Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất giảm mạnh, một phần do bãi bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Chỉ có 30 dự án đầu tư được cấp chứng nhận đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) của Hà Nội từ đầu năm tới nay, với tổng vốn đăng ký khoảng 80 triệu USD và 600 tỷ đồng, bằng 30% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, trong số này, chỉ có 12 dự án là cấp mới, còn lại là các dự án tăng vốn.
Theo ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý Các KCN, KCX Hà Nội, nguyên nhân cơ bản nhất của sự sụt giảm này là do khủng hoảng tài chính
toàn cầu, khiến lưng vốn của nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là việc từ ngày 1/1/2009, Việt Nam bãi bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đối với cả DN đầu tư hạ tầng KCN và DN hoạt động trong các KCN.
“Các DN đầu tư xây dựng hạ tầng KCN kêu nhiều nhất về vấn đề này. Không thể đánh đồng việc đầu tư xây dựng khu đô thị với việc xây dựng hạ tầng KCN, bởi vì việc đầu tư cho các KCN sẽ liên tục phát sinh lợi nhuận, tăng thu cho ngân sách, khác hẳn với đầu tư một khu chung cư. Ưu đãi cho phát triển các KCN cũng chính là sự đầu tư cho nguồn thu sau này”, ông Chính nói.
Trên một khía cạnh khác, ông Chính cũng cho rằng, việc Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư vào các KCN. Việc này, theo ông Chính, khiến nhiều DN đầu tư hạ tầng KCN lừng chừng trong thực hiện dự án.
Liên quan tới vấn đề này, trong một cuộc trao đổi gần đây với phóng viên báo chí, ông Hong Sun, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển HS cho rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư tại Việt Nam là do tiền thuê đất rẻ hơn, nhưng với các quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP, lợi thế này đang mất dần.
“Áp dụng các quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP thì tốt cho nông dân Việt Nam, nhưng với chúng tôi thì không, thậm chí Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh so với nước khác. Nhiều dự án KCN gặp khó khăn và không biết có triển khai tiếp hay không”, ông Hong Sun nói và cho biết, Công ty của ông có một dự án KCN ở Thường Tín (Hà Nội). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 90 triệu USD, trong đó tiền đề bù giải phóng mặt bằng ban đầu dự kiến tối đa là 18 triệu USD, nhưng bây giờ, vì Thường Tín đã sáp nhập về Hà Nội, nên tiền đền bù đã lên tới 30 triệu USD. Cộng thêm các quy định từ Nghị định 69/2009/NĐ- CP, Công ty HS sẽ phải mất nhiều hơn thế tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Và điều đó, tất nhiên sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN như HS.