia công (may mặc, da-giầy..vv.), chế biến nông, lâm sản ở các thành phố và đô thị về các KCN này; đồng thời có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế vào KCN loại này.
Năm là, khi thành lập KCN trên địa bàn, đòi hỏi các tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý KCN cấp tỉnh, doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng KCN trong việc vận động định hướng đầu tư vào KCN tránh tình trạng đầu tư phân tán, không tuân thủ quy hoạch, gây khó khăn cho việc kiểm soát môi trường.